Kiểm toán công tác quản lý, sử dụng đất đai luôn là ưu tiên hàng đầu của Kiểm toán Nhà nước

(BKTO) - Công tác quản lý, sử dụng đất đai đang được đánh giá là một trong những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, thất thoát nhất hiện nay. Chính vì vậy, trong kế hoạch kiểm toán của KTNN những năm gần đây, lĩnh vực này luôn được ưu tiên đặt lên hàng đầu. Riêng trong năm 2019, công tác quản lý, sử dụng đất được KTNN thực hiện kiểm toán bằng các chuyên đề chuyên sâu và có quy mô lớn.



Đất đai luôn là lĩnh vực xảy ra nhiều sai phạm lớn

Kết quả kiểm toán thời gian qua cho thấy, nguyên nhân của sự thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực đất đai rất đa dạng, phụ thuộc vào từng đơn vị, từng địa phương. Về mặt khách quan, lợi nhuận từ đất đai thường rất lớn, đan xen giữa nhiều đối tượng và thành phần trong xã hội, do đó, việc quản lý là hết sức khó khăn, đòi hỏi sự đồng bộ về cơ chế, chính sách cũng như trách nhiệm quản lý của các cấp, các ngành trong toàn bộ hệ thống chính trị. Về mặt chủ quan, việc quản lý và sử dụng đất tại nhiều đơn vị, địa phương còn thiếu chặt chẽ, chưa áp dụng đầy đủ và đúng các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các quy định hiện hành về quản lý và sử dụng đất đai cũng còn nhiều vướng mắc, bất cập và thiếu đồng bộ.

Kết quả kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất dự án khu đô thị giai đoạn 2013-2016 tại 7 tỉnh, thành phố (Hà Nội, TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Lào Cai, Sầm Sơn, thị xã Cam Ranh) và chọn mẫu đối chiếu tại 30 địa phương cho thấy rõ công tác quản lý và thu tiền sử dụng đất đô thị còn nhiều vấn đề đáng quan ngại. Đó là: Đa số các dự án đã được phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch theo xu hướng tăng số tầng, vượt quá số tầng và chiều cao tầng so với quy định, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại, văn phòng, giảm diện tích công cộng, cây xanh… Đây là yếu tố cơ bản gây áp lực lớn tới hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là giao thông đô thị, y tế, giáo dục, làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của cộng đồng dân cư…

Các dự án được chỉ định nhà đầu tư không đúng quy định; đặc biệt có tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất từ thương mại dịch vụ sang “đất ở không hình thành đơn vị ở”, xác định người mua biệt thự, căn hộ sử dụng đất ổn định lâu dài, không đúng Luật Đất đai.
Phương pháp xác định giá đất hiện nay còn nhiều bất cập, không rõ ràng, còn vướng mắc trong quá trình thực hiện và là kẽ hở gây thất thoát NSNN.

Qua kết quả kiểm toán, đối chiếu 329 dự án ở thời điểm năm 2017, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 7.778 tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi NSNN 3.856 tỷ đồng.

Một vài năm qua, KTNN cũng đã lựa chọn kiểm toán khoảng 30 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), trong đó có các dự án thực hiện theo cơ chế đổi đất lấy hạ tầng. Các cuộc kiểm toán cho thấy, nhiều dự án BT còn thực hiện thiếu chặt chẽ và minh bạch; chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng nên dễ tạo lỗ hổng thất thoát ngân sách và tài sản công.

Với kết quả kiểm toán 30 dự án BT, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỷ đồng, trong đó có dự án xử lý tài chính lên đến 27% tổng giá trị dự án được kiểm toán. Theo KTNN, các dự án BT cần được công khai thông tin một cách thực chất, chi tiết; việc lựa chọn nhà đầu tư phải theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo cạnh tranh và hiệu quả đầu tư dự án. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo hình thức BT cũng cần được hoàn thiện, đặc biệt là quy định về việc thanh toán, cách tính cũng như tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư, tỷ lệ vốn chủ sở hữu, vốn vay và tỷ lệ chi phí quản lý dự án, chi phí duy tu bảo trì đối với các dự án BOT.

Đẩy mạnh kiểm toánđất đai bằng các chuyên đề có quy mô lớn

Kế thừa kết quả đạt được trong những năm qua, năm 2019, KTNN tiếp tục xác định việc kiểm toán công tác quản lý sử dụng đất là một trọng tâm kiểm toán, nhằm đẩy mạnh quá trình minh bạch hoá trong quản lý đất đai theo chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh các hoạt động kiểm toán tài chính và kiểm toán các chuyên đề nhỏ lẻ về quản lý, sử dụng đất, KTNN còn thực hiện những chuyên đề có quy mô lớn và chuyên sâu về công tác quản lý, sử dụng đất. Cụ thể:Kiểm toán chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa của DNNN giai đoạn 2011-2017” theo yêu cầu của Quốc hội với trọng tâm kiểm toán tập trung đánh giá việc chấp hành pháp luật khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong và sau cổ phần hóa; việc lập, phê duyệt và thực hiện phương án sử dụng đất được duyệt; việc xác định giá đất và thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất vào NSNN khi chuyển mục đích sử dụng đất của các DN cổ phần hóa giai đoạn 2011-2017.

Kiểm toán chuyên đề “Việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức BT” tại 4 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và lồng ghép chuyên đề này trong các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương thuộc kế hoạch kiểm toán năm 2019 để đánh giá việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao; đánh giá việc tuân thủ các quy định của Luật Đất đai về sử dụng quỹ đất để tạo nguồn vốn thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện hợp đồng BT; lựa chọn nhà đầu tư và ký kết thỏa thuận đầu tư, hợp đồng dự án; triển khai thực hiện và quyết toán dự án…

Bên cạnh các mục tiêu kiểm toán chung của toàn Ngành, các cuộc kiểm toán chuyên đề về quản lý và sử dụng đất đai năm 2019 sẽ ưu tiên tập trung vào việc phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, kiến nghị xử lý tài chính, tăng thu NSNN các khoản phải nộp tăng thêm; kịp thời chuyển cơ quan điều tra đối với các sai phạm có dấu hiệu vi phạm hình sự để xử lý theo thẩm quyền; phát hiện những vướng mắc, hạn chế trong cơ chế, chính sách và kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, hoặc ban hành các văn bản mới nhằm bịt các lỗ hổng gây thất thoát NSNN.

TRẦN NGUYÊN
Theo Báo Kiểm toán số 32 ra ngày 08-8-2019
Cùng chuyên mục
Kiểm toán công tác quản lý, sử dụng đất đai luôn là ưu tiên hàng đầu của Kiểm toán Nhà nước