Kiểm toán Chương trình quốc gia An toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2014 - Kỳ III: Khắc phục những bất cập về chính sách

(BKTO) - Từ thực tế kiểm toán Chương trình quốc gia An toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2014 (Chương trình), KTNN đã phát hiện và kiến nghị xem xét một số bất cập về cơ chế, chính sách trong thực hiện Chương trình. Ghi nhận của phóng viên Báo Kiểm toán cho thấy, những phát hiện và kiến nghị của KTNN đã được rà soát, khắc phục, sửa đổi kịp thời, góp phần hoàn thành các mục tiêu Chương trình đề ra trong giai đoạn 2011-2015.




Công tác tập huấn về an toàn vệ sinh lao động còn nhiều bất cập. Ảnh: TS

Khắc phục sự trùng lắpđối tượng tập huấn

Báo cáo kiểm toán chỉ ra rằng, trong công tác tập huấn về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) thuộc Chương trình có sự trùng lắp về đối tượng của các lớp tập huấn với các đối tượng quy định tại Thông tư 27/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18/3/2013 (Thông tư 27) của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) quy định về công tác huấn luyện ATVSLĐ, gây tốn kém về thời gian và kinh phí. Từ thực tế đó, KTNN kiến nghị Bộ LĐTB&XH nghiên cứu hướng dẫn việc rà soát các đối tượng của Chương trình để đảm bảo không bị trùng với các đối tượng theo quy định của Thông tư 27, nhằm tiết kiệm kinh phí.

Trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán về vấn đề này, đại diện cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình, ông Bùi Đức Nhưỡng - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTB&XH) - khẳng định phát hiện của KTNN là hoàn toàn chính xác. Theo ông Nhưỡng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do sự thay đổi của cơ chế, chính sách. Cụ thể, trước khi có Bộ luật Lao động năm 2012, người lao động thuộc Chương trình được cấp Giấy chứng nhận sau khi huấn luyện và kiểm tra đạt yêu cầu.

Tuy nhiên sau đó, thực thi quy định của Thông tư 27 hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động năm 2012, người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt phải có Chứng chỉ huấn luyện ATVSLĐ thay cho Giấy chứng nhận trước đó; nội dung huấn luyện cũng phải bổ sung cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội. Như vậy, trước khi làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, người lao động đã được huấn luyện và cấp Giấy chứng nhận từ Chương trình phải huấn luyện bổ sung để được cấp Chứng chỉ, gây tốn kém về thời gian và kinh phí như KTNN đã nêu.

Khắc phục bất cập này, trong triển khai Chương trình những năm tiếp theo, Bộ LĐTB&XH đã hướng dẫn bổ sung nội dung huấn luyện phù hợp quy định mới, đồng thời tổ chức huấn luyện và cấp Chứng chỉ ATVSLĐ (không cấp Giấy chứng nhận như trước).

Đặc biệt, theo ông Nhưỡng, kiến nghị của KTNN là một trong những căn cứ quan trọng để Bộ LĐTB&XH đề xuất xây dựng và ban hành Luật ATVSLĐ năm 2015. Trong đó, các nội dung về huấn luyện ATVSLĐ được sửa đổi rất nhiều. Nội dung này được quy định chi tiết tại Nghị định 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ (quy định chi tiết một số điều của Luật ATVSLĐ về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện ATVSLĐ và quan trắc môi trường lao động).

Theo đó, Nghị định đã loại bỏ sự trùng lắp trên và thừa nhận kết quả huấn luyện ATVSLĐ thuộc Chương trình, dự án của Nhà nước hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam nếu đảm bảo điều kiện tổ chức huấn luyện theo quy định tại Nghị định. Người tham dự tập huấn được cấp Giấy chứng nhận huấn luyện, Thẻ an toàn (thay cho chứng chỉ); đồng thời quy định các điều khoản chuyển tiếp khi thời hạn chứng chỉ, chứng nhận huấn luyện còn hiệu lực. Đến nay, Thông tư 27 cũng đã hết hiệu lực.

Linh hoạt trong giao chỉ tiêu đào tạo

Cũng theo kết quả kiểm toán, trong thực hiện Chương trình, việc phân bổ chỉ tiêu đào tạo tối thiểu cho từng địa phương theo Công văn 730/LĐTBXH-ATLĐ của Bộ LĐTB&XH chưa căn cứ vào số lượng DN trên địa bàn dẫn đến không huy động đủ học viên đi học. Để khắc phục bất cập này, KTNN kiến nghị Bộ rà soát lại các chỉ tiêu phân bổ cho các địa phương tại Công văn 730 để triển khai trong giai đoạn tiếp theo phù hợp với thực tế địa phương.

Thừa nhận bất cập này, Phó Cục trưởng Bùi Đức Nhưỡng lý giải, thực tế triển khai, một số địa phương chưa đạt được mục tiêu theo kế hoạch là do nhiều nguyên nhân như: năng lực tổ chức thực hiện; sự biến động của tình hình kinh tế trong năm (nhiều DN, cơ sở sản xuất giải thể, một số DN hoạt động trong lĩnh vực nguy cơ cao về tai nạn lao động ít việc nên ít lao động, người lao động chuyển nghề mới…).

Khắc phục các tồn tại trên, Bộ LĐTB&XH đã rà soát các chỉ tiêu làm căn cứ đề xuất kinh phí hỗ trợ các địa phương năm 2016 khi thực hiện Dự án “Tăng cường an toàn lao động” thuộc Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp, việc làm và an toàn lao động giai đoạn 2016-2020.

Cũng từ kiến nghị kiểm toán, Chương trình đã xây dựng phương pháp mới trong đánh giá chỉ tiêu huấn luyện an toàn lao động, trong đó việc đánh giá phải tính tới biến động của tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và của chính địa phương; bổ sung nguyên tắc rất “động” đó là cho phép địa phương linh hoạt, điều chuyển trong thực hiện chỉ tiêu chỉ số được giao (có thể tăng chỉ số này, giảm chỉ số kia) nhưng phải báo cáo về Bộ LĐTB&XH trước khi thực hiện.

“Từ kiến nghị kiểm toán, Ban chỉ đạo Chương trình cũng rút ra bài học, đó là trong quá trình đánh giá các địa phương thực hiện Chương trình không quá nguyên tắc, cứng nhắc mà phải căn cứ trên điều kiện chủ quan, khách quan thực tiễn địa phương để đánh giá” - ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Đ.KHOA - T.ĐỨC

Cùng chuyên mục
Kiểm toán Chương trình quốc gia An toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2014 - Kỳ III: Khắc phục những bất cập về chính sách