Kinh phí chưa đáp ứng nhu cầu…
Chương trình quốc gia về An toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2011-2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2281/QĐ-TTg ngày 10/12/2010, trên cơ sở tiếp nối Chương trình quốc gia về Bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2006-2010. Mục tiêu của Chương trình là cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động; ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người lao động; tài sản của Nhà nước, DN, tổ chức, góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia.
Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước với tổng nguồn vốn dự kiến cho cả giai đoạn là 730 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 680 tỷ đồng, ngân sách địa phương 50 tỷ đồng. Nguồn vốn nhà tài trợ cung cấp gồm 50 triệu Curron Đan Mạch (DKK) là vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Đan Mạch theo Hiệp định sẽ được hoà chung vào NSNN để cấp cho Chương trình. Trong đó, nguồn vốn được phân bổ trong năm 2014 là 61 tỷ đồng (ngân sách trung ương 42 tỷ đồng, ngân sách địa phương 19 tỷ đồng).
Kết quả kiểm toán việc huy động nguồn lực cho Chương trình cho thấy, nguồn vốn ngân sách trung ương (vốn sự nghiệp) bố trí thực hiện Chương trình giai đoạn 2011-2014 là gần 414,2 tỷ đồng, trong đó Chính phủ Đan Mạch đóng góp 49,2 triệu DKK (tương đương 183,2 tỷ đồng), chiếm 44,24% tổng kinh phí, đóng góp của Chính phủ Việt Nam chiếm 55,76% tổng kinh phí. Như vậy, đến năm 2014, Chính phủ Việt Nam đã cố gắng bố trí vốn đối ứng, đảm bảo vượt tỷ lệ mức vốn hỗ trợ thỏa thuận với Chính phủ Đan Mạch theo Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ.
Tuy nhiên, kinh phí bố trí cho Chương trình chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực tế. Tính đến hết năm 2014, nguồn ngân sách trung ương bố trí cho Chương trình mới đạt 63,7% so với dự kiến. Trong khi đó, việc bố trí ngân sách địa phương và huy động đóng góp của các DN tham gia thực hiện Chương trình còn hạn chế. Ngân sách địa phương bố trí chủ yếu phục vụ Tuần lễ Quốc gia về An toàn lao động - Phòng chống cháy nổ; 6/7 tỉnh được kiểm toán chi tiết bố trí nguồn ngân sách địa phương chưa đạt so với đề án do địa phương lập.
Đóng góp của DN mới chỉ dừng lại ở các hoạt động như: Tự chi trả tiền công tác phí, tiền lương cho người lao động khi đi tập huấn; tự chi trả chi phí cải thiện điều kiện lao động, chi phí vận hành hệ thống quản lý an toàn lao động tại các DN… Đặc biệt, trong năm 2014, nguồn kinh phí giảm nhiều so với năm trước (dự toán kinh phí giao cho Chương trình chỉ bằng 34% so với tổng nhu cầu kinh phí năm 2014) dẫn đến các đơn vị thiếu kinh phí, việc thực hiện các dự án của Chương trình gặp nhiều khó khăn. Điển hình như Dự án 2 - Phòng chống bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động, trong năm 2014 kinh phí được cấp giảm hơn 70% so với năm 2013, chỉ có 25/63 tỉnh, thành phố trọng điểm được phân bổ kinh phí để thực hiện các nội dung của Dự án.
Kinh phí bố trí cho Chương trình Quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực tế. Ảnh: TS
… nhưng vẫn chi không hết
Mặc dù kinh phí Chương trình còn hạn chế song kết quả kiểm toán chi tiết cho thấy, một số đơn vị không sử dụng hết kinh phí, phải hủy bỏ dự toán 925 triệu đồng (ngân sách Trung ương 789 triệu đồng, tài trợ 136 triệu đồng). Cùng với đó, số kinh phí phải chuyển nguồn sang năm sau khá lớn với số tiền hơn 5,7 tỷ đồng.
Qua kiểm toán cho thấy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một số Bộ, ngành, Trung ương và địa phương trong quá trình thực hiện chưa điều chỉnh dự toán kịp thời, phải hủy bỏ dự toán; một số địa phương xây dựng và phê duyệt Chương trình giai đoạn 2011-2015 còn chậm như: Nam Định, Yên Bái phê duyệt tháng 9/2011; Thừa Thiên - Huế phê duyệt tháng 11/2011; Hải Dương phê duyệt tháng 12/2011…
Bên cạnh đó, có đơn vị giao kinh phí và triển khai các hoạt động của Chương trình rất chậm (Bộ Xây dựng tháng 5/2014 mới phân bổ dự toán).
Đặc biệt, công tác đôn đốc thực hiện có lúc chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến các hoạt động, nhiệm vụ được giao không thực hiện đúng tiến độ. Tại Bộ Xây dựng, năm 2014 mới thực hiện được các nội dung của Chương trình năm 2013 và 53% nội dung của năm 2014. Cũng tại Bộ Xây dựng, có tới 11 hợp đồng thực hiện từ năm 2012, đến thời điểm kiểm toán (tháng 6/2015) đã thực hiện xong, có đủ hồ sơ thanh toán, nghiệm thu, thanh lý hợp đồng nhưng vẫn chưa hoàn thiện thủ tục quyết toán nên còn treo số dư tạm ứng phải chuyển nguồn gần 1,6 tỷ đồng.
Từ kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị, các đơn vị chủ trì dự án nghiên cứu giải pháp để tăng cường và phát huy sự đóng góp của DN, cơ sở, hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế trong việc triển khai Chương trình. Đối vối các địa phương, cần khắc phục hạn chế trong công tác lập kế hoạch, giao dự toán đảm bảo kịp thời, sát thực tế; đồng thời tăng cường huy động bố trí ngân sách địa phương và hỗ trợ của DN để đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình. Đối với những tồn tại tại Bộ Xây dựng, KTNN kiến nghị Tiểu ban quản lý Dự án đôn đốc, yêu cầu các cá nhân liên quan hoàn thành việc quyết toán các hợp đồng từ năm 2012, 2013 còn treo tạm ứng phải chuyển nguồn; rà soát các khoản tạm ứng quá hạn nhưng không triển khai thực hiện để thu hồi nộp ngân sách.
(Kỳ sau đăng tiếp)