Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, Đảng ta không phải trên trời rơi xuống, không phải là ông thánh, Đảng là trong xã hội mà ra, cán bộ, đảng viên cũng là con người, do vậy, Đảng và cán bộ, đảng viên cũng có những ưu điểm, khuyết điểm. Vấn đề là có khuyết điểm thì phải thẳng thắn chỉ ra và kiên quyết sửa chữa cho hiệu quả. Hồ Chí Minh cho rằng một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính là không được giấu giếm khuyết điểm mà phải dũng cảm thừa nhận khuyết điểm, chỉ rõ nguyên nhân và có biện pháp sửa chữa khuyết điểm. Người đề nghị: “Các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công”. Trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, đăng trên báo Cứu quốc, ngày 17/10/1945, Hồ Chủ tịch viết: “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa…”.
Theo Hồ Chủ tịch, việc sửa chữa khuyết điểm phải là việc của toàn Đảng và của từng cán bộ, đảng viên. Người yêu cầu Đảng: “Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ, và để dạy bảo cán bộ và đảng viên”. Đồng thời, Người cũng yêu cầu cán bộ, đảng viên: “Phải đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là mỗi cán bộ, phải thật thà tự phê bình, tự sửa chữa khuyết điểm của mình. Đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết”.
Hồ Chí Minh cũng xác định tự sửa chữa khuyết điểm luôn là một việc khó vì con người ta có tính tự ái, nếu nhận mình sai, mình kém thì sợ mất uy tín. Theo Người: Khó nhưng vẫn phải kiên quyết làm, nếu cố tình không chịu sửa chữa khuyết điểm thì phải bị xử lý nghiêm minh. Hồ Chí Minh từng nhắc nhở, cảnh báo: “…ai không phạm những lầm lỗi trên này, thì nên chú ý tránh đi, và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lầm lỗi trên này thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung”.
Để sửa chữa khuyết điểm có hiệu quả, Hồ Chủ tịch chỉ ra nhiều biện pháp quan trọng về ý chí quyết tâm, cách làm cụ thể, thiết thực. Ví dụ, Người đưa ra một biện pháp quan trọng để cán bộ, đảng viên thực hiện tốt việc sửa chữa sai phạm, khuyết điểm là phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và bản thân phải thật thà tự phê bình, vì nếu không làm như vậy thì nhất định sẽ lạc hậu, thoái bộ, sẽ bị quần chúng bỏ rơi.
Những tư tưởng, lời dạy của Hồ Chủ tịch có ý nghĩa rất quan trọng, thiết thực đối với Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đảng đã có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp tích cực, khả thi trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng và từng cán bộ, đảng viên rèn luyện phấn đấu phát huy ưu điểm, sửa chữa, khắc phục những hạn chế khuyết điểm nhằm hoàn thành sứ mệnh vẻ vang lãnh đạo cách mạng của mình. Ngay từ năm 1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã có tác phẩm nổi tiếng Tự chỉ trích đề cập đến việc: Nhận rõ khuyết điểm, có ý chí quyết tâm và những biện pháp khả thi, kiên quyết để khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, sai phạm trong Đảng. Trong thực tế lãnh đạo cách mạng, xây dựng chỉnh đốn Đảng, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp để việc sửa chữa khuyết điểm của Đảng và cán bộ, đảng viên được duy trì thường xuyên, đem lại hiệu quả tích cực. Đồng thời, Đảng, Nhà nước cũng có biện pháp xử lý nghiêm minh với các trường hợp không chịu sửa chữa, cố tình vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật. Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức tháng 6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Qua tổng kết, chúng ta có thể khẳng định rằng, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng, Nhà nước”.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực này vẫn còn những hạn chế khuyết điểm như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định: Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng chưa đều, chưa quan tâm đúng mức đến việc phòng ngừa; một bộ phận cán bộ, đảng viên bị phai nhạt lý tưởng, ý chí giảm sút, thậm chí suy thoái về chính trị, đạo đức lối sống… Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có lúc, có nơi chuyển biến chưa tích cực, việc tự kiểm tra, tự phát hiện, tự xử lý còn hạn chế; tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Điều nguy hại là các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị… ngày càng lợi dụng vào những hạn chế, khuyết điểm để chống phá Đảng Cộng sản và cách mạng Việt Nam. Chúng cho rằng, Đảng luôn bao che cho nhau, không chịu sửa chữa khuyết điểm; tự phê bình và phê bình chỉ là hình thức, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực chỉ là hình thức, kém hiệu quả, cốt để bao che cho nhau hoặc đấu đá nội bộ… Rồi từ đó chúng phủ nhận tính tiên phong, gương mẫu của Đảng, đòi đa nguyên, đa đảng…
Yêu cầu của thực tiễn cách mạng trong tình hình mới, sự chống phá của các thế lực xấu… đòi hỏi toàn Đảng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao chất lượng, hiệu quả phê bình, tự phê bình, kiên quyết sửa chữa khắc phục hạn chế, khuyết điểm.
Thực tế những năm qua cho thấy: Đảng phải có ý chí quyết tâm và các biện pháp đồng bộ, tích cực, phù hợp thì mới có thể đạt được kết quả tốt đẹp.
Trước hết, phải tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục để thống nhất tư tưởng hành động trong tự phê bình, phê bình, phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm. Chú ý làm tốt công tác tuyên truyền kết hợp với nêu cao tính tự giác, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là việc làm gương của đội ngũ cán bộ, người đứng đầu, theo tinh thần lời dạy của Hồ Chủ tịch: Muốn hướng dẫn nhân dân thì mình phải làm mực thước để cho người ta bắt chước.
Cần phát huy vai trò của tổ chức đảng và sự đóng góp xây dựng của quần chúng nhân dân cùng tham gia xây dựng chỉnh đốn đảng. Thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ giữa việc khen thưởng với xử phạt, bảo đảm tính nhân văn với sự nghiêm minh nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong tự phê bình, phê bình, sửa chữa khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng. Đảng phải chủ động, tích cực, kiên quyết, kiên trì công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự soi, tự sửa, trong đó: “Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị, kịp thời phát hiện từ nội bộ để chấn chỉnh ngay những vi phạm từ khi mới phát sinh, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành khuyết điểm, sai phạm lớn”.
Chú trọng việc xử lý kiên quyết các sai phạm của tổ chức đảng và cán bộ đảng viên, trong đó: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên. Sàng lọc, kiên quyết đưa những người không đủ tư cách ra khỏi Đảng”. Đồng thời đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng tiêu cực với tinh thần nghiêm minh, không có ngoại lệ, không có vùng cấm.
Cần thực hiện tốt bài học kinh nghiệm thành công của Đảng trong thời gian qua là kết hợp chặt chẽ việc tự giác rèn luyện phấn đấu của bản thân cán bộ, đảng viên gắn liền với thực hiện hiệu quả Cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.