Ngày 02/9/1945, Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào và thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng ý chí quyết tâm của cả dân tộc: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Nhưng ngay khi đó, thực dân Pháp đã thực hiện âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa. Chúng gây hấn ở Nam Bộ và Nam Bộ nói chung, Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định nói riêng lập tức bước vào cuộc chiến đấu mới để bảo vệ tự do, độc lập. Ngày 23/9/1945, Nam Bộ tiến hành kháng chiến với tinh thần như lời ca khúc bất hủ Nam Bộ kháng chiến: “Mùa thu rồi ngày hăm ba/ Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến”. Nam Bộ kháng chiến trong biết bao khó khăn gian khổ, thiếu thốn về mọi mặt “Thuốc súng kém, chân đi không… Đốc với giáo mang ngang vai”, nhưng quân và dân Nam Bộ lại giàu lòng yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng “Rền khắp trời lời hoan hô/ Dân quân Nam nhịp chân tiến ra trận tiền” và “Ta đem thân ta liều cho nước/ Ta đem thân ta đền ơn trước”, để “Xây giang sơn hạnh phúc muôn đời/ Nền độc lập khắp nước Nam”.
Lịch sử chứng kiến quân và dân Nam Bộ đã kiên cường chiến đấu với biết bao tấm gương anh hùng, bất khuất đem lại niềm tự hào cho dân tộc Việt Nam, khiến quân thù khiếp sợ.
Nam Bộ cảm tử kháng chiến vì Nam Bộ và vì cả nước. Cả nước cũng hướng về Nam Bộ với tinh thần như lời khẳng định của Hồ Chủ tịch: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”. Quân và dân cả nước đã làm tất cả những gì có thể làm được để ủng hộ Nam Bộ kháng chiến… Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kịp thời có ngay huấn lệnh cho Nam Bộ: “Hỡi đồng bào Nam Bộ! Lòng cương quyết dũng cảm của nhân dân Nam Bộ chống lại quân đội xâm lăng của Pháp… làm cho đồng bào toàn quốc cảm phục… Đồng bào phải cương quyết, phải giữ vững sự tin tưởng ở tương lai và lập tức thi hành triệt để những lời thề quả quyết trong Ngày Độc Lập”. Ngày 25/9/1945, Hồ Chủ tịch gửi thư cho đồng bào Nam Bộ: “Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp: Thà chết tự do hơn sống nô lệ”. Cùng với sự ủng hộ mạnh mẽ về tinh thần, cả nước cũng dành cho Nam Bộ nguồn lực tích cực về con người, vật chất, vũ khí. Những đoàn quân Nam tiến, lực lượng ở các địa phương xung quanh chủ động chi viện, trực tiếp cùng quân và dân Nam Bộ phối hợp dũng cảm đánh giặc. Ở nhiều nơi khác, quân và dân ta cũng hăng hái chiến đấu, góp phần hiệu quả chia lửa với Nam Bộ...
Và với sức mạnh tổng hợp ấy, quân và dân Nam Bộ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Trong 15 tháng chiến đấu anh dũng, Nam Bộ đã ngăn chặn bước tiến của quân thù, phá hỏng kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của chúng. Nam Bộ đã tạo thuận lợi, đã trở thành gương sáng để quân và dân cả nước noi theo, chủ động chuẩn bị và tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm gian khổ nhưng hào hùng, vinh quang. Quân và dân Nam Bộ thật sự xứng đáng với danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” mà Hồ Chủ tịch trao tặng tháng 12/1946.
Cũng từ đây, quân và dân Nam Bộ luôn giữ vững danh hiệu cao quý “Thành đồng Tổ quốc’. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tinh thần “Thành đồng Tổ quốc” được quân và dân Nam Bộ tiếp tục phát huy tạo sức mạnh tổng hợp để “Nam Bộ thành đồng, đi trước về sau” cùng miền Nam và cả nước “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với chiến thắng ngày 30/4/1975, mở ra thời kỳ mới cả nước thống nhất cùng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Bước vào thời kỳ mới, tinh thần “Thành đồng Tổ quốc” lại được vận dụng, phát huy cao độ để Nam Bộ đạt được những thành tựu to lớn cùng cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội. Có thể thấy rõ truyền thống “Thành đồng Tổ quốc” trong kháng chiến biểu hiện sinh động, thiết thực trong ý chí quyết tâm, lời nói, hành động và những kết quả toàn diện mà Thành phố đã và đang thu được. Đặc biệt những năm gần đây, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19, TP. Hồ Chí Minh đã phát triển mạnh về nhiều mặt, xứng đáng đầu tàu kinh tế của cả nước. Chỉ tính trong 8 tháng năm 2022, kinh tế Thành phố có bước tăng trưởng nhanh, phục hồi tốt, trong đó tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 311.921 tỷ đồng (không kể số bổ sung từ quỹ dự trữ tài chính), vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,71 tỷ USD (cao nhất trong 5 năm qua), số doanh nghiệp thành lập mới tăng 33,4%... Văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng, đời sống mọi mặt của nhân dân ổn định và có nhiều chuyển biến tích cực.
Những thành tựu trên đây là niềm tự hào, động lực quan trọng để TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy truyền thống “Thành đồng Tổ quốc”, tăng cường đoàn kết thống nhất, vững bước đi lên thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra: “Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của nhân dân; phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, huy động hiệu quả mọi nguồn lực và tận dụng thời cơ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; xây dựng Thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước; đẩy mạnh phát triển văn hóa, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc; vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân; Thành phố là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á”.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỳ vọng và tin tưởng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP. Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ mãi mãi xứng đáng với danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc”!/.