Không thể ngủ quên trên vòng nguyệt quế của năm 2018




Ảnh: TTXVN

Năm 2018 đã khép lại với những chỉ số kinh tế rất ấn tượng, khẳng định một năm thành công của kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng GDP đạt 7,08%, là mức tăng cao nhất trong 11 năm qua. Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện. CPI bình quân năm 2018 tăng 3,54% so với bình quân năm 2017, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra. Với những chỉ số này, nền kinh tế đã đạt "mục tiêu kép" là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP, vượt qua các dự báo tạo thêm dư địa để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn trong những năm tiếp theo. Các kết quả trên càng trở nên đặc biệt trong hoàn cảnh cả đất nước phải đứng trước vô số khó khăn, nằm ngoài mọi kịch bản, dự đoán.

Phân tích kỹ thuật cho thấy, các nền tảng cơ bản cho kinh tế Việt Nam có được từ các năm qua và chuyển sang năm 2019 là ổn. Khả năng cao là các chỉ tiêu kinh tế và xã hội cơ bản sẽ đạt được và là tiền đề thuận lợi để đạt được chỉ tiêu 5 năm (2016-2020).

Dù kinh tế, xã hội đã đạt được nhiều thành tựu trong năm 2018, nhưng lãnh đạo Đảng, Nhà nước vẫn luôn nhấn mạnh tinh thần "không chủ quan, thoả mãn; không quá say sưa với thành tích, thắng lợi" và "không ngủ quên trên vòng nguyệt quế"... Bởi lẽ, trong thời điểm này, nước ta vẫn đang đối diện với rất nhiều thử thách khó lường.

Đó là: Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa biết sẽ đi đến đâu. Trong khi đó, Việt Nam lại là nước có độ mở kinh tế rất lớn, phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài cũng bị tác động, ảnh hưởng. Để đạt được những chỉ tiêu đặt ra, chúng ta cần phải nỗ lực rất nhiều.

Đối với Việt Nam, việc phê chuẩn và tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang đến nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức. Quan trọng nhất là nước ta phải vượt qua các vấn đề từ hội nhập và các hiệp định thương mại tự do, như: cạnh tranh, hàng rào kỹ thuật, sở hữu, xuất xứ nội khối, phát triển hạ tầng và thể chế; bảo vệ môi trường và an sinh xã hội...

Những hạn chế, yếu kém tích tụ, tồn đọng từ lâu trong nền kinh tế và trong nhiều lĩnh vực xã hội, gây ra nhiều bức xúc, đòi hỏi một quá trình khắc phục rất dài. Việc cải thiện chất lượng tăng trưởng còn chậm, chưa bền vững; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn thấp, chưa tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; ứng dụng công nghệ cao ở nhiều ngành, lĩnh vực còn bất cập. Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng, Việt Nam đang dựa nhiều vào tín dụng và khu vực FDI, đặc biệt là các tập đoàn FDI lớn. Không có các tập đoàn này thì tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ chững lại, và đây là thực trạng đã diễn ra trong nhiều năm nay, không phải chỉ bây giờ.

Trên thực tế, nhiều năm qua, tổng thu ngân sách của Việt Nam không đủ để chi thường xuyên và trả nợ. Do đó, Chính phủ luôn phải phát hành nợ mới để có thể duy trì được sự thâm hụt này. Đây cũng là lý do khiến tổng nợ tăng lên, lãi suất trên thị trường chịu sức ép lớn và tăng thâm hụt ngân sách. Tất cả đang tạo ra một áp lực vô cùng to lớn lên nền kinh tế.

Nhiều ngân hàng vẫn đối diện với áp lực giảm nợ xấu và sở hữu chéo, cần phải nâng cao năng lực quản trị và chuẩn hóa các quy trình, yêu cầu và chỉ tiêu hoạt động theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, chủ động bám sát chuẩn chung quốc tế và lộ trình cam kết hội nhập.
Để hạn chế những tồn tại trên, trong năm 2019, Việt Nam phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là Nhà nước cần giảm bộ máy cồng kềnh để việc chi tiêu đảm bảo cân đối được ngân sách. Năm 2019, cả hệ thống phải chuyển động, cơ bản giải quyết tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", thực hiện đúng phương châm của Chính phủ năm nay với 12 chữ: "kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá".

PGS,TS. NGÔ TRÍ LONG
Chuyên gia Kinh tế
Theo Báo Kiểm toán số 07 ra ngày 14-02-2019
Cùng chuyên mục
Không thể ngủ quên trên vòng nguyệt quế của năm 2018