Hơn 380 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý theo Nghị quyết 42

(BKTO) – Sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết số 42), tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2% và 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu được xử lý theo Nghị quyết này.



Sáng 14/4, ngay sau khai mạc Phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung tham dự phiên họp.
                
   

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng báo cáo tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

   

Trình bày Báo cáo tổng kết Nghị quyết số 42 và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của ngành ngân hàng, sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, sau gần 05 năm thực hiện, Nghị quyết số 42 đã được triển khai nghiêm túc, đúng mục tiêu, định hướng và đạt được kết quả quan trọng.

Cụ thể, về kết quả xử lý nợ xấu nội bảng, dưới sự chỉ đạo của NHNN cùng với sự chủ động, nỗ lực của các tổ chức tín dụng (TCTD), nợ xấu của hệ thống các TCTD đã được xử lý, kiểm soát và tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%.

Về kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42, Thống đốc NHNN thông tin, lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 196,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 51,79% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã xử lý); xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết số 42 là 100,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 26,51% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã xử lý); xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã bán cho Công ty TNHH một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) là 82,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 21,70% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã xử lý).

Tổng nợ xấu chưa xử lý xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các TCTD đến 31/12/2021 là 412,7 nghìn tỷ đồng, giảm 17,21% so với thời điểm Nghị quyết số 42 có hiệu lực (15/8/2017).

Cũng theo Báo cáo, lũy kế từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đến 31/12/2021, VAMC đã mua được 339 khoản nợ theo giá trị thị trường đối với 193 khách hàng với dư nợ gốc đạt 11.723 tỷ đồng và giá mua nợ đạt 11.822 tỷ đồng; thu hồi nợ đạt 120.738 tỷ đồng (bằng 66% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến 31/12/2021). Đồng thời, VAMC đã tổ chức đấu giá thành công 22 tài sản với tổng giá trị trúng đấu giá đạt 2.516 tỷ đồng; thu giữ, nhận bàn giao một số tài sản bảo đảm (TSBĐ) có giá trị lớn, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý các khoản nợ tại TCTD...

Đánh giá về hiệu quả của Nghị quyết số 42 đối với công tác xử lý nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, trước khi có Nghị quyết số 42, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý TSBĐ và khách hàng tự trả nợ còn chưa cao. Nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro và bán nợ cho VAMC thanh toán bằng TPĐB. Khi áp dụng 2 biện pháp xử lý này, các khoản nợ xấu này vẫn phải được TCTD, VAMC theo dõi và sử dụng các biện pháp để xử lý, thu hồi triệt để. Kể từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực, xử lý nợ xấu thông qua hình thức khách hàng tự trả nợ; xử lý, bán, phát mại TSBĐ; mua nợ theo giá trị thị trường... tăng cao.

Nhờ đó, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/12/2021 đạt trung bình khoảng 5,67 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2,15 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (trung bình từ năm 2012-2017, hệ thống các TCTD xử lý được khoảng 3,52 nghìn tỷ đồng/tháng) - Thống đốc NHNN báo cáo.

Đề cập đến nội dung này trong phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, sau khi được ban hành, Nghị quyết số 42 đã mang lại chuyển biến tích cực trong xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu các TCTD và xử lý ngân hàng yếu kém. Trên cơ sở tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị UBTVQH xem xét thảo luận kỹ lưỡng, tập trung cho ý kiến đánh giá ý nghĩa, vai trò của Nghị quyết; kết quả thực hiện thời gian qua, nhất là kết quả xử lý nợ xấu, tổng số nợ xấu được xử lý, làm rõ thêm nợ xấu phát sinh mới; đánh giá kỹ xem trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan liên quan đến đâu, từ đó mới xem xét cho kéo dài Nghị quyết 42 hay không, nếu có thì cho bao lâu và thủ tục xem xét, quyết định...

Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ, UBTVQH sẽ tập trung thảo luận về nội dung này./.
Đ. KHOA

Cùng chuyên mục
  • Khai mạc Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Sáng 14/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc Phiên họp thứ 10. Theo dự kiến chương trình Phiên họp diễn từ ngày 14/4 đến 26/4, nhằm xem xét nhiều nội dung quan trọng chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội.
  • Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 theo hướng hợp lý, hiệu quả
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Chính phủ vừa có Nghị quyết số 54/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
  • Ngày 13/4, thêm 24.623 ca nhiễm Covid-19 mới
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) – Theo Bản tin của Bộ Y tế, tính từ 16h ngày 12/4 đến 16h ngày 13/4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 24.623 ca nhiễm mới, trong đó 0 ca nhập cảnh và 24.623 ca ghi nhận trong nước (tăng 1.819 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 19.823 ca trong cộng đồng).
  • Triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Thông tin tại buổi gặp mặt báo chí về tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, do Bộ Y tế tổ chức sáng 13/4, GS,TS. Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, dự kiến sang tuần sau, cả nước sẽ triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho nhóm trẻ từ 5-11 tuổi. Dự kiến trong quý II/2022, Việt Nam sẽ tiêm vắc xin cho khoảng 8,2 triệu trẻ.
  • Phát triển huyện Hóc Môn và Củ Chi để mở rộng không gian phát triển của TP. Hồ Chí Minh
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi phát triển còn ở mức thấp so với mặt bằng chung của TP. Hồ Chí Minh, do đó, việc tăng cường đầu tư vào 2 huyện này sẽ giúp TP. Hồ Chí Minh giải được bài toán mở rộng không gian phát triển một cách cân bằng, thu hút mạnh mẽ hơn các nguồn lực phát triển.
Hơn 380 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý theo Nghị quyết 42