Khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

(BKTO) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, tại phiên Hội thảo chuyên đề 1 “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó”, các chuyên gia, nhà quản lý đã tập trung làm rõ thực trạng và đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; các chính sách giúp doanh nghiệp vượt khó và tăng cường năng lực nội sinh…

190920230920-pgs.-ts.-tran-dinh-thien-5-.jpg
PGS.TS Trần Đình Thiên phát biểu tham luận tại Hội thảo. Ảnh: VPQH

Doanh nghiệp Việt “sống dai nhưng chậm lớn”

Chia sẻ tại Hội thảo, PGS,TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, sau 3 năm trải qua đại dịch Covid-19 và vượt qua khó khăn, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững, tạo được đà và thế tăng trưởng - phát triển tích cực. Các con số phản ánh thành tích tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư nước ngoài, đặt trong sự so sánh quốc tế là minh chứng tốt cho nhận định này.

Những thành tích đó đều chứng tỏ “năng lực trụ hạng”, khả năng “đối mặt các con gió ngược” rất ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam. “Việt Nam thật sự xứng đáng với lời khen tặng “là ngôi sao sáng giữa bầu trời kinh tế thế giới ảm đạm năm 2020” cũng như đánh giá tích cực của cộng đồng thế giới về sức hấp dẫn đầu tư và triển vọng sáng sủa” - ông Trần Đình Thiên phát biểu.

Tuy nhiên, nhìn xuyên suốt quá trình thực tiễn, ông Thiên cho rằng, kinh tế Việt Nam có những vấn đề lớn đặt ra. Đó là xu hướng suy giảm liên tục và kéo dài động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thường chứa đựng “nghịch lý”.

Nghịch lý đầu tiên là doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành. Theo thống kê chính thức, hàng năm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tương đương 70-75% số doanh nghiệp đăng ký thành lập.

“Đây là một tỷ lệ không bình thường. Nó hàm ý số doanh nghiệp Việt “sống thọ” không nhiều. Một bộ phận lớn trong số đó “chưa kịp lớn” đã “ra đi”. Xu hướng này ngược lại khả năng sinh tồn cao của doanh nghiệp. Nó báo động chất lượng thấp, năng lực cạnh tranh yếu của doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế thế giới. Tình thế “nghịch lý” này được bộc lộ rõ rệt hơn bao giờ hết trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2023” - ông Thiên chỉ rõ.

Nghịch lý khác nữa là nền kinh tế “khát vốn” nhưng lại khó hấp thụ vốn. Nhiều doanh nghiệp “đói vốn” nhưng lâm vào tình thế “không thể, không dám và không cần” vay vốn. Đây thực sự là một nghịch cảnh phát triển.

Đồng thời, tăng trưởng GDP cao nhưng lạm phát thấp; Lạm phát thấp nhưng lãi suất cao cũng là những nghịch lý cần nhìn nhận.

PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, tình trạng ách tắc lưu thông các nguồn lực là căn nguyên “bất động hóa” các nguồn lực, làm cho chúng không thể chuyển hóa thành “động lực phát triển”, dẫn tới chỗ cơ thể kinh tế bị suy yếu, bị tổn thương và bất ổn.

Chỉ ra những trở ngại mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề cập đến 6 khó khăn.

Đó là chất lượng cơ sở hạ tầng đang cải thiện nhưng chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế; việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh cơ bản (vốn, nhân lực, đất đai) chưa thực sự thuận lợi; chi phí sản xuất kinh doanh cao làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp; chất lượng quy định pháp luật và thực thi pháp luật cần tiếp tục được cải thiện; các doanh nghiệp sản xuất nội địa chưa phát triển mạnh mẽ và thiếu cơ chế hỗ trợ hiệu quả; doanh nghiệp tư nhân trong nước còn gặp bất lợi so với doanh nghiệp xuyên biên giới.

190920231051-dau-anh-tuan-2-.jpg
Ông Đậu Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VPQH

Ông Đậu Anh Tuấn phân tích, chất lượng hạ tầng là thách thức lớn và lâu dài mà các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải. Loạt báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của VCCI nhiều năm khi phân tích trải nghiệm của các nhà đầu tư nước ngoài về môi trường kinh doanh Việt Nam đã cho thấy cơ sở hạ tầng chưa phải là một lợi thế so sánh của Việt Nam trong so sánh với các quốc gia cạnh tranh khá, dù ghi nhận những cải thiện đáng kể trong các năm gần đây.

Khó khăn khác của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh cơ bản chưa thực sự thuận lợi. Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2022 của VCCI, tiếp cận vốn đã trở thành vấn đề lớn nhất với khoảng 55,6% doanh nghiệp phản ánh, tăng liên tục từ con số 34,8% của năm 2019, 40,7% của năm 2020 và 46,9% của năm 2021.

Cùng với đó, các doanh nghiệp phản ánh, chi phí kinh doanh tại Việt Nam hiện nay vẫn còn cao, nằm ở 4 nhóm chính: các chi phí có liên quan đến lao động; chi phí tài chính cho Nhà nước ngoài thuế; chi phí vốn; chi phí vận tải, logistics.

“Rào cản về chi phí kinh doanh cao này làm giảm tính cạnh tranh và khả năng tích luỹ vốn của nền kinh tế Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là khả năng thu hút vốn đầu tư, khả năng tạo việc làm của nền kinh tế…” - ông Tuấn chỉ rõ.

Tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển

PGS,TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh, vấn đề mấu chốt của kinh tế Việt Nam hiện nay chính là “thông mạch, thông các nguồn lực” để giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển.

Để giải quyết nhiệm vụ đó, ông Thiên cho rằng, định hướng ưu tiên là phát triển đúng hướng và đúng cách các thị trường; xây dựng một bộ máy quản trị và điều hành phát triển thông minh, biết dựa vào thị trường và có trách nhiệm.

Trong đó, ông Thiên lưu ý, cần hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin - cho”, hành chính; ưu tiên thúc đẩy phát triển các thị trường, đặc biệt là các thị trường “đầu vào”, tạo cơ sở để việc phân phối các nguồn lực diễn ra theo đúng nguyên tắc thị trường (cạnh tranh).

 Đảm bảo hạ tầng thông suốt, cơ chế thông thoáng, vận hành thông minh. Đó là những đúc kết mang tính nguyên tắc - nguyên lý, nhưng thực chất là trực tiếp hướng tới giải quyết những vấn đề căn cốt đang đặt ra cho cho nền kinh tế Việt Nam ở khía cạnh tạo động lực và giải phóng năng lực phát triển.

PGS, TS. Trần Đình Thiên

Quan tâm đến giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ, GS,TS. Tô Trung Thành - Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, một trong những trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay là thủ tục hành chính, quy trình tiếp cận gói hỗ trợ. Do đó, để chính sách đến doanh nghiệp thì cần cải cách, xử lý minh bạch đối tượng và giảm thiếu thủ tục quy trình tiếp cận gói hỗ trợ.

Để chính sách bao phủ các đối tượng thực sự cần hỗ trợ thì cần tinh chỉnh chính sách cả về đối tượng và quy mô. Theo đó, cần có giải pháp đặc thù cho nhóm đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, do dư địa chính sách đang bị thu hẹp dần, do đó, cần tập trung chính sách cho các ngành lĩnh vực có tính lan tỏa thì mới có thể sử dụng nguồn lực hiệu quả.

Trong khi đó, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, cùng với năng lực nội sinh cần phát huy được sức mạnh ngoại sinh, tranh thủ cơ hội tình hình thế giới để thu hút nguồn lực FDI.

tl-ban-tron.jpg
Các đại biểu trao đổi, thảo luận bàn tròn tại Hội thảo. Ảnh: VPQH

“Đây là cơ hội lịch sử khi thế giới đang thay đổi trật tự về chuỗi cung ứng, có sự dịch chuyển dòng vốn và công nghệ… Việt Nam có thế và lực mới, có khát vọng phát triển, cần tiếp cận nguồn lực để nắm bắt nguồn vốn, kiến tạo cho mình thế đứng mới, vị trí mới để tạo hiệu ứng lan tỏa cho phát triển doanh nghiệp bản địa” - ông Phạm Tấn Công nêu quan điểm.

Ông Jochen Schmittmann - Đại diện thường trú Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam khuyến cáo, Việt Nam cần tăng cường thực thi chính sách, giải quyết điểm nghẽn đầu tư công, đặc biệt là sử dụng đất.

Bên cạnh đó, cần tìm lại niềm tin của nhà đầu tư cả nước ngoài lẫn trong nước vào Việt Nam; tăng cường các cơ chế tái cơ cấu doanh nghiệp… Đồng thời, phải có pháp luật ổn định, nhất quán liên quan đến đầu tư, bảo đảm niềm tin cho các doanh nghiệp…/.

Cùng chuyên mục
Khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó