Không để phát sinh “giấy phép con” trái quy định trong tổ chức thực hiện luật

(BKTO) - Đây là yêu cầu được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi phát biểu bế mạc Hội nghị toàn quốc lần thứ 2 triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, sáng 7/3.

be-mac7.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Hội nghị. Ảnh: VPQH

Khối lượng công việc cần tiếp tục thực hiện rất lớn, khó

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua 09 luật và 11 nghị quyết quan trọng, có tác động sâu rộng đến xã hội và chính sách kinh tế vĩ mô của đất nước, có ý nghĩa không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024, 2025, mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài trong giai đoạn tiếp theo.

Chất lượng các luật, nghị quyết sau khi được ban hành bước đầu nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của nhân dân, cử tri, đồng bào ta ở nước ngoài và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ghi nhận những chuyển biến tích cực trong công tác triển khai luật, nghị quyết, nhất là sau thành công của Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất, song Chủ tịch Quốc hội cho rằng các kết quả này mới chỉ là bước đầu, khối lượng công việc cần tiếp tục thực hiện là rất lớn.

“Nhiều luật của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ bất thường lần thứ 5 có số lượng điều luật, nội dung giao Chính phủ, các cơ quan quy định vừa nhiều (gần 400 nội dung, đặc biệt là Luật Đất đai với hơn 100 nội dung), vừa khó (như: nội dung về sandbox - cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong Luật Viễn thông, Luật Các tổ chức tín dụng), vừa đòi hỏi cao về tiến độ (có nội dung áp dụng luôn từ 01/4/2024; cả 3 đạo luật lớn là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đều có hiệu lực đồng thời từ 01/01/2025 nên đòi hỏi tất cả các văn bản quy định chi tiết phải được ban hành đồng bộ), vừa quy định nhiều chính sách mới, đặc thù, các nhiệm vụ, quyền hạn mới theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cơ quan" - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Với nhiều thử thách như vậy, theo Chủ tịch Quốc hội, việc triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ bất thường lần thứ 5 đòi hỏi sự tập trung, nỗ lực, quyết tâm rất lớn của các cơ quan.

Sớm ban hành Danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết

Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thực hiện các nội dung theo quy định trong luật, nghị quyết; kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền; chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ và đôn đốc các cơ quan thực hiện kịp thời.

toan-canh-be-mac.jpg
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VPQH

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bám sát những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể về triển khai đối với từng luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ bất thường lần thứ 5; sớm ban hành Danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại 2 Kỳ họp trên và phân công cụ thể cơ quan chủ trì soạn thảo, gắn với thời hạn hoàn thành. Đồng thời, tiếp tục ban hành các kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội; bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khẩn trương xây dựng và ban hành theo thẩm quyền 56 văn bản quy định chi tiết (gồm 29 nghị định, 05 quyết định, 22 thông tư) và Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư (để thích ứng với việc đánh thuế bổ sung thuế tối thiểu toàn cầu) bảo đảm tiến độ, chất lượng để kịp thời có hiệu lực cùng với luật, nghị quyết, có tính khả thi, nhất quán, đồng bộ trong hệ thống văn bản pháp luật, đặc biệt là văn bản quy định chi tiết các luật có mối quan hệ mật thiết với nhau như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... không để chồng chéo, phát sinh vướng mắc, điểm nghẽn, phát sinh quy trình, thủ tục, “giấy phép con” trái quy định trong tổ chức thực hiện.

Đồng thời, chú ý các chính sách, quy định mới, có hiệu lực sớm hơn so với hiệu lực chung của luật; quy định chi tiết, hướng dẫn triển khai đối với các nội dung chuyển tiếp nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện thông suốt, thống nhất, tránh tạo khoảng trống pháp lý. Tiếp tục rà soát các văn bản dưới luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành theo thẩm quyền, bảo đảm phù hợp và đồng bộ với các luật, nghị quyết được thông qua.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố chủ động rà soát, nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện cần thiết và tổ chức thực hiện các thẩm quyền, nhiệm vụ được giao, nhất là những thẩm quyền, nhiệm vụ mới được bổ sung trong các luật, nghị quyết của Quốc hội, cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù được áp dụng tại địa phương, cơ quan mình.

Để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ngày 22/1/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 734/KH-UBTVQH15 bổ sung 19 nhiệm vụ lập pháp mới vào Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, nâng tổng số nhiệm vụ lập pháp cần thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV lên 156, trong đó, đã hoàn thành 115/156 nhiệm vụ (73,7%), còn 41 nhiệm vụ đang triển khai hoặc cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

“Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến đối với việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết của Quốc hội; tham gia phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân bằng các hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật; vận động, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện luật, nghị quyết” - Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Với khối lượng rất lớn nhiệm vụ lập pháp cần thực hiện trong nửa nhiệm kỳ tiếp theo, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan có biện pháp chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu hoàn thành kế hoạch, bảo đảm chất lượng, tiến độ; đồng thời, trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, thường xuyên rà soát, tổng kết, đề xuất bổ sung nhiệm vụ lập pháp mới trong trường hợp cần thiết để kịp thời thể chế hóa các nghị quyết, kết luận, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đòi hỏi của thực tiễn; tiếp tục khẳng định sự gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật./.

Cùng chuyên mục
Không để phát sinh “giấy phép con” trái quy định trong tổ chức thực hiện luật