Người sử dụng lao động ngày càng quan tâm hơn đến điều kiện làm việc cho người lao động. Người lao động đã có ý thức tự bảo vệ mình. Ngoài ra, đa số người được phỏng vấn cho rằng, các hoạt động triển khai là phù hợp và mong muốn Chương trình được triển khai ở giai đoạn tiếp theo.
Tuy nhiên, đánh giá về các mục tiêu Chương trình đề ra, theo số liệu kiểm toán, đến năm 2014, tính trên tổng thể cả nước Chương trình mới hoàn thành được 1/7 mục tiêu, đó là đến năm 2015 có trên 1.000 làng nghề, 5.000 hợp tác xã, 30.000 DN nhỏ và vừa được phổ biến thông tin phù hợp về an toàn, vệ sinh lao động (đến năm 2014, Chương trình đã phổ biến thông tin cho 5.000 làng nghề, 28.000 hợp tác xã, 157.000 DN); còn 6/7 mục tiêu chưa đạt.
Đối với công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, Chương trình xác định: “Trung bình hàng năm tăng 5% số cơ sở tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, tăng 5% so người lao động khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, tăng 3% số cơ sở được giám sát môi trường lao động”. Tuy nhiên, theo báo cáo kiểm toán, chỉ tiêu số cơ sở tổ chức khám sức khỏe định kỳ chưa đạt mục tiêu (trung bình hàng năm tăng 0,2%, chỉ đạt 4% kế hoạch); 3/7 tỉnh được kiểm toán chi tiết chưa đạt chỉ tiêu tăng số người lao động khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; 1/7 tỉnh chưa đạt chỉ tiêu tăng số cơ sở được giám sát môi trường lao động. Đặc biệt, năm 2014, các chỉ tiêu thực hiện của cả nước đều giảm sút. KTNN kiến nghị, các địa phương chưa đạt cần quan tâm đầu tư đúng mức cho các chỉ tiêu này; Bộ Y tế cần xác định nguyên nhân và có biện pháp khắc phục để hoàn thành mục tiêu.
Tương tự, đối với mục tiêu: “Trung bình hàng năm tăng thêm 2.000 DN nhỏ và vừa áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động”, kết quả kiểm toán cho thấy, toàn Chương trình đến hết năm 2014 có 7.446 DN áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động (đạt 93,08% kế hoạch); riêng năm 2014, cả nước có 1.187 DN áp dụng hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động, so với năm 2013 giảm 920 DN (năm 2013 có 2.107 DN). Như vậy, đến hết năm 2014, Chương trình cũng chưa hoàn thành mục tiêu này.
Về công tác tập huấn, kết quả kiểm toán cho thấy, Chương trình đã hoàn thành 2/3 chỉ tiêu (hàng năm trên 40.000 người làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; 10.000 người làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được hỗ trợ huấn luyện). Riêng chỉ tiêu về huấn luyện cán bộ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động tại DN mới đạt 65% kế hoạch. KTNN cho rằng, trong năm 2015 Chương trình cần tập trung nguồn lực mở các lớp tập huấn cho 70.500 cán bộ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động tại DN mới hoàn thành được mục tiêu này.
Về mục tiêu người lao động đã xác nhận bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng lao động; số vụ tai nạn lao động chết người được điều tra, xử lý, theo số liệu tổng hợp Chương trình, giai đoạn 2011-2014 cả hai mục tiêu trên đều đạt 100%. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán chỉ ra, có địa phương còn chưa đạt kế hoạch và số liệu tổng hợp của Chương trình so với số liệu của các địa phương và các ngành liên quan chưa thống nhất, cần rút kinh nghiệm nếu triển khai Chương trình ở giai đoạn tiếp theo.
(Kỳ sau đăng tiếp)