Khuyến khích các dự án lớn, công nghệ cao của doanh nghiệp Trung Quốc

(BKTO) - Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các doanh nghiệp lớn, có năng lực, uy tín của Trung Quốc cùng hợp tác để sớm có những dự án lớn, công nghệ cao, tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc và phù hợp với nhu cầu của Việt Nam.

1(2).jpg
Thủ tướng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: CP

Sáng 14/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp Trung Quốc tiêu biểu trong lĩnh vực phát triển kinh tế xanh, kinh tế số.

Góp phúc đẩy hợp tác thực chất, sâu sắc hơn

Tại Tọa đàm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo về tình hình đầu tư nước ngoài, môi trường đầu tư của Việt Nam; tình hình đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam; việc thu hút doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam. Sau khi đại diện doanh nghiệp Trung Quốc phát biểu, nêu các đề xuất kiến nghị, các bộ, cơ quan liên quan phía Việt Nam đã trao đổi, làm rõ những vấn đề liên quan.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh đoàn doanh nghiệp Trung Quốc do Đại sứ Hùng Ba dẫn đầu tham dự tọa đàm; đánh giá cao và trân trọng cảm ơn sự đóng góp thiết thực, hiệu quả của các doanh nghiệp Trung Quốc đối với sự phát triển của kinh tế-xã hội Việt Nam và với quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc thời gian qua.

Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi phát triển quan hệ hữu nghị với Trung Quốc là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong tổng thể đường lối đối ngoại.

Mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã thống nhất xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược với nội hàm "6 hơn".

Thủ tướng khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp hai nước có vai trò hết sức quan trọng trong đóng góp vào nội hàm "6 hơn" nói trên, đặc biệt là "Hợp tác thực chất, sâu sắc hơn", góp phần đưa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trở thành điểm sáng và là một trụ cột quan trọng trong quan hệ giữa hai nước.

Theo Thủ tướng, tọa đàm có ý nghĩa quan trọng, là cuộc gặp đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam với đại diện cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc nhằm triển khai cụ thể nhận thức chung cấp cao của hai Đảng, hai nước trong tăng cường quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, góp phần xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược; thể hiện sự coi trọng của Chính phủ Việt Nam với các doanh nghiệp Trung Quốc, sự lắng nghe, chia sẻ với các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc, với tinh thần đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là có sản phẩm cụ thể, hiệu quả cân đong đo đếm được.

Tại Tọa đàm, các doanh nghiệp Trung Quốc và các bộ, ngành Việt Nam đã trao đổi nghiêm túc, thẳng thắn, cầu thị, chân thành, trách nhiệm cao, đề xuất các ý tưởng, sáng kiến hợp tác thiết thực để trụ cột hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư ngày càng thực chất sâu sắc hơn.

Thủ tướng đã dành thời gian thông tin về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, các yếu tố nền tảng, đường lối phát triển cơ bản; các chính sách về kinh tế, văn hóa, đối ngoại, quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; về những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong gần 40 năm đổi mới.

Cam kết "3 cùng" và "3 bảo đảm" với các doanh nghiệp

Về định hướng thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có đầu tư chất lượng cao từ Trung Quốc, Thủ tướng cho biết Việt Nam xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng, Việt Nam xác định rõ định hướng thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tạo kết nối lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước, thúc đẩy hợp tác công-tư.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hợp tác, tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh, Việt Nam nhu cầu và ưu tiên cao, như đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, đô thị thông minh, công nghiệp chế tạo chất lượng cao, xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, y tế, giáo dục…, xây dựng và triển khai các dự án hợp tác cụ thể trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác song phương đã thiết lập và các cơ chế hợp tác đa phương hai bên cùng tham gia.

Trong đó, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp lớn, có năng lực, uy tín của Trung Quốc cùng hợp tác để sớm có những dự án lớn, công nghệ cao, tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc và phù hợp với nhu cầu của Việt Nam, áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững trong lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, tạo điều kiện các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của các tập đoàn, của khu vực, toàn cầu.

Thủ tướng cũng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế để sớm cụ thể hóa, hiện thực hóa các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, nhất là xây dựng các tuyến đường sắt, đường bộ xuyên biên giới, thúc đẩy xây dựng các khu hợp tác qua biên giới, đẩy nhanh mở mới, nâng cấp một số cặp cửa khẩu đã thỏa thuận, triển khai thí điểm cửa khẩu thông minh, thúc đẩy số hóa các hoạt động giao thương, góp phần thực hiện chủ trương xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; tiếp tục tạo thuận lợi cho tăng cường thương mại song phương, Trung Quốc mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nông thủy sản, hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam.

Theo Thủ tướng, thực tiễn công cuộc đổi mới của Việt Nam cho thấy "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ người dân, doanh nghiệp". Trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Chính phủ Việt Nam cam kết "3 cùng" và "3 bảo đảm".

"3 bảo đảm" gồm: Bảo đảm khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài luôn là hợp phần quan trọng của kinh tế Việt Nam; coi trọng, khuyến khích, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để khu vực này phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với các khu vực kinh tế khác; bảo đảm các quyền lợi và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư; bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, trật tự an toàn xã hội; ổn định về chính sách để các nhà đầu tư yên tâm kinh doanh, hoạt động lâu dài tại Việt Nam.

"3 cùng" gồm: Cùng lắng nghe và thấu hiểu giữa doanh nghiệp với Nhà nước và người dân; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động để hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, phát triển nhanh, bền vững; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển.

Thủ tướng cho rằng, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của hai bên, trên nền tảng quan hệ song phương tốt đẹp, hợp tác kinh tế-đầu tư-thương mại Việt Nam-Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực phát triển kinh tế xanh, kinh tế số sẽ là động lực quan trọng, đột phá giúp đưa mối quan hệ giữa hai nước tiếp tục phát triển lên tầm cao mới.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam cam kết luôn lắng nghe, tiếp tục đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư kinh doanh hiệu quả, lâu dài và bền vững tại Việt Nam, thành công của nhà đầu tư cũng chính là thành công của Việt Nam.

Cùng chuyên mục
Khuyến khích các dự án lớn, công nghệ cao của doanh nghiệp Trung Quốc