Tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức



Theo số liệu vừa công bố, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 của Việt Nam đạt 7,08%, vượt mục tiêu tăng 6,5 - 6,7% mà Quốc hội đã đặt ra; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 238 tỷ USD, cao hơn 22 tỷ USD so với mốc kỷ lục đạt được năm 2017; lạm phát được kiểm soát hiệu quả, mặc dù giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng liên tục từ đầu năm và các loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý được điều chỉnh dần theo sát giá thị trường...

Kết quả đạt được sẽ tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, ổn định xã hội trong các năm tiếp theo. Tuy nhiên, nhìn rộng ra cả 5 năm vừa qua và trong thời gian tới, có thể thấy, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là trong vấn đề tăng trưởng.

Thực tế, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế năm 2018 đạt cao nhất trong 10 năm qua, nhưng vẫn thấp so với những năm 90 của thế kỷ trước và quan trọng hơn là chất lượng tăng trưởng không cao. Biểu hiện chất lượng tăng trưởng không cao được phản ánh qua các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như: hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh doanh, cân đối ngân sách, nợ công, các lĩnh vực y tế, văn hóa giáo dục, thị trường lao động, thị trường hàng hóa, thị trường tài chính, thị trường khoa học công nghệ,…

Việc đổi mới mô hình tăng trưởng đã đạt được một số kết quả, nhưng tăng trưởng xét trong thời gian dài đang đạt tốc độ chưa cao, (trừ năm 2018 đã đạt trên 7%), hiệu quả và sức cạnh tranh ở một số lĩnh vực còn thấp, vẫn trong tình trạng mô hình tăng trưởng theo bề rộng như trước đây. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), chỉ số năng lực của Việt Nam về tuyệt đối được đánh giá tăng 0,1 điểm, nhưng thứ bậc lại giảm 3 bậc, đứng thứ 77/140 nền kinh tế năm 2018. Mô hình tăng trưởng vẫn nặng về gia công, có mức giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị.

Trong chiều hướng chung, mặc dù tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đạt bình quân 5 - 7%/năm với 3 năm liên tục tăng nhưng có xu hướng không tăng đều sau mỗi 5 - 10 năm. Hơn nữa, việc tăng trưởng cũng không đồng đều giữa các khu vực kinh tế, thành phần kinh tế và lãnh thổ. Tăng trưởng và phát triển kinh tế cần được xem xét, đánh giá trong mối quan hệ mang tính tổng thể, với sự tác động của nhiều chỉ tiêu mang tính xã hội (phân hóa giàu nghèo), tính môi trường (tình trạng ô nhiễm).

Năm 2018, năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào GDP ước tính đạt 40,23%, mặc dù cao hơn bình quân của giai đoạn 2011-2015 (33,58%) nhưng lại thấp hơn năm 2017 (45,47%) và thấp hơn so với nhiều nước. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2018 đạt 5,6%, cao hơn so với giai đoạn 2011-2015 (4,3%/năm), nhưng năng suất lao động của Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.

Cho đến nay, động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn chủ yếu phụ thuộc vào ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, trong khi tốc độ tăng trưởng của ngành này đang dần chững lại. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến - chế tạo năm 2018 dự tính đạt 12,65%, thấp hơn mức tăng năm 2017 (12,77%). Đóng góp của ngành công nghiệp chế biến - chế tạo mới dừng lại ở khâu gia công với giá trị gia tăng thấp và chủ yếu do DN có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện.

Trong những năm gần đây, tăng trưởng về kim ngạch xuất nhập khẩu luôn duy trì ở hai con số, năm 2018 là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam xuất siêu (khoảng 1 tỷ USD), tuy nhiên, 70% kim ngạch xuất khẩu là do DN có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện. Trên thực tế, nếu nền kinh tế vẫn tiếp tục phụ thuộc vào khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài thì dù tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đời sống người dân cũng cải thiện không đáng kể. Hơn nữa, động lực cho tăng trưởng từ xuất khẩu của DN có vốn đầu tư nước ngoài là có hạn và thường không bền vững, có thể thay đổi rất nhanh khi gặp những biến động trên thế giới, sự thay đổi trong các chính sách ưu đãi, hoặc các nhà đầu tư chuyển hướng theo tình hình của thị trường.

Thực tế trên yêu cầu chúng ta phải giải quyết rất nhiều vấn đề. Dù vậy, Chính phủ nên tập trung vào một số giải pháp mang tính căn cơ để thực hiện cho được mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 cũng như những năm sắp tới.

PGS,TS. ĐẶNG VĂN THANH
Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam
Theo Báo Kiểm toán số Xuân 2019
Cùng chuyên mục
  • Hưng Hà - huy động sức dân xây dựng  nông thôn mới
    5 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Cuối năm 2015, Hưng Hà là huyện đầu tiên của tỉnh Thái Bình về đích nông thôn mới (NTM) trong niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân nơi đây. Để xây dựng NTM thành công, Hưng Hà đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo. Cùng với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức của Đảng bộ và chính quyền địa phương, một yếu tố quan trọng không thể thiếu là phát huy được nội lực, sự đồng thuận, chung sức, đồng lòng của người dân.
  • Giải quyết bài toán biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng
    5 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là thách thức lớn đối với quá trình phát triển bền vững của tất cả quốc gia trên thế giới. Bên cạnh những tác động tiêu cực trực tiếp của BĐKH đe dọa đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp, BĐKH cũng gây ra những ảnh hưởng lớn đến an ninh năng lượng của các quốc gia.
  • Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ khởi nghiệp
    5 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Những năm qua, việc phát triển DN khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) đã tác động tích cực đến sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội. Tuy nhiên, để loại hình DN này phát triển mạnh mẽ trong tương lai, cần phải đổi mới cơ chế, chính sách và có các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, thách thức đang hiện hữu.
  • Thông xe cầu Hưng Hà và tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Cầu Giẽ - Ninh Bình
    5 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Ngày 26/01, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp hai tỉnh Hưng Yên, Hà Nam tổ chức lễ thông xe cầu Hưng Hà và tuyến đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự và cắt băng thông xe.
  • Xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững ở Lào Cai:  Hiệu quả từ những cách làm hay
    5 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Tìm đến xã Bản Xèo - một xã vùng cao của huyện Bát Xát - ngày cuối năm, chúng tôi được chứng kiến diện mạo mới của một vùng nông thôn miền núi đang thay da, đổi thịt. Hòa chung không khí sản xuất tất bật, người dân nơi đây cũng đang hối hả chuẩn bị cho việc đón nhận Danh hiệu Xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) theo Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM (Chương trình).
Tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức