Dự án Trường Đại học Y tế công cộng Hà Nội áp dụng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao. Ảnh: Văn Phú
Cần có các dự án PPP lĩnh vực y tế
Tính đến tháng 5/2019, dân số của Việt Nam khoảng 97 triệu người, trong đó 34% tập trung ở thành thị, còn lại ở nông thôn. Mạng lưới y tế đạt 26 giường bệnh/1 vạn dân, tỷ lệ này là khá cao trong các nước Đông Nam Á, song còn thấp so với khu vực (Trung Quốc là 42 giường bệnh/1 vạn dân, Australia là 38 giường bệnh/1 vạn dân). Chất lượng dịch vụ y tế còn chênh lệch khá lớn giữa các bệnh viện tuyến T.Ư và bệnh viện địa phương, một phần dẫn đến tình trạng quá tải bệnh nhân ở các bệnh viện lớn trong khi nhiều bệnh viện huyện không có bệnh nhân thăm khám và điều trị. Đây có thể coi là cơ hội cũng như thách thức đối với các nhà đầu tư khu vực tư.
Có thể nói, y tế là yếu tố thiết yếu để đáp ứng nhu cầu căn bản của con người là bảo vệ sức khỏe, đây cũng là lĩnh vực có độ nhạy cảm cao về chính trị và xã hội. Trước đây, Nhà nước luôn giữ vai trò độc quyền trong việc quản lý lĩnh vực này. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển về kinh tế, xã hội, mô hình quản lý này đã dần bộc lộ nhiều hạn chế. Thứ nhất, nhu cầu về y tế của người dân càng ngày càng gia tăng, không chỉ về chất lượng chuyên môn khám chữa bệnh mà còn là chất lượng dịch vụ như: điều kiện cơ sở vật chất, thái độ và tác phong của y, bác sĩ… cùng với việc trang thiết bị y tế càng ngày càng hiện đại, tốn kém dẫn đến chi trong lĩnh vực y tế ngày một gia tăng, trong khi nguồn lực NSNN còn eo hẹp. Thứ hai, việc độc quyền trong ngành y tế dẫn đến việc giảm chất lượng, động lực phát triển của cả nền y tế, gây mất niềm tin của người dân, xã hội, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và thu nhập của đội ngũ y, bác sĩ…
Chính vì vậy, PPP được kỳ vọng là một giải pháp tiềm năng trong việc giải tỏa các hạn chế của ngành y tế, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và cung ứng dịch vụ y tế, đồng thời thúc đẩy phát triển nền kinh tế với sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hợp tác theo hình thức PPP chủ yếu diễn ra trong các lĩnh vực giao thông vận tải, các dự án thuộc lĩnh vực khác, trong đó có y tế còn chưa nhiều.
Kiểm toán phát hiện một sốbất cập lớn
Qua thực tế kiểm toán, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Lê Thị Hồng Hạnh cho biết, tính đến nay, có rất ít dự án PPP lĩnh vực y tế đã đi vào hoạt động, PPP chưa thực sự trở thành một xu thế phát triển, tạo đà nâng cao khả năng cung ứng trong lĩnh vực y tế của quốc gia.
Theo bà Lê Thị Hồng Hạnh, qua kiểm toán trong lĩnh vực y tế cho thấy, quá trình triển khai đã phát sinh nhiều vướng mắc từ đề xuất dự án đến khâu thực hiện và nghiệm thu dự án, trở ngại lớn nhất là các quy định pháp luật của Nhà nước về hình thức PPP chưa rõ ràng, do đó, nhiều nhà đầu tư cân nhắc về khả năng sinh lời từ các dự án PPP. Đến nay, chưa có thông tư hướng dẫn quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 63/2018/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư thuộc lĩnh vực y tế (lĩnh vực đầu tư, đơn vị chuẩn bị dự án đầu tư, nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi phù hợp với yêu cầu thực tiễn và quản lý dự án của ngành y tế, hợp đồng dự án...) làm căn cứ thực hiện, dẫn đến nhiều dự án vẫn chưa thể triển khai do thiếu quy định rõ ràng.
Vấn đề bất cập lớn nữa được đại diện lãnh đạo KTNN chuyên ngành III chỉ ra đó là, hiện nay, tại các bệnh viện công lập chủ yếu hợp tác theo hình thức liên doanh liên kết đối với đầu tư các trang thiết bị y tế. Qua kiểm toán cũng chỉ ra rất nhiều hạn chế trong hoạt động liên doanh liên kết. Đáng chú ý như giá dịch vụ y tế theo máy liên doanh liên kết thu cao, thời gian thu hồi vốn nhanh (ngắn hơn thời gian ký hợp đồng liên doanh liên kết) làm ảnh hưởng đến lợi ích của người bệnh. Một số máy liên doanh liên kết xác định tỷ lệ phân chia thu nhập không đầy đủ cơ sở tính toán, hợp đồng không quy định việc điều chỉnh tỷ lệ và không thực hiện đàm phán lại với các đối tác khi số ca dịch vụ y tế đi kèm tăng cao so với dự kiến, chưa tính đủ chi phí thực tế phát sinh dẫn đến phần lớn các đối tác có lợi. Nhiều bệnh viện chưa chủ động sử dụng nguồn quỹ hiện có để trang bị các trang thiết bị y tế có giá trị nhỏ, sử dụng công nghệ, kỹ thuật thông thường để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh mà vẫn thực hiện dưới hình thức xã hội hóa, liên doanh liên kết với thời gian từ 5 - 10 năm và thu với giá cao hơn quy định, làm tăng chi phí khám chữa bệnh của người bệnh và phải phân chia doanh thu/lợi nhuận cho đối tác. Nhiều máy liên doanh liên kết đã hết khấu hao nhưng vẫn thực hiện liên doanh liên kết, chưa thực hiện kiểm định lại chất lượng máy và chưa đàm phán lại tỷ lệ phân chia; một số máy được mua từ nguồn thu nhàn rỗi nhưng lại lập đề án thực hiện dạng đặt máy để thu giá dịch vụ cao hơn giá ban hành của Bộ Y tế.(Kỳ sau đăng tiếp)
Việt Nam mới có 73 dự án PPP y tế. Trong đó, chỉ có 15 dự án đã có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc lựa chọn nhà đầu tư (1 dự án đã hủy sau khi có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, 1 dự án hủy trong quá trình thực hiện) và 1 dự án hoàn thành (Dự án Trường Đại học Y tế công cộng Hà Nội) nhưng chưa thực sự mang màu sắc PPP trong cung ứng dịch vụ y tế. Có dự án kéo dài từ năm 2006 đến nay vẫn chưa hoàn thiện thủ tục để triển khai. Tiến độ thực hiện số dự án còn lại rất chậm, hầu như chưa tìm được nhà đầu tư phù hợp và đặc biệt là thiếu vắng nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. |