Kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015- Kỳ IV: Tiếp nhận, chuyển giao, quản lý vốn nhà nước tại SCIC còn bất cập

(BKTO) - Qua kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015, KTNN thẳng thắn chỉ rõ việc quản lý đầu tư vốn của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chưa hiệu quả; đồng thời, hiệu quả quản lý vốn đối với các DN mà SCIC tiếp nhận từ các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố cũng không cao.




SCIC đã đầu tư trên489tỷ đồng mua cổ phiếu của Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng. Ảnh: TS
Quản lý và đầu tư vốn của SCIC chưa hiệu quả

Những dẫn chứng điển hình về việc quản lý đầu tư vốn của SCIC chưa hiệu quả đã được KTNN nêu ra, như Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam trên 35 tỷ đồng (các số liệu được làm tròn) hiện đã dừng đầu tư do dự án không hiệu quả; SCIC năm 2015 đã đầu tư theo nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là 6.000 tỷ đồng, bao gồm khoản mua trái phiếu chính phủ 5.000 tỷ đồng và đầu tư góp vốn vào Dự án Công ty cổ phần (CP) Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II với số vốn 1.000 tỷ đồng, đến thời điểm kết thúc kiểm toán, dự án chưa tái khởi động nên vẫn chưa giải ngân.

Ngoài ra, một số khoản do SCIC tự đầu tư cũng chưa có hiệu quả như: góp vốn vào Công ty TNHH Đầu tư Bảo Việt - SCIC (sau là SCIC - Bảo Việt) 190 tỷ đồng từ năm 2009 để hợp tác thực hiện Dự án Tháp tài chính quốc tế nhưng dự án vẫn chưa được triển khai; đầu tư mua 571 tỷ đồng cổ phiếu của Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh nhưng mới nhận được 1 lần cổ tức với mức 5% (năm 2012), tương đương 25,7 tỷ đồng; đầu tư mua 489 tỷ đồng mua cổ phiếu của Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng nhưng mới nhận được cổ tức 5,5% năm 2013 và 6% năm 2014, tương đương tổng số tiền 51 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, KTNN đánh giá, hiệu quả quản lý vốn đối với các DN mà SCIC tiếp nhận từ các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố cũng chưa cao, một số đơn vị kinh doanh thua lỗ, mất vốn. Theo thống kê, có 3 công ty TNHH MTV và 22 công ty CP sản xuất kinh doanh thua lỗ; 2 đơn vị âm vốn chủ sở hữu; 38 công ty không chia cổ tức; 9 công ty hoạt động kinh doanh thua lỗ và âm vốn chủ sở hữu; 35 đơn vị hoạt động kinh doanh năm 2014 hoặc 6 tháng 2015 thua lỗ.

Đối với công tác chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN về SCIC, KTNN cho rằng sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, UBND các tỉnh với SCIC chưa tốt và chưa có sự đồng thuận về việc bàn giao. Do đó, việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn về SCIC diễn ra chậm.

Cụ thể, tổng số DN thuộc đối tượng chuyển giao về SCIC là 208 DN, trong đó có 63 DN đang sắp xếp, chuyển đổi. Còn lại 145 DN thuộc đối tượng chuyển giao về SCIC thì có 3 DN đang hoàn thiện chuyển giao; 37 DN đã gửi hồ sơ nhưng SCIC chưa tiếp nhận (trong đó 20 DN chưa có đầy đủ hồ sơ; 9 DN có kết quả kinh doanh thua lỗ, mất một phần hoặc toàn bộ vốn nhà nước; 7 DN đang còn những tồn tại về mặt pháp lý, công nợ; 1 DN đã hai lần thực hiện tăng vốn điều lệ kể từ thời điểm hoàn thành CP hóa), còn lại 105 DN chưa gửi hồ sơ tiếp nhận về SCIC.

KTNN đã chỉ ra rằng, có hiện tượng bán bớt phần vốn nhà nước tại các công ty con, công ty liên kết trước khi bàn giao, dẫn đến việc thực hiện mục tiêu quản lý, đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước tại DN gắn với quá trình tích tụ, tập trung vốn nhà nước vào các ngành, lĩnh vực quan trọng chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Nhiều bất cập lộ rõqua lăng kính KTNN

Trong giai đoạn 2011-2015, một mặt Chính phủ ban hành nhiều công văn đôn đốc, nhắc nhở, yêu cầu bàn giao về SCIC, nhưng mặt khác lại ban hành nhiều công văn cá biệt cho phép một số Bộ, UBND các tỉnh giữ quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại một số DN, hoặc cho phép tạm thời chưa bàn giao, thậm chí cho phép bán một phần hoặc toàn bộ vốn nhà nước tại DN thuộc diện bàn giao.

Chẳng hạn, Chính phủ đã cho phép Bộ Công Thương bán toàn bộ hơn 122 triệu cổ phiếu tại Tổng công ty CP Thiết bị điện Việt Nam - đến ngày 25/12/2015 đã thoái vốn toàn bộ; Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Giao thông vận tải thoái vốn tại toàn bộ 10 tổng công ty thuộc diện bàn giao - đến nay đã bán Cienco 1, Cienco 4; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bán hết vốn nhà nước tại Công ty TNHH Côn Đảo; UBND tỉnh Điện Biên đã đưa vào danh mục thoái vốn Công ty CP Dược vật tư y tế Điện Biên. Chính vì thế, KTNN nhấn mạnh, công tác hướng dẫn, chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền chưa đồng bộ, nhất quán.

Cũng trong thời gian qua, Chính phủ đã thí điểm giao cho Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DN trực thuộc UBND TP.HCM, tuy nhiên đến nay mô hình thí điểm vẫn chưa được tổng kết, đánh giá để có định hướng rõ ràng. Còn TP.Hà Nội không được Thủ tướng Chính phủ giao cơ chế thí điểm thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN đã CP hóa trên địa bàn, nhưng đến nay Hà Nội cũng chưa thực hiện bàn giao các DN về SCIC theo quy định.

Do đó, KTNN cho rằng, việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong thời gian qua đã đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước tại DN, chuyển từ quản lý hành chính sang kinh doanh vốn, tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc chuyển giao cho SCIC quản lý vốn nhà nước tại các DN còn có nhiều bất cập, cần phải tiếp tục nghiên cứu.

Đồng thời, KTNN chỉ rõ 3 nguyên nhân các Bộ, ngành, UBND các tỉnh giữ lại các DN, trì hoãn việc bàn giao các DN về SCIC. Một là do có lợi ích từ những DNNN thuộc diện chuyển giao, muốn giữ DNNN làm công cụ của Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành theo Đề án tái cơ cấu ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hai là do SCIC quan tâm nhiều đến quản lý kinh doanh vốn mà chưa làm tốt việc quản lý về chuyên môn ngành nghề, đặc biệt đối với DN có tính chuyên ngành cao về kinh tế - kỹ thuật, DN gắn chặt với an ninh, chính trị của địa phương, DN công ích, nông, lâm trường quốc doanh. Nhiều DN chuyển về SCIC để bán vốn nhà nước hoặc thực hiện thay thế bộ máy lãnh đạo DN, ảnh hưởng đến sự phát triển của DN, không giải quyết tốt chính sách cho người lao động… dẫn đến các Bộ, ngành, địa phương có tâm lý không muốn bàn giao để SCIC bán vốn mà xin phép thực hiện bán vốn trước khi bàn giao.

Ba là, theo quy định hiện hành thì SCIC chỉ tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại những DN tốt mà không thực hiện tiếp nhận những DN có kết quả kinh doanh thua lỗ, mất một phần hoặc toàn bộ vốn nhà nước, hoặc đang còn những tồn tại về mặt pháp lý, công nợ, dẫn đến việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước chưa được triệt để.
(Kỳ sau đăng tiếp)
PHÚC KHANG
Cùng chuyên mục
Kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015- Kỳ IV: Tiếp nhận, chuyển giao, quản lý vốn nhà nước tại SCIC còn bất cập