Kịch bản tăng trưởng năm 2023: Bớt nhìn chỉ tiêu, hãy nhìn chất lượng!

(BKTO) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) vừa cập nhật kịch bản tăng trưởng quý IV và cả năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức. Giới chuyên gia khuyến nghị, chúng ta bớt nhìn các chỉ tiêu tăng trưởng mà phải nhìn chỉ tiêu chất lượng của nền kinh tế và sức khỏe của doanh nghiệp (DN). Đặc biệt, thể chế và cơ chế, chính sách phải giải quyết những vấn đề thuận lợi, cơ hội mở ra.

10.jpg
Chính phủ cần xây dựng và thực thi chiến lược tăng cường xuất khẩu. Ảnh minh họa

Nhiều thách thức với “cỗ xe kinh tế Việt Nam”

Trên cơ sở kết quả 9 tháng, dự báo bối cảnh, tình hình thế giới và trong nước thời gian tới, Bộ KHĐT vừa cập nhật 3 kịch bản tăng trưởng quý IV và cả năm 2023: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5%, quý IV cần tăng 7%; tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%; tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%. Theo Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng, tăng trưởng quý IV/2023 phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam, hoạt động du lịch, tiêu dùng trong nước dịp cuối năm và cận kề Tết Nguyên đán 2024 là cơ sở để xuất khẩu, thị trường trong nước tăng trưởng nhanh hơn. “Các kịch bản đặt ra đều rất khó khăn, thách thức” - ông Dũng nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, quý I/2023, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng âm, quý II, III đã phục hồi. Tuy nhiên, ngành này cũng đang gặp khó khăn liên quan đến thị trường tiêu thụ trong chuỗi giá trị của DN, cho nên sẽ khó tăng trưởng. Nằm trong tay duy nhất là đầu tư công và cải thiện môi trường đầu tư tư nhân, còn tiêu dùng hay xuất khẩu không có đột phá. Chưa kể, biến động vĩ mô từ giờ đến cuối năm sẽ là yếu tố rào cản chứ không phải yếu tố kích thích tăng trưởng, chẳng hạn lạm phát, tỷ giá hay biến động năng lượng...

Theo tính toán, nếu giảm 10% nhập siêu dịch vụ sẽ làm GDP tăng 0,36%. Vì vậy, Chính phủ cần xây dựng và thực thi chiến lược tăng cường xuất khẩu, giảm thiểu nhập khẩu dịch vụ, tiến tới xử lý vấn đề nhập siêu dịch vụ.

Ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Thêm vào đó, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm chỉ rõ, 6 trong 8 tháng năm nay, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) các ngành sản xuất Việt Nam liên tục dưới ngưỡng 50 điểm cho thấy bức tranh sản xuất kinh doanh ảm đạm có nguyên nhân sâu xa từ nhu cầu thế giới và trong nước suy giảm. Mặc dù chỉ số PMI tháng 8/2023 lần đầu đã tăng trở lại sau 6 tháng nhưng việc làm tiếp tục giảm nhẹ, tồn kho thành phẩm tăng tháng thứ hai liên tiếp, chi phí sản xuất và giá cả sản phẩm đầu ra đều tăng cho thấy sự cải thiện nói chung còn yếu khi lực cầu vẫn mong manh. Do đó, còn quá sớm để nói các ngành sản xuất đã phục hồi.

“Cỗ xe tứ mã kéo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 có sức kéo không đồng đều. Cụ thể, “Ngựa đổi mới” đảm bảo tính đồng bộ về thể chế và môi trường pháp lý cho phát triển kinh tế đang chững lại. “Ngựa tiêu dùng” của thị trường 100 triệu dân tiến về phía trước với bước đi chậm và ngắn; trong 9 tháng, tổng cầu tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng 3,03%. “Ngựa xuất khẩu” đang tụt lại phía sau với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 8,2%. Trong tứ mã, chỉ có “Ngựa đầu tư”, đặc biệt đầu tư công vẫn giữ được phong độ và đang phi nước đại để kéo cỗ xe kinh tế Việt Nam đi nhanh hơn” - ông Lâm bình luận.

Cải cách thể chế, kích cầu tăng trưởng

Trả lời phỏng vấn Báo Kiểm toán, TS. Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng, chúng ta vẫn chạy theo con số tăng trưởng nhưng không đi vào thực chất chuyển đổi của nền kinh tế. Chất lượng của nền kinh tế không đạt vì chúng ta mong tái cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. Chúng ta bớt nhìn các chỉ tiêu tăng trưởng mà phải nhìn chỉ tiêu chất lượng của nền kinh tế và sức khỏe của DN để đánh giá.

“Hiện nay, ngoài một số lĩnh vực như dệt may, da giầy là “Made in Vietnam”, còn lại xuất khẩu điện tử, điện thoại di động hay cơ khí... đều không phải của Việt Nam. Bây giờ, chúng ta bắt đầu chuyển sang bán dẫn, chíp, cơ khí chế tạo thì ai sẽ là đối tác?” - ông Kiên đặt câu hỏi, đồng thời nhấn mạnh: “Cải cách thể chế là phải giải quyết dứt điểm. Chúng ta phải có “những con sếu đầu đàn”, những DN đủ lớn để làm đối tác với các DN nước ngoài. Đơn cử, muốn hợp tác về bán dẫn thì chúng ta phải đầu tư vào bán dẫn. Vậy, Nhà nước bỏ tiền ra không và Nhà nước bỏ tiền ra thì giao cho ai hay lại đấu thầu? Tức là, thể chế và cơ chế chính, sách giải quyết những vấn đề thuận lợi, cơ hội mở ra là chưa có, chưa ai bàn đến”.

Ông Kiên thẳng thắn: “Chúng ta phải bình tĩnh nhìn thẳng vào sự thật, bớt khen nhau về tăng trưởng để đi vào thực chất của nền kinh tế. Vấn đề bây giờ, cả hệ thống phải xử lý về mặt thể chế. Quý IV/2023, chúng ta thống nhất nhận định là vẫn còn khó khăn, nếu không xử lý tốt thì khó khăn còn kéo dài sang cả 6 tháng đầu năm 2024. Khi đã thống nhất về tư tưởng thì phải có những chính sách, quyết định mang tính đột phá, tận dụng cơ hội, không đi theo lối mòn. Nếu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm mà tạo ra nhiều lợi ích cho đất nước, thì ngay lập tức phải có cơ chế đặc thù để triển khai”.

Ông Kiên kỳ vọng Hội nghị Trung ương 8 lần này phải thảo luận được cơ chế để từ tháng 01/2024, chúng ta có đủ DN, có đủ tiền đáp ứng yêu cầu của các DN lớn, nhất là các tập đoàn quốc tế, tạo động lực phát triển bền vững kinh tế Việt Nam, để kinh tế Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, khẩn trương thực hiện hiệu quả giải pháp kích cầu sẽ tạo hiệu ứng tâm lý tích cực, tạo niềm tin cho DN, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào tiềm năng và sự phục hồi nhanh của nền kinh tế. Theo đó, kích cầu tiêu dùng bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong tiêu dùng để tăng sức mua; giảm giá hàng tiêu dùng, giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập cá nhân và DN, tăng cho vay tiêu dùng, đồng thời giãn, khoanh nợ và tăng hỗ trợ an sinh xã hội.

Về đầu tư: Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, kho cảng, hạ tầng khu công nghiệp; ưu tiên kích cầu đầu tư các dự án sắp hoàn thành, sớm đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng góp phần trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế...

Về xuất khẩu: Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm vực lại ngành sản xuất hướng vào xuất khẩu; đảm bảo giữ được những bạn hàng lớn, đồng thời tăng cơ hội tiếp thị các sản phẩm mới…

Bộ KHĐT kiến nghị thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, tranh thủ các cơ hội mới từ quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ để thu hút các tập đoàn đa quốc gia: Đầu tư, hợp tác hình thành hệ sinh thái chíp, bán dẫn, sản xuất linh kiện, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực công nghệ cao…/.

Cùng chuyên mục
Kịch bản tăng trưởng năm 2023: Bớt nhìn chỉ tiêu, hãy nhìn chất lượng!