Kiểm soát chất lượng kiểm toán: Bảo đảm hoạt động kiểm toán tuân thủ pháp luật

THÙY ANH (thực hiện) | 14/03/2024 13:33

(BKTO) - Bà Trương Hải Yến - Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT), Kiểm toán nhà nước - trả lời phỏng vấn của Báo Kiểm toán về Quy chế KSCLKT vừa được Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn ký ban hành kèm theo Quyết định số 477/QĐ-KTNN và có hiệu lực từ ngày 04/3/2024 (Quyết định 477).

anh-minh-hoa_20230209105151.jpg
Việc triển khai áp dụng Quy chế sẽ đảm bảo hoạt động kiểm toán tuân thủ pháp luật, Chuẩn mực, Quy trình kiểm toán của KTNN và các quy định khác có liên quan. Ảnh minh họa

Thưa bà, nguyên do nào dẫn đến việc Kiểm toán nhà nước (KTNN) sửa đổi Quy chế KSCLKT?

Hằng năm, Vụ Chế độ và KSCLKT thực hiện rà soát các văn bản liên quan đến hoạt động kiểm toán đang áp dụng để nghiên cứu đề xuất Tổng Kiểm toán nhà nước sửa đổi cho phù hợp với quy định hiện hành và thực tiễn hoạt động kiểm toán, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả, hiệu lực hoạt động kiểm toán.

Qua rà soát, nghiên cứu nội dung Quy chế KSCLKT ban hành kèm theo Quyết định số 1694 (Quy chế 1694) có hiệu lực từ ngày 27/11/2020 và các văn bản, tài liệu có liên quan, Vụ Chế độ và KSCLKT nhận thấy Quy chế này còn một số bất cập chủ yếu như: Chưa quy định KSCLKT đối với tất cả các giai đoạn của Quy trình kiểm toán của KTNN (chưa quy định KSCLKT trong giai đoạn kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán).

Quy chế 1694 quy định KTNN thực hiện KSCLKT theo 5 cấp kiểm soát: Tổng Kiểm toán nhà nước; kiểm toán trưởng; trưởng đoàn KTNN; tổ trưởng tổ kiểm toán; thành viên đoàn KTNN. Tuy nhiên, kết cấu các chương, mục tại Quy chế chưa thể hiện rõ 5 cấp kiểm soát này. Cùng với đó, quy định về tiêu chuẩn tổ trưởng và thành viên tổ KSCLKT cũng chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động kiểm toán của KTNN nên còn vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện.

Một số nội dung tại Quy chế 1694 không còn phù hợp với các hướng dẫn, quy định của KTNN đã được sửa đổi như: Quy định về trình tự lập, thẩm định, xét duyệt kế hoạch kiểm toán và báo cáo kiểm toán; Quy trình kiểm toán của KTNN; Hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán.

Đồng thời, Quy chế 1694 còn nhiều nội dung trùng lặp như: Trình tự thủ tục thực hiện kiểm soát, mục đích kiểm soát; phối hợp trong thực hiện KSCLKT…; quy định về trình tự, thủ tục, nội dung KSCLKT của tổ trưởng và kiểm toán viên nhà nước (KTVNN) chưa thể hiện là hoạt động kiểm soát và tự KSCLKT của tổ trưởng và KTVNN...

Việc áp dụng Quy chế sẽ góp phần phòng ngừa, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, tồn tại trong tổ chức, thực hiện, quản lý hoạt động kiểm toán và hoạt động KSCLKT của đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán. 

Bà Trương Hải Yến

Từ thực trạng bà vừa nêu, những nội dung cơ bản nào đã được sửa đổi, bổ sung tại Quy chế mới?

Trên cơ sở đánh giá, phân tích các vấn đề còn vướng mắc và tham chiếu đến các quy định, thực tiễn hoạt động kiểm toán của KTNN, Vụ Chế độ và KSCLKT đề xuất sửa đổi một số nội dung chủ yếu như:

Thứ nhất, bổ sung quy định thực hiện KSCLKT đối với giai đoạn kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán để đảm bảo KSCLKT đầy đủ 4 giai đoạn của Quy trình kiểm toán và phân cấp cho các KTNN chuyên ngành/khu vực thực hiện kiểm soát.

Thứ hai, kết cấu lại các chương, mục của Quy chế 1694 để thể hiện rõ 5 cấp KSCLKT: Tổng Kiểm toán nhà nước; kiểm toán trưởng; trưởng đoàn (đoàn KTNN, đoàn kiểm tra kiến nghị); tổ trưởng (tổ kiểm toán, tổ kiểm tra); thành viên đoàn KTNN và đoàn kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán tự KSCLKT (Quy chế cũ gồm 7 chương, 46 điều; Quy chế mới gồm 8 chương 51 điều).

Thứ ba, bổ sung quy định về tổ trưởng và thành viên tổ KSCLKT cho phù hợp với điều kiện hiện nay của KTNN, cụ thể: Tổ trưởng tổ kiểm soát cần có chức vụ tương đương (cùng cấp vụ, cấp phòng) với cấp được kiểm soát trở lên. Trường hợp không đủ tổ trưởng đáp ứng yêu cầu có chức vụ tương đương cấp được kiểm soát thì Vụ trưởng Vụ Chế độ và KSCLKT trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét quyết định, thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán xem xét quyết định đảm bảo chất lượng, hiệu lực, hiệu quả. Thành viên tổ kiểm soát có thể bao gồm công chức không phải là KTVNN nhưng có người hướng dẫn là KTVNN.

Thứ tư, rà soát, lược bỏ, biên tập lại các nội dung đã được sửa đổi tại các văn bản của KTNN mới ban hành. Trong đó, bổ sung quy định về trình tự, thẩm quyền phê duyệt trong trường hợp các tổ kiểm soát thu thập tài liệu từ đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến nội dung kiểm soát để đảm bảo chặt chẽ.

Quyết định 477 bổ sung quy định thực hiện KSCLKT đối với giai đoạn kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán để đảm bảo KSCLKT đầy đủ 4 giai đoạn của Quy trình kiểm toán và phân cấp cho các KTNN chuyên ngành/khu vực thực hiện kiểm soát.

Thứ năm, rà soát, biên tập, chuẩn hóa lại các khái niệm và nội dung kiểm soát cho phù hợp với từng hình thức KSCLKT và từng cấp kiểm soát, gắn với 4 giai đoạn của Quy trình kiểm toán; lược bỏ các phần, nội dung trùng lặp. Trong đó, kết cấu lại, không biên tập nội dung kiểm soát thành 1 điều riêng như Quy chế 1694 (Điều 9), mà biên tập nội dung cụ thể trong từng hình thức kiểm soát, theo từng cấp kiểm soát để thuận lợi hơn trong quá trình triển khai thực hiện Quy chế. Đồng thời, rà soát, biên tập lại quy định về trình tự, thủ tục, nội dung KSCLKT của tổ trưởng và KTVNN cho phù hợp với hoạt động kiểm soát và tự KSCLKT.

Bên cạnh đó, cấu trúc, biên tập lại kết cấu Quy chế cho ngắn gọn, logic, tránh trùng lặp, như: Mục đích kiểm soát quy định thống nhất tại Điều 4; bổ sung trình tự thủ tục kiểm soát đối với từng cấp kiểm soát; các nội dung liên quan đến phối hợp thực tại Điều quy định về tổ chức thực hiện; lược bỏ các nội dung thuộc về tác nghiệp cụ thể, thuộc hoạt động quản lý, điều hành nội bộ của Vụ Chế độ và KSCLKT và đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán do đã được quy định tại các văn bản khác; chuyển tất cả quy định về danh mục tài liệu ra phụ lục và biên tập lại cho ngắn gọn…

Thứ sáu, rà soát, chỉnh sửa, thiết kế bổ sung các mẫu cần thiết kèm theo Quy chế, như: Lược bỏ Phụ lục 01 Bảng câu hỏi kiểm soát; chỉnh sửa mẫu biểu kế hoạch kiểm soát và báo cáo kiểm soát…; tách riêng các mẫu báo cáo kiểm soát trực tiếp, báo cáo kiểm soát đột xuất, báo cáo kiểm soát tháng của các đơn vị và Vụ Chế độ và KSCLKT; bổ sung các mẫu biểu kế hoạch, báo cáo, phiếu trao đổi, tờ trình… để thống nhất áp dụng trong các đơn vị trực thuộc KTNN. Bổ sung mẫu biểu lập thông báo kết quả kiểm soát đối với hình thức kiểm soát việc tổ chức thực hiện KSCLKT của kiểm toán trưởng.

Thứ bảy, bổ sung trách nhiệm, nội dung kiểm soát các hành vi tham nhũng, tiêu cực đối với các cấp kiểm soát theo quy định tại Điều 4, Điều 6 Quy định số 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và phân cấp kiểm soát cho kiểm toán trưởng, trưởng đoàn kiểm toán, tổ trưởng tổ kiểm toán, KTVNN.

Theo bà, Quy chế này sẽ có tác động như thế nào đối với hoạt động kiểm toán của toàn Ngành?

Dự kiến trong tháng 3 này, Vụ Chế độ và KSCLKT sẽ tổ chức phổ biến, trao đổi trong toàn Ngành về nội dung của Quy chế; các đơn vị sẽ quán triệt trong nội bộ đơn vị để tổ chức thực hiện. Vụ Chế độ và KSCLKT hướng dẫn, kiểm tra và tổng hợp kết quả việc triển khai áp dụng Quy chế, báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước.

Tôi hy vọng việc triển khai áp dụng Quy chế sẽ đảm bảo hoạt động kiểm toán tuân thủ pháp luật, Chuẩn mực, Quy trình kiểm toán của KTNN và các quy định khác có liên quan trong quá trình tổ chức, thực hiện, quản lý các cuộc kiểm toán của KTNN. Việc áp dụng Quy chế sẽ góp phần phòng ngừa, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, tồn tại trong tổ chức, thực hiện, quản lý hoạt động kiểm toán và hoạt động KSCLKT của đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán. Đồng thời, đảm bảo chất lượng hoạt động kiểm toán, tăng cường tính hiệu lực của kiến nghị kiểm toán, tính minh bạch, sự tin cậy đối với hoạt động kiểm toán, nâng cao uy tín của KTNN.

Xin trân trọng cảm ơn bà!./.

Cùng chuyên mục
Kiểm soát chất lượng kiểm toán: Bảo đảm hoạt động kiểm toán tuân thủ pháp luật