Khuyến khích thiết lập chuỗi cung ứng năng lượng khu vực ASEAN

(BKTO) - Đoàn công tác của Bộ Công Thương đang tham dự Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 41 và các Hội nghị liên quan (AMEM 41) từ ngày 22-26/8, tại Bali, Indonesia.

2(2).jpg
Các đại biểu cam kết đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng trong khu vực. Ảnh: BCT

Đây là lần đầu tiên Hội nghị Bộ trưởng năng lượng ASEAN được tổ chức theo hình thức trực tiếp sau 03 năm tổ chức trực tuyến do sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Chuỗi hoạt động chính của AMEM 41 bao gồm: Hội nghị quan chức cấp cao trù bị cho AMEM 41; Hội nghị ASEAN +3 lần thứ 20; Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng các nước Đông Á (EAS EMM) lần thứ 17; Hội nghị tham vấn giữa các Bộ trưởng Năng lượng ASEAN với IRENA; Hội nghị tham vấn giữa Bộ trưởng Năng lượng các nước Đông Á và các Tổ chức Năng lượng quốc tế; Đối thoại Bộ trưởng - CEO, Diễn đàn Doanh nghiệp Năng lượng ASEAN 2023 (AEBF).

Tại các sự kiện này, các Bộ trưởng, Trưởng đoàn các nước tham gia đã xem xét báo cáo kết quả triển khai Kế hoạch Hành động ASEAN về Hợp tác Năng lượng (APAEC) 2016-2025, Giai đoạn 2 và các khuyến nghị, yêu cầu từ các cuộc họp cấp cao trong khuôn khổ ASEAN.

Các đại biểu đã ghi những nhận thành tựu nổi bật về hợp tác năng lượng ASEAN, bao gồm: tỷ lệ năng lượng tái tạo đạt 14,4% trong tổng cung cấp năng lượng sơ cấp năm 2021; tỷ lệ năng lượng tái tạo trong sản xuất điện đạt 33,6% và cường độ năng lượng giảm 24,5%.

Đặc biệt, các Bộ trưởng, Trưởng đoàn đã thông qua Tuyên bố chung về An ninh năng lượng bền vững thông qua kết nối; Tuyên bố chung của Brunei Darussalam, Indonesia, Malaysia, và Dự án Tích hợp Điện l Philippines (BIMP-PIP); chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) giữa các công ty điện lực của Brunei Darussalam, Indonesia, Malaysia (Sabah - Sarawak) và Philippines.

Hội nghị ghi nhận mục tiêu khuyến khích phát triển hơn nữa các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng xuyên biên giới giữa các quốc gia ASEAN nhằm đạt được an ninh năng lượng bền vững thông qua kết nối.

Các đại biểu tái khẳng định cam kết của ASEAN trong việc giảm lượng khí thải carbon và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng và toàn diện trong khu vực; thừa nhận tầm quan trọng của Bản ghi nhớ về Lưới điện ASEAN, Bản ghi nhớ về Đường ống dẫn khí xuyên ASEAN, Hiệp định An ninh Dầu khí ASEAN và việc tiếp tục các cơ chế hiện có của hợp tác kết nối khu vực và ứng phó khẩn cấp.

Theo các đại biểu, thương mại năng lượng đa phương và chuỗi cung ứng tích hợp và linh hoạt hơn trong khu vực sẽ làm tăng đáng kể việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và tăng cường hiệu quả bảo tồn năng lượng.

Vì vậy, các Bộ trưởng khuyến khích khả năng thiết lập chuỗi cung ứng khu vực bền vững cho năng lượng mặt trời, gió, địa nhiệt, thủy điện, năng lượng sinh học, năng lượng tái tạo biển và các hệ thống lưu trữ năng lượng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng trong khu vực và tăng cường hơn nữa hợp tác liên trụ cột trong Cộng đồng ASEAN…

Đồng thời nhấn mạnh vai trò của việc tăng cường hợp tác với khu vực tư nhân, các tổ chức tài chính quốc tế và các nhà tài trợ, cũng như các cơ quan thiết lập tiêu chuẩn để tạo điều kiện và hỗ trợ việc triển khai và tài trợ cho các công nghệ năng lượng sáng tạo nhằm thúc đẩy kết nối năng lượng.

Cùng chuyên mục
Khuyến khích thiết lập chuỗi cung ứng năng lượng khu vực ASEAN