Thúc đẩy phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững

(BKTO) - Theo ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt, nhưng Chính phủ cần sớm phê duyệt các kế hoạch triển khai để làm cơ sở thực hiện các dự án năng lượng xanh, sạch và bền vững...

bsr.jpg
BSR sẽ đón đầu xu hướng chuyển dịch năng lượng xanh, sạch...

Những bước tiên phong của doanh nghiệp dầu khí

Đón đầu xu hướng chuyển dịch năng lượng xanh, sạch và bền vững, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và một số đơn vị thành viên đã khởi động những bước tiên phong.

Điển hình như Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, tại Nghị quyết số 5150/NQ-BSR, Công ty đã đặt các mục tiêu phát triển đến năm 2025 theo hướng đa dạng sản phẩm, phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng và tăng trưởng trong sản xuất kinh doanh. Đồng thời tiếp tục là đơn vị đóng góp lớn cho tăng trưởng của PVN, khẳng định vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng đất nước và tham gia tích cực vào việc thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam (COP26).

Theo đó, BSR sẽ đẩy mạnh nghiên cứu phương án chế biến nguyên liệu trung gian và sản xuất các sản phẩm có giá trị tùy thuộc vào điều kiện thực tế của từng giai đoạn như xăng (A-80), dầu DO (L62) và nhiên liệu bay (JetA-K) phục vụ cho quốc phòng, sản phẩm Polypropylene (PP) chủng loại Homo màng như BOPP, IPP, CPP…

Một minh chứng tiêu biểu khác, Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC - đơn vị thành viên của PVN) vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam trao Quyết định chấp thuận hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển (giấy phép khảo sát). Đồng thời, đối tác Sembcorp (Singapore) của PTSC được Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore trao Ý định thư chấp thuận dự án phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam, xuất khẩu điện sạch sang Singapore.

Như vậy, PTSC hiện là nhà đầu tư đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép để triển khai các hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển để phát triển dự án điện gió ngoài khơi. Sự kiện là dấu mốc quan trọng để Liên danh PTSC - Sembcorp có thể triển khai các bước tiếp theo trong phát triển dự án.

Từ đó góp phần hiện thực hóa Bản ghi nhớ xây dựng đối tác kinh tế xanh - kinh tế số giữa hai quốc gia, chung tay hoàn thành mục tiêu Việt Nam đạt được 6GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 theo Quy hoạch điện VIII và cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

dg.jpg
Phát triển dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi là mục tiêu mới của PTSC. Ảnh minh họa

Theo Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam, chuyển dịch năng lượng đang là mục tiêu quan trọng của nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới trước sức ép nhu cầu năng lượng tăng trong khi các nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt. Không chỉ giúp đảm bảo nhu cầu năng lượng cũng như an ninh năng lượng của mỗi quốc gia, năng lượng tái tạo còn là một giải pháp quan trọng nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu.

“Việc phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược mà Việt Nam không thể đứng ngoài, cũng là một cơ hội để phát triển, tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh, sạch và bền vững” - TS. Mai Duy Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam nhấn mạnh.

Cải thiện hành lang pháp lý, đồng bộ các quy định để dễ thực hiện

Có thể thấy rõ, cùng với việc đưa ra những chủ trương, chính sách, định hướng quan trọng cho việc thúc đẩy phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững như Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Quy hoạch điện VIII…, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng trên tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển.

Theo ông Bùi Quốc Hùng, cần cải thiện hành lang pháp lý, đồng bộ các quy định và luật để thúc đẩy sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển thị trường năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Đồng thời, cần có các cơ chế về giá cho các loại hình năng lượng than, khí, LNG, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối; cũng như nâng cao năng lực và trình độ công nghệ của ngành năng lượng; nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ năng lượng.

Ngoài ra, phải đẩy mạnh trình độ khoa học công nghệ để vận hành, làm chủ các công nghệ liên quan đến năng lượng sạch, ít phát thải; cần có các tiêu chuẩn và chứng chỉ để đảm bảo rằng thiết bị được sản xuất hoặc mua sắm từ nước ngoài phù hợp với tiêu chuẩn hiện hành. Bởi việc chưa có các tiêu chuẩn cần thiết dễ gây ra sự nhầm lẫn và các nhà sản xuất năng lượng tái tạo phải đối mặt với những khó khăn - ông Bùi Quốc Hùng nhấn mạnh.

Ông Đỗ Văn Long - Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cho rằng, cần phát triển các nguồn cung năng lượng sơ cấp theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hóa, bảo đảm tính hiệu quả, tin cậy và bền vững; cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với việc thực thi chính sách bảo vệ môi trường ngành năng lượng gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Theo TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, để thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng xanh, sạch tại Việt Nam, cần phải tháo gỡ nút thắt lớn nhất có tính bao trùm đó là cần khẳng định hoạt động của chuỗi LNG và điện khí LNG sẽ do thị trường điều chỉnh, tức là tuân theo quy luật của thị trường.

Như vậy, các chủ thể nhà máy điện khí LNG được quyền đàm phán bán điện trực tiếp với các hộ tiêu thụ điện; các chủ thể nhà máy điện được quyền mua trực tiếp LNG và thuê kho cảng tàng trữ và tái hóa khí; các chủ thể nhà máy điện có thể đầu tư bổ sung đường dây truyền tải và đấu nối, khi đó giá bán điện sẽ do bên mua và bán thỏa thuận./.

Cùng chuyên mục
Thúc đẩy phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững