Tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư

(BKTO) - Việt Nam là một trong những điểm đến xuất nhập khẩu thương mại quan trọng nhất đối với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Trong đó, tỷ trọng xuất nhập khẩu thương mại của Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước xuất nhập khẩu thương mại của tỉnh Vân Nam, chỉ sau Myanmar.

1er.jpg
Phiên thảo luận chủ đề về đầu tư, thương mại trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ X. Ảnh: hanoi.gov.vn

Hợp tác kinh tế giúp mở rộng lợi thế, tiềm năng thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Ngọc Tú, Trung Quốc đứng thứ 2 về các quốc gia lớn đầu tư tại Thành phố Hà Nội. Theo đó, 10 tháng năm 2023, Thành phố Hà Nội thu hút 29,6 triệu USD vốn FDI từ Trung Quốc.

Thực tế trên cho thấy, hành lang kinh tế Côn Minh (Vân Nam) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh có tác động trực tiếp đến sự phát triển của Thủ đô Hà Nội nói riêng, vùng Bắc Bộ và cả nước nói chung. Việc đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương trên tuyến hành lang, khai thác và mở rộng lợi thế, tiềm năng quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc (trọng tâm là Vân Nam và các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc) sẽ giúp phát triển hợp lý hệ thống đô thị dọc tuyến hành lang.

Từ đó, hợp tác sẽ trở thành cơ sở để phân bố dân cư, khai thác tiềm năng phát triển công nghiệp, nông, lâm nghiệp; hình thành các tuyến du lịch kết hợp du lịch nghỉ dưỡng trên núi và du lịch biển; phát triển hạ tầng số, hình thành trung tâm tạo lập dữ liệu và duy trì kết nối cho toàn vùng.

Phát biểu tại phiên thảo luận về đầu tư, thương mại trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ X, ông Tả Quảng - Cục trưởng, Bí thư Chi bộ Cục Quản lý giám sát tài chính địa phương tỉnh Vân Nam nhấn mạnh, thị trường Trung Quốc và Việt Nam luôn có sự gắn kết chặt chẽ.

Trung Quốc nhiều năm qua là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ sáu của Trung Quốc và là đối tác quan trọng nhất của quốc gia tỷ dân trong số các nước ASEAN.

Về tài chính, hai bên đã tuyên bố thành lập nhóm công tác hợp tác tài chính và tiền tệ Trung Quốc - Việt Nam từ năm 2013. Vào những năm 1990, Chi nhánh Vân Nam của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc và Ngân hàng Thương mại Việt Nam đã mở hoạt động thanh toán bằng nội tệ cho thương mại biên giới bằng cách mở tài khoản nội tệ cho nhau, đi tiên phong trong "Mô hình Hà Khẩu".

Tối ưu hóa môi trường kinh doanh và thương mại

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, hoạt động liên kết thương mại phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, phục vụ lợi ích thiết thực của các nhà sản xuất và doanh nghiệp phân phối trên cơ sở tổng hợp, đánh giá thường xuyên về năng lực sản xuất, nhu cầu tiêu thụ của thị trường; sự liên kết, phối hợp giữa các địa phương nhằm trao đổi, cung cấp thông tin, tổ chức liên kết đúng đối tượng, đạt hiệu quả.

Trong đó, các cấp chính quyền cần song hành với doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rà soát ban hành và hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ khâu sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh hàng Việt, các sản phẩm đặc sản của các địa phương...

Các tỉnh, thành phố quan tâm, khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị đầu tư công nghệ sau thu hoạch để sản phẩm có thể được bảo quản, sơ chế hoặc chế biến thành các dòng sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng. Từ đó, những sản phẩm này được tiêu thụ được tại nhiều thời điểm trong năm.

Ngoài ra, các địa phương phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí hỗ trợ tuyên truyền hoạt động liên kết thương mại, sản phẩm hàng hóa dịch vụ của các bên, thông qua các bài viết, phóng sự theo chuyên đề để quảng bá sản phẩm, hàng hóa dịch vụ đến đông đảo doanh nghiệp, người tiêu dùng biết, ưu tiên lựa chọn, tiêu thụ, xuất khẩu.

Thu hút đầu tư nước ngoài cần theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao liên quan đến kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố thông minh, công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin; nghiên cứu phát triển, du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng, đào tạo nhân lực, nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm sạch an toàn - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khuyến nghị.

Để mối quan hệ hợp tác ngày càng phát triển, Bí thư Chi bộ Cục Quản lý giám sát tài chính địa phương tỉnh Vân Nam Tả Quảng cho rằng, việc tối ưu hóa môi trường kinh doanh và thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại là rất quan trọng. Hai bên cần nỗ lực tạo điều kiện để tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, đồng thời khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp có năng lực của cả hai bên.

Đồng thời, tiếp tục phát huy nhiều cơ chế để thúc đẩy thương mại thông suốt tại các cảng biên giới, duy trì chuỗi cung ứng thông suốt, tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa, bảo đảm thương mại song phương phát triển an toàn, lành mạnh, cân bằng và thuận lợi.

Việt Nam là một trong những nước quan trọng trong sự mở cửa và hợp tác của tỉnh Vân Nam với thế giới bên ngoài, có tiềm năng hợp tác tài chính rất lớn. Với sự tích hợp hiệu quả của sáng kiến “Vành đai và Con đường” và kế hoạch “Hai hành lang và một vành đai”, nhu cầu tài chính của các doanh nghiệp tại Việt Nam và Vân Nam sẽ tăng thêm, Bí thư Chi bộ Cục Quản lý giám sát tài chính địa phương tỉnh Vân Nam Tả Quảng đánh giá.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Trung Quốc cần tăng cường hợp tác và trao đổi liên ngân hàng, tăng quy mô thanh toán và bù trừ bằng đồng nội tệ song phương, tăng cường hỗ trợ chính sách và đẩy nhanh việc nối lại hoạt động luân chuyển tiền mặt nhân dân tệ xuyên biên giới; tăng cường trao đổi nhân sự và nâng cao mức độ hợp tác; khuyến nghị thúc đẩy sự phát triển bền vững về kinh tế, thương mại và tài chính giữa hai bên, tăng cường nghiên cứu về việc kết nối các chính sách kinh tế, thương mại và tài chính; thúc đẩy hợp tác quản lý tài chính, hợp tác với các tổ chức tài chính.

Theo bà Cố Mẫn - Sở Thương mại tỉnh Vân Nam, thương mại song phương giữa 5 tỉnh còn nhiều tiềm năng và dư địa cần khai thác. Trong đó, tỉnh Vân Nam sẽ tích cực mở rộng nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, đặc biệt là nông sản nhiệt đới và hoa quả; cũng mong các doanh nghiệp Việt Nam cùng nhau giải quyết tình hình các điểm thương mại biên giới và hỗ trợ phát triển ngành chế biến cà phê và hàng hóa nhập khẩu thương mại biên giới khác.

Cùng với đó, các địa phương cần thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trung tâm thông quan thương mại điện tử xuyên biên giới Lào Cai và tìm hiểu tính khả thi về xây dựng Khu hợp tác thương mại điện tử xuyên biên giới Vân Nam - Việt Nam. Ngoài ra, hai bên sẽ tăng cường hợp tác xây dựng năng lực thông quan tại các luồng cảng, tận dụng cơ chế giao lưu, đàm phán song phương giữa cảng Trung Quốc và Việt Nam để trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm như phát triển cảng song phương, hợp tác và phát triển kinh tế./.

Cùng chuyên mục
Tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư