Ngân hàng và doanh nghiệp cần “ngồi lại” với nhau

(BKTO) - 9 tháng năm 2023, tăng trưởng tín dụng cho kinh doanh bất động sản (BĐS) đạt 21,8%, gấp hơn 3 lần so tăng trưởng tín dụng chung. Thế nhưng, con số này dường như vẫn chưa đủ để giải “cơn khát” vốn của các doanh nghiệp (DN) BĐS…

hoi-nghi.jpg
NHNN và Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị để bàn giải pháp phát triển thị trường BĐS lành mạnh. Ảnh: NHNN

Doanh nghiệp mong được tiếp cận vốn rẻ, thủ tục thông thoáng

Tại Hội nghị Tín dụng đối với BĐS và nhà ở xã hội do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức ngày 13/11, đại diện Novaland cho biết: Tập đoàn đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án và tiếp cận vốn tín dụng. Tập đoàn này đề nghị NHNN và Chính phủ đồng lòng hỗ trợ trong việc cơ cấu khoản vay và giảm lãi suất cho những dự án sẽ triển khai trong 2 năm tới (năm 2024 và 2025) để giãn dòng thanh toán cho DN.

Theo NHNN, đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS của các TCTD đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với 31/12/2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Trong đó, tín dụng BĐS tập trung vào mục đích tiêu dùng/tự sử dụng chiếm 64% và dư nợ đối với hoạt động kinh doanh BĐS chiếm tỷ trọng 36% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS.

9 tháng đầu năm, tín dụng kinh doanh BĐS có sự tăng trưởng rất cao, tăng 21,86%, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy các giải pháp, nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS đang dần phát huy hiệu quả.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest Lâm Hoàng Đăng cho biết, các chủ đầu tư đang gặp khó với quy định của NHNN liên quan đến việc vay vốn phát triển dự án phải có vốn tự có là 30%. Ông Đăng lý giải, khi thị trường địa ốc khó khăn, DN vẫn phải trả lãi, trả gốc vay và các chi phí khác và phải ứng vốn tự có của mình. Vì vậy, số vốn tự có này sẽ dần dần bị giảm đi, gây áp lực rất lớn cho các DN. “Do đó, NHNN xem xét giảm tỷ lệ này xuống còn 10 - 15% để giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn” - ông Đăng kiến nghị.

Cũng liên quan đến điều kiện vay vốn, ông Nguyễn Văn Cường - Phó Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh - đề nghị các ngân hàng tối giản hóa điều kiện cho vay dự án BĐS, đồng thời kéo dài thời gian cho vay với DN lĩnh vực cung cấp vật liệu xây dựng, DN thi công. Thời gian qua, các nhà thầu, đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng chỉ được vay 6-12 tháng, từ đó gây áp lực trở lại với chủ đầu tư.

Đối với quy trình cho vay, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch GP.Invest - mong các ngân hàng thương mại rút gọn quy trình thẩm định, giải ngân từ 2 - 3 tháng như hiện nay xuống còn 1 tháng. Đồng thời, đơn giản hồ sơ vay vốn.

Cùng với điều kiện, quy trình, thủ tục cho vay, lãi suất tiếp tục nhận được sự quan tâm của DN. Theo ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vinhomes, hiện nay, các DN BĐS chưa tiếp cận được lãi suất thấp, nhất là với các khoản vay cũ. Ngân hàng thương mại hạn chế room tín dụng và có xu hướng ưu tiên lựa chọn khách hàng chấp nhận lãi suất cao.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hiệp chia sẻ thêm, lãi suất vay vốn của Công ty  GP.Invest đã giảm từ mức 10,5%/năm tháng 6/2023 xuống 9,5%/năm, song lãi vay này vẫn đang ở mức cao. Vì vậy, ông Hiệp đề nghị ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất.

Ngân hàng nói gì về lãi suất, quy trình, thủ tục cho vay?

Phản hồi ý kiến của đại diện Công ty GP.Invest, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Quân đội (MB) Phạm Như Ánh cho biết, để cho vay dài hạn, ngân hàng phải huy động thêm các nguồn vốn khác, thậm chí phải đi vay các tổ chức tín dụng (TCTD) nước ngoài với lãi suất cho vay USD 7 - 8%. Huy động chủ yếu là kỳ ngắn hạn trong khi BĐS chủ yếu cần dòng vốn trung - dài hạn.

Đồng thời, quy định chỉ cho phép dùng 30% nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Giá vốn huy động bình quân là 6,5 - 7%. Dù lãi suất đã giảm mạnh trong những tháng qua nhưng dự kiến đến đầu quý II - quý III/2024, giá vốn bình quân của các ngân hàng mới xuống thấp “Như vậy, về cơ bản, ngân hàng cho vay trung dài hạn trong lĩnh vực BĐS ở mức lãi suất 9 - 10% là hòa vốn” - ông Ánh khẳng định.

doanh-nghiep-bat-dong-san-gap-kho-trong-tiep-can-von-20221113170607.jpg
DN BĐS kiến nghị các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Ảnh minh họa

Đồng tình với ông Ánh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) Phùng Quang Hưng chia sẻ, trong hoạt động ngân hàng, việc huy động để cho vay trung dài hạn có chi phí rất cao. Đồng thời, cũng có những quy định như tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã giảm xuống 30% để bảo đảm sự phát triển lành mạnh của ngành ngân hàng. Cho vay, trung dài hạn bây giờ gần như không có lời.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), việc giảm lãi suất còn phụ thuộc vào cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng, nếu cơ cấu nguồn vốn giá cao thì phải cho vay lãi suất cao. Bên cạnh đó, các ngân hàng có nợ xấu cao, phải trích lập dự phòng lớn thì giá vốn cũng bị đẩy lên cao, dẫn tới lãi suất cho vay cao.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh thêm: Các ngân hàng đã giải thích lãi suất cho vay BĐS dài hạn vẫn còn cao là do nhu cầu vốn, chủ yếu là nguồn vốn ngắn hạn, phải tuân thủ quy định về giới hạn an toàn. Sự đổ vỡ của các ngân hàng ở Mỹ vừa qua cho thấy các ngân hàng cần đặc biệt lưu ý điểm này để giữ ổn định cho nền kinh tế.

Thực tế, cho vay mới hiện nay đã giảm 0,5%, mặt bằng lãi suất đã giảm về mặt bằng trước thời điểm Covid-19. Đây là sự cố gắng rất lớn của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, NHNN sẽ vẫn chỉ đạo các TCTD tiết giảm các chi phí, ứng dụng công nghệ để có thể tiếp tục hỗ trợ các DN, nhất là DN uy tín, tín nhiệm để vay vốn.

Về quy trình thủ tục, Thống đốc cho biết: Bản thân các TCTD cũng đã giải trình và bổ sung ý kiến giải thích tại sao lại phải kéo dài như vậy. Ở điểm này, Thống đốc yêu cầu các TCTD tiếp tục xem xét, rà soát thủ tục để rút ngắn nhất có thể thời gian phê duyệt tín dụng, nhưng đồng thời cũng yêu cầu các DN phải sẵn sàng minh bạch hồ sơ, rõ ràng và lành mạnh trong hoạt động.

Đối với tài sản đảm bảo, vấn đề này hoàn toàn do TCTD và khách hàng thỏa thuận, không có quy định bắt buộc khoản nào cũng phải có tài sản đảm bảo. Quan trọng nhất là dựa vào tính khả thi của DN, cho nên, khi DN vay vốn, việc chứng minh dự án khả thi, chứng minh dòng tiền vào tài sản trả nợ là rất quan trọng.

Chốt lại 3 điểm: Quy trình, lãi suất và tài sản đảm bảo, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị các TCTD và các DN cùng ngồi lại với nhau để bàn bạc cụ thể, chi tiết và đi đến thống nhất./.

Cùng chuyên mục
Ngân hàng và doanh nghiệp cần “ngồi lại” với nhau