Quyết đoán và hợp lý

(BKTO) - Ngày 22/9/2022, Ngân hàng Nhà nước công bố từ ngày 23/9, lãi suất tái cấp vốn tăng từ 4%/năm lên 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 2,5%/năm lên 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng từ 5%/năm lên 6%/năm.

images-1-38.jpg
Trụ sở Ngân hàng nhà nước. Ảnh: Phạm Tuân

Lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0,2%/năm lên 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4%/năm lên 5%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Quyết định của Ngân hàng Nhà nước đã đảo ngược chính sách giảm lãi suất điều hành áp dụng từ hai năm trước do tác động của dịch Covid-19. Từ đó đến nay, tình hình kinh tế tài chính thế giới đã có nhiều biến động khiến cho chính sách nới lỏng tiền tệ thông qua giảm lãi suất cho vay đã không thể tiếp tục thực hiện. Một mặt, lạm phát ở các nước phát triển, đồng thời là những đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam như Mỹ và EU đã tăng vọt lên mức trên dưới 10% và buộc các nước này phải tăng mạnh lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát. Theo đó, nhiều nước đang phát triển cũng phải tăng lãi suất điều hành để ngăn dòng vốn chảy ra, đảm bảo ổn định cán cân thanh toán.

Đối với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam thì ổn định cán cân thanh toán luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Do đó, mặc dù lạm phát ở Việt Nam vẫn đang được kiểm soát tốt duới mức Quốc hội cho phép song việc tăng lãi suất điều hành là cần thiết, không phải nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát mà nhằm mục tiêu lớn hơn là ổn định kinh tế vĩ mô, tạo cơ sở phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Hơn thế nữa, chính việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất cơ bản với mức độ lên tới 75 điểm cơ bản mỗi lần làm cho USD lên giá mạnh so với hầu hết các đồng tiền khác trên thế giới. Chỉ số USD tăng vọt lên trên 110 điểm khiến cho hàng loạt quốc gia phải phá giá nội tệ một cách chủ động hoặc phần lớn là bị động, thậm chí đến hàng chục phần trăm. Trong bối cảnh đó, áp lực giảm giá của VND ngày càng lớn và việc đến nay VND chỉ mất giá chưa tới 4% đã là nỗ lực lớn của Ngân hàng Nhà nước nhằm ngăn ngừa những hệ lụy từ việc buộc phải phá giá VND. Để giảm áp lực cho chính sách tỷ giá hối đoái và bảo toàn quỹ dự trữ ngoại hối, tăng lãi suất điều hành là một lựa chọn sáng suốt và hợp lý, cho thấy sự phối hợp tốt chính sách lãi suất với chính sách tỷ giá hối đoái. Hơn nữa, lãi suất điều hành tăng còn đồng bộ với chính sách tín dụng nỗ lực duy trì tốc độ tăng tổng hạn mức tín dụng năm 2022 khoảng 14% đi đôi với thúc đẩy cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và nâng cao chất lượng tín dụng.

Bên cạnh đó, việc chọn thời điểm tăng lãi suất điều hành vào cuối quý III/2022 chứng tỏ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tính toán kỹ về độ trễ tác động của chính sách tiền tệ khi hướng chính sách này không chỉ vào thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát quý cuối năm 2022, mà quan trọng hơn là thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2023 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu được dự báo có nhiều bất ổn, không chỉ lạm phát cao mà thậm chí có thể đi kèm với suy thoái kinh tế.

Để thực thi chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và hiệu quả thì Ngân hàng Nhà nước rất cần sự đồng thuận, ủng hộ của Đảng, Quốc hội và Chính phủ cũng như toàn xã hội. Chính sách lãi suất và chính sách tỷ giá hối đoái dù có phối hợp với nhau tốt đến đâu thì cũng không thể phát huy hiệu quả nếu thiếu sự phối hợp đồng bộ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác như: Chính sách tài khóa; chính sách quản lý nợ công và nợ nước ngoài; chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, cả vốn đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp; chính sách thương mại hàng hóa cũng như dịch vụ...

Tóm lại, mặc dù mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế đồng thời kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam đối mặt với rất nhiều thách thức và điều kiện bất lợi từ kinh tế thế giới song chính những lựa chọn chính sách quyết đoán, sáng suốt, kịp thời và hợp lý như tăng lãi suất điều hành đã, đang và sẽ củng cố niềm tin của mỗi chúng ta vào khả năng biến mục tiêu thành hiện thực./.

Cùng chuyên mục
  • Hiệu quả Tháng Thanh niên từ tình cảm, trách nhiệm, nghĩa vụ của cộng đồng
    2 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Từ nhiều năm nay, Tháng Thanh niên được cả nước triển khai thực hiện có hiệu quả về nhiều mặt, góp phần thúc đẩy và nâng cao chất lượng phong trào thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
  • Nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô và về đích năm 2022
    2 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Sau 2 năm liên tiếp 2020 và 2021 không đạt mục tiêu kế hoạch tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ đề ra trong bối cảnh xuất hiện những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19, cộng hưởng với những căng thẳng khu vực và các dịch chuyển địa chính trị lớn, sâu sắc trên thế giới, hiện nay, Việt Nam đã đi được 3/4 quãng đường triển khai quyết liệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022.
  • Ngời sáng tinh thần Nam Bộ kháng chiến
    2 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Đối với mỗi người Việt Nam, “Nam Bộ kháng chiến”, “Thành đồng Tổ quốc” đã và sẽ mãi mãi được ghi đậm trong tim với sự tự hào, vinh dự và mến phục.
  • Giữ gìn kỷ luật sắt của Đảng
    2 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Các thế lực thù địch chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam luôn tìm mọi cách phá hoại Đảng, nhất là vấn đề kỷ luật Đảng. Chúng xuyên tạc, vu khống cho rằng Đảng không có kỷ luật hay chỉ lợi dụng kỷ luật để đấu đá nội bộ hoặc bao che cho nhau.
  • Hạn mức tín dụng: Giữ hay bỏ
    2 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Đến những ngày gần đây tôi vẫn giữ quan điểm là sau 10 năm áp dụng thì hạn mức tín dụng đã hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử của nó, vì vậy nên bỏ và quay trở lại với các công cụ thị trường như chính sách lãi suất cơ bản, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn, dự trữ bắt buộc hay/và nghiệp vụ thị trường mở (OMO)...
Quyết đoán và hợp lý