Khơi nguồn hành trình năng lượng xanh của ngành Dầu khí

(BKTO) - Tại tọa đàm về thị trường tiêu thụ khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), Phó Tổng Giám đốc PV GAS Huỳnh Quang Hải chia sẻ, đón nhận trọng trách mà PVN giao phó, PV GAS đang đứng trước những thách thức lớn trong quá trình phát triển LNG, tạo nên “Hành trình năng lượng xanh” hiệu quả và đột phá.

lng.jpeg
Dự án LNG Thị Vải - điển hình tiên phong thực hiện chiến lược phát triển năng lượng xanh của ngành Dầu khí. Ảnh: dautu.vn

LNG Thị Vải - biểu tượng tiên phong về năng lượng xanh

Theo ông Trần Quang Dũng, Trưởng ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp (PVN), Tập đoàn vừa đón nhận nhiều tin vui lớn chào mừng Ngày Truyền thống ngành Dầu khí 27/11, đặc biệt là việc xác định chiến lược xây dựng PVN thành tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia, có vị thế chủ lực tại Việt Nam, khu vực và quốc tế; chuỗi giá trị Văn hóa Dầu khí đang tiếp tục được khẳng định bằng rất nhiều nỗ lực ở mỗi công trình, dự án, trong đó PV GAS và Công trình Kho LNG 1 MMTPA Thị Vải trở thành một điển hình, biểu tượng tiên phong trong thực hiện chiến lược phát triển năng lượng xanh.

Hiện nay, giai đoạn 1 của Công trình Kho cảng LNG Thị Vải tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn thành và giai đoạn 2 sẽ sớm được triển khai nâng công suất lên 3 triệu tấn/năm. PV GAS cũng đang đầu tư xây dựng Kho cảng LNG Sơn Mỹ tại tỉnh Bình Thuận với công suất dự kiến khi hoàn thành giai đoạn 1 là 3,6 triệu tấn LNG/năm và nâng công suất lên đến 10 triệu tấn LNG/năm cho cả 2 giai đoạn. Cơ sở hạ tầng LNG của PV GAS sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu năng lượng cho khu vực Đông Nam bộ và Nam Trung bộ trong tương lai - ông Huỳnh Quang Hải cho biết.

Ngoài ra, PV GAS sẽ tiếp tục xây dựng, mở rộng cơ sở hạ tầng và hệ thống vận chuyển LNG theo mô hình “Kho cảng LNG trung tâm (LNG Hub) cung cấp nguồn khí tái hóa cho các Trung tâm Nhiệt điện khí vệ tinh trên toàn quốc” với cả 3 khu vực trọng yếu trong hệ thống năng lượng quốc gia (công nghiệp khí và công nghiệp điện) bao gồm: Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và Bắc bộ/Bắc Trung bộ, sẽ kết nối đồng bộ với hệ thống đường ống vận chuyển khí tái hóa/hệ thống vận chuyển LNG đường biển và hệ thống cung ứng LNG (đường biển/sông, đường bộ) đến các hộ tiêu thụ/trung tâm điện lực.

Mới đây, khi trao đổi về tình hình quản lý, vận hành Kho cảng LNG Thị Vải, ông Phạm Nguyễn Quốc Cường - Quản đốc Kho cảng PV GAS Vũng Tàu cho biết, kể từ khi tiếp nhận quản lý, vận hành Kho cảng LNG Thị Vải từ phía Tổng thầu vào đầu tháng 8/2023 đến nay, công tác vận hành luôn được đảm bảo an toàn tuyệt đối, cung cấp ổn định, liên tục nguồn khí thấp áp cho các hộ tiêu thụ công nghiệp với công suất trung bình khoảng 80 tấn/ngày. Hệ thống và đội ngũ vận hành Kho luôn trong tình trạng sẵn sàng để có thể vận hành tối đa công suất thiết kế 5,7 triệu m3 khí/ngày.

Kho cảng LNG Thị Vải 1 triệu tấn được khởi công xây dựng vào ngày 28/10/2019 với tổng vốn đầu tư gần 300 triệu USD, do PV GAS làm chủ đầu tư, cùng Liên danh Tổng thầu Samsung C&T và Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC). Sau gần 4 năm thi công, công trình LNG đầu tiên, lớn và hiện đại nhất của Việt Nam đã hoàn thành, chính thức khánh thành vào ngày 29/10/2023. Bến cảng của công trình có thể tiếp nhận tàu chuyên chở LNG trọng tải đến 100.000 DWT, bồn chứa có dung tích tồn trữ 180.000m3, đạt công suất qua kho trung bình 1 triệu tấn LNG/năm.

Hình thành chuỗi cung ứng hiệu quả, phát triển thị trường LNG

Cũng theo ông Quốc Cường, Tổng thầu Samsung đánh giá ngay trong giai đoạn vận hành chạy thử hệ thống Kho cảng LNG Thị Vải đã có những thuận lợi và thành công vượt bậc so với những công trình tương tự khác trên thế giới.

kho.jpg
Kho chứa LNG 1 MMTPA Thị Vải - Vũng Tàu. Ảnh: PVN

Cụ thể, sau khi tiếp nhận 67.000 tấn LNG đầu tiên vào hệ thống, theo kinh nghiệm chạy thử các kho cảng LNG tương tự trên thế giới của Tổng thầu Samsung C&T, dự kiến ban đầu là sẽ chạy thử toàn hệ thống trong vòng khoảng 2 tháng, tiêu thụ khoảng 7.000 tấn LNG. Thế nhưng quá trình vận hành chạy thử đã kết thúc thành công chỉ sau 20 ngày và lượng tiêu thụ LNG cho quá trình này chỉ dừng lại ở mức 2.000 tấn. Kết quả này giúp PV GAS tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí, tạo tiền đề quan trọng cho bước vận hành chính thức đạt hiệu quả cao.

Để đảm bảo bổ sung nhu cầu năng lượng cho khu vực Đông Nam bộ và bù đắp lượng khí thiếu hụt cho thị trường miền Bắc, cũng như hình thành chuỗi cung ứng LNG hiệu quả, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Công ty CP Vận tải và Thương mại Đường sắt (RATRACO) đã phối hợp chặt chẽ với PV GAS cùng các đơn vị liên quan tích cực nghiên cứu, hoàn thiện phương án vận chuyển khí LNG đi các địa phương trên cả nước bằng hệ thống đường sắt, bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn phòng chống cháy, nổ.

Nguồn LNG nhập khẩu sẽ được phân phối đến các khách hàng của PV GAS theo 2 phương thức: LNG được tái hóa khí và nén vào đường ống dẫn khí hiện hữu; LNG được phân phối bằng bồn chuyên dụng trên đường biển/sông, đường bộ, đường sắt. Các loại bồn chuyên dụng được Tập đoàn NRS (Nhật Bản) - đối tác của PV GAS, chế tạo theo các tiêu chuẩn đặc biệt và khắt khe nhất của thế giới.

Việc nhập khẩu LNG có thể coi là một phần trong chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững của quốc gia. Đây là nguồn năng lượng không chỉ hiệu quả mà còn giúp giảm thiểu khí thải và ô nhiễm môi trường, một lựa chọn hoàn hảo trong việc cung cấp năng lượng sạch, đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của đất nước.

Đến nay, PV GAS là đơn vị đầu tiên được chứng nhận và có đủ điều kiện để thực hiện các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và kinh doanh, phân phối LNG tại thị trường Việt Nam. Điều này cung cấp cơ sở pháp lý và quyền hạn cho PV GAS để thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu LNG một cách chuyên nghiệp và hiệu quả.

Để PV GAS có thể vững tiến trên hành trình năng lượng xanh, lãnh đạo PV GAS cho rằng, cần phải tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển thị trường LNG tại Việt Nam. Trong đó có những khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế bao tiêu, chuyển ngang; các quy định liên quan đến giá khí, cước phí chưa rõ ràng về thẩm quyền phê duyệt cũng như cách thức xác định… Điều này đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc xác định giá phát điện đầu ra cũng như đàm phán các thỏa thuận thương mại giữa các khâu...

Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm tháo gỡ các nút nghẽn chính sách này, tạo hành lang pháp lý phù hợp nhằm xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh, minh bạch và đảm bảo lợi ích của các bên, từ đó thúc đẩy thị trường LNG phát triển bền vững./.

Cùng chuyên mục
Khơi nguồn hành trình năng lượng xanh của ngành Dầu khí