Kiểm toán điều tra - lĩnh vực kiểm toán mới cần được phát triển

(BKTO) - Theo định hướng của Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, đối với lĩnh vực kiểm toán điều tra, trước mắt, Kiểm toán nhà nước (KTNN) cần tập trung vào nội dung phòng, chống tiêu cực, lãng phí và tiếp tục tăng cường phối hợp chuyển hồ sơ có dấu hiệu phạm tội được phát hiện trong quá trình kiểm toán sang cơ quan điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng.

t14.jpg
Các KTV nhà nước cần duy trì thái độ thận trọng trong suốt quá trình kiểm toán. Ảnh tư liệu

Lĩnh vực kiểm toán mới đóng vai trò quan trọng

TS. Lê Hoài Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) - cho biết, những năm gần đây, kiểm toán điều tra là vấn đề mới, nhận được nhiều sự quan tâm trong lĩnh vực công và lĩnh vực tư, đặc biệt là đối với lĩnh vực kiểm toán nội bộ và quản trị của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn.

Trong đó, các doanh nghiệp lớn thường thành lập các đoàn kiểm toán điều tra để thực hiện việc kiểm tra, phát hiện các gian lận, biển thủ tài sản hoặc gian lận về tài chính, kế toán của các tập đoàn, phục vụ kịp thời cho việc cung cấp thông tin và xử lý của các cơ quan thực thi pháp luật như: Tòa án, cơ quan điều tra.

Do đó, kiểm toán điều tra được hiểu theo nghĩa phổ biến hiện nay là việc kiểm tra và đánh giá hồ sơ tài chính, kế toán của một đơn vị hoặc cá nhân để đưa ra các bằng chứng có thể được sử dụng tại tòa án hoặc thủ tục tố tụng.

Tuy nhiên, trong vai trò Trưởng Nhóm công tác về kiểm toán lĩnh vực mới của KTNN, TS. Lê Hoài Nam cho biết, việc áp dụng kiểm toán điều tra vào lĩnh vực công hiện nay vẫn chưa được đề cập chính thức trong các hướng dẫn và chuẩn mực kiểm toán của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI), song các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) vận dụng và xem xét kiểm toán điều tra dưới nhiều góc độ và cách tiếp cận khác nhau.

Từ thực tế này, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu, Nhóm công tác về kiểm toán lĩnh vực mới của KTNN cần nghiên cứu cụ thể hơn cơ sở lý luận và thực tiễn triển khai các lĩnh vực kiểm toán mới, trong đó có lĩnh vực kiểm toán điều tra, tại các SAI tiên tiến trên thế giới để xây dựng thành các tài liệu, tổ chức phổ biến, học tập trong Ngành và có những đề xuất, kiến nghị giải pháp phù hợp với KTNN.

Đồng thời, Vụ Tổ chức cán bộ (KTNN) cần phối hợp với Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, các đơn vị liên quan cùng xây dựng Chiến lược phát triển nguồn nhân lực của KTNN đảm bảo về cơ cấu, số lượng, chất lượng phù hợp với lộ trình phát triển của KTNN.

Thủ trưởng các đơn vị trong Ngành cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, khuyến khích công chức trong đơn vị thường xuyên học tập, cập nhật kiến thức và kinh nghiệm quốc tế trong các lĩnh vực kiểm toán mới, nhất là lĩnh vực kiểm toán điều tra trong giai đoạn hiện nay.

Kiểm toán điều tra theo hướng dẫn của INTOSAI

Theo TS. Lê Hoài Nam, hiện nay, INTOSAI chưa có các hướng dẫn trực tiếp về kiểm toán điều tra, cũng như chưa có tài liệu hướng dẫn chính thức về vấn đề này.

Tuy nhiên, liên quan đến kiểm toán điều tra dưới góc độ là việc kiểm tra sâu các lĩnh vực để tham gia vào kiểm tra các sai phạm nhằm phục vụ công tác điều tra và tố tụng, INTOSAI hiện có 2 nhóm hướng dẫn.

Nhóm thứ nhất liên quan đến Hướng dẫn về kiểm toán phòng, chống tham nhũng, được ban hành tại Hướng dẫn số 5270 của INTOSAI. Hiện hướng dẫn này đang được sửa đổi và dự kiến sẽ ban hành hướng dẫn mới tại Chuẩn mực kiểm toán số 5700, tuy nhiên, Hướng dẫn số 5270 vẫn đang có hiệu lực.

INTOSAI khẳng định các SAI có vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng; coi phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ của các SAI. Vì vậy, Hướng dẫn số 5270 của INTOSAI đã được ban hành.

Nhóm thứ hai là Hướng dẫn về trách nhiệm của kiểm toán viên (KTV) nhà nước liên quan đến gian lận trong cuộc kiểm toán tài chính tại Chuẩn mực kiểm toán số 2240 và các nội dung liên quan đến gian lận trong Chuẩn mực kiểm toán tuân thủ (ISSAI 400, 4000).

Đề cập cụ thể hơn, Nhóm công tác của KTNN cho biết, Hướng dẫn số 5270 được thiết kế để giúp KTV các SAI chuẩn bị và tiến hành kiểm toán chính sách và thủ tục chống tham nhũng trong các tổ chức chính phủ. Hướng dẫn nhấn mạnh các chính sách, cấu trúc và cơ chế, quy trình phòng, chống tham nhũng mà KTV có thể sử dụng.

Trong đó nhấn mạnh 7 thành phần chính của một quy trình chống tham nhũng hiệu quả, gồm: Văn hóa tổ chức thực hiện; Mục tiêu/chiến lược đề ra; Trách nhiệm của các tổ chức; Đánh giá rủi ro; Chương trình chống tham nhũng; Thông tin liên lạc - báo cáo về kết quả, phát hiện; Giám sát và sửa đổi.

Mặc dù không đề cập trực tiếp đến kiểm toán điều tra, song Hướng dẫn số 5270 cũng nêu một số quan điểm liên quan đến kiểm toán điều tra thông qua kết quả khảo sát của các SAI. Cụ thể, Hướng dẫn không đề cập đến các cuộc điều tra gian lận, mặc dù một số SAI có các đơn vị kiểm toán điều tra.

Trong hầu hết các trường hợp, SAI không tiến hành điều tra vì không có đủ kiến thức hoặc nguồn lực. Cơ quan điều tra có thể yêu cầu SAI ngừng thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực liên quan để không gây nguy hiểm cho những phát hiện của nhóm điều tra. Tuy nhiên, SAI cũng có thể được yêu cầu hợp tác, làm việc cùng nhóm điều tra.

Còn tại Chuẩn mực kiểm toán số 2240, INTOSAI nêu rõ, các KTV nhà nước cần duy trì thái độ thận trọng trong suốt quá trình kiểm toán. Khi thu được thông tin cho thấy có thể xảy ra gian lận, KTV cần xem xét liệu việc gian lận đó có thể ảnh hưởng đáng kể đến báo cáo tài chính hay không cả từ góc độ định tính và định lượng.

KTV cần thực hiện thảo luận trong nội bộ tổ và đoàn kiểm toán về các vấn đề nghi ngờ có gian lận, thực hiện các thủ tục đánh giá rủi ro có sai phạm trọng yếu do gian lận.

Trên cơ sở đó, cần có các giải pháp đối phó với các rủi ro có gian lận trọng yếu như bổ sung các thủ tục kiểm toán hoặc thiết kế các thủ tục kiểm toán phù hợp với đánh giá về mức độ rủi ro có sai sót trọng yếu từ gian lận.

Cùng với việc trao đổi với đơn vị được kiểm toán về các phát hiện kiểm toán, KTV cần báo cáo các hành vi có dấu hiệu gian lận (tương tự như trong kiểm toán tuân thủ).

Trong một số trường hợp, các SAI có nghĩa vụ chỉ ra các dấu hiệu gian lận cho các cơ quan điều tra và thậm chí hợp tác với các cơ quan đó để xác định xem gian lận có xảy ra không.

Song các KTV cần thận trọng để tránh can thiệp vào các cuộc điều tra hoặc tố tụng pháp lý. Hơn nữa, KTV cần xem xét sự cần thiết phải có được các thông tin tư vấn pháp lý trong các vấn đề liên quan đến dấu hiệu gian lận.

Việc báo cáo các dấu hiệu gian lận phát hiện qua kiểm toán phụ thuộc vào chức năng, nhiệm vụ của các SAI và quy định cụ thể tại từng quốc gia, nhưng thông thường các KTV báo cáo với các cấp quản lý cuộc kiểm toán để báo cáo cơ quan tố tụng hoặc cơ quan điều tra.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán điều tra - lĩnh vực kiểm toán mới cần được phát triển