Không để quy phạm pháp luật sơ hở, có thể tạo ra tham nhũng, tiêu cực

(BKTO) - Sáng 28/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, Quốc hội Khóa XV đã khai mạc tại Nhà Quốc hội.

kmac.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: VPQH

Cho ý kiến về 8 dự án luật

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức thành công 3 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, tiếp thu nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ của các đại biểu Quốc hội, góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự án luật, nghị quyết từ đó Quốc hội xem xét, thông qua với tỷ lệ đồng thuận cao.

Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 4 sẽ xem xét, cho ý kiến về 8 dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới gồm: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Quản lý bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sau Kỳ họp thứ 5, các cơ quan của Quốc hội đã tích cực nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, tiếp tục lấy ý kiến chuyên gia, cơ quan và tổ chức có liên quan, khẩn trương phối hợp với Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật.

Đến nay, các dự án luật này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 7 và tháng 8 vừa qua.

Nhấn mạnh đây là Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về số lượng các dự án luật nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, đây đều là những dự án luật rất quan trọng, nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và đại biểu Quốc hội, có nhiều quy định mới, đối tượng chịu ảnh hưởng rộng, một số nội dung còn có ý kiến khác nhau, nhất là giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo nên cần tiếp tục được cân nhắc, thảo luận một cách kỹ lưỡng.

Rà soát kỹ lưỡng, đáp ứng yêu cầu kiến tạo phát triển

Gợi mở một số vấn đề cần tập trung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội chuyên trách, các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung rà soát và cho ý kiến về việc các dự án luật này đã quán triệt, thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn các chủ trương của Đảng - cơ sở chính trị đối với từng lĩnh vực liên quan hay chưa?

toan-canh-hn.jpg
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VPQH

Bên cạnh đó, xem xét việc thể hiện của các Dự thảo Luật đã bám sát các nhóm chính sách lớn, các định hướng, nguyên tắc yêu cầu khi xây dựng các dự án luật chưa? Đối với những đề xuất mới đã có đánh giá tác động một cách đầy đủ chưa?

Các đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng cho ý kiến về tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, nhất là các dự án luật có mối quan hệ chặt chẽ với nhau như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm, cho ý kiến đối với những vấn đề lớn, quan trọng đối với từng dự án luật về kỹ thuật lập pháp, điều khoản áp dụng, điều khoản chuyển tiếp...; cho ý kiến đối với các nội dung còn có ý kiến khác nhau để có nghiên cứu, phân tích, tính toán lựa chọn phương án tốt nhất.

Đồng thời, rà soát kỹ lưỡng về cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, chất lượng của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu kiến tạo phát triển nhanh, bền vững, hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Rà soát toàn bộ các quy trình về nội dung, cách thức, quy trình không để cho những quy phạm pháp luật có sơ hở có thể tạo ra tham nhũng, tiêu cực, gây ra thất thoát hoặc ách tắc, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt là, bảo đảm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đảng về chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng pháp luật ngay trong Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục lắng nghe để hoàn thiện, các cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan soạn thảo, cơ quan tổ chức hữu quan để tiếp tục trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với tinh thần làm triệt để, để không có một ý kiến nào của đại biểu Quốc hội mà không được nghiên cứu, tiếp thu và giải trình.

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Hội nghị đã cho ý kiến, thảo luận về Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Cùng chuyên mục
  • Nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức Đảng, đảng viên
    8 tháng trước Công tác xây dựng Đảng
    (BKTO) - Sáng 28/8, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghị thông tin chuyên đề chào mừng kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2023) và Ngày Quốc khánh (02/9/1945 - 02/9/2023) bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến trong toàn Đảng bộ.
  • Xây dựng Lạng Sơn ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh
    8 tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Tỉnh Lạng Sơn cần xác định rõ, phát triển kinh tế cửa khẩu không chỉ để phát triển kinh tế của tỉnh mà quan trọng hơn là để góp phần phát triển kinh tế của cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền Bắc, đồng thời tăng cường mối quan hệ láng giềng hữu nghị, tin cậy với nước bạn Trung Hoa.
  • Việt Nam dẫn đầu về phái cử lao động sang Nhật Bản
    8 tháng trước Đối ngoại
    (BKTO) - Kết quả hợp tác về lao động giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng tốt đẹp và không ngừng phát triển, đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân, doanh nghiệp của cả hai nước.
  • Bước đột phá mới trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực
    8 tháng trước Chính trị
    Trong những năm qua, đặc biệt từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên, nhân dân ngày càng tin tưởng, đồng tình, ủng hộ, các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
  • Cán bộ cần thật sự có uy tín, tín nhiệm
    8 tháng trước Công tác xây dựng Đảng
    (BKTO) - Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh về mọi mặt, nhất là cần thật sự có uy tín, tín nhiệm.
Không để quy phạm pháp luật sơ hở, có thể tạo ra tham nhũng, tiêu cực