KTNN đã chỉ ra nhiều hạn chế mà các DN cần khắc phục. Ảnh: NhưÝ
Nhiều tập đoàn, tổng công ty kinh doanh có lãi
Trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2018 tăng trưởng chậm lại, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho việc thành lập và hoạt động của DN, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh triển khai thực hiện các hiệp định thương mại nhằm tìm kiếm thị trường, thúc đẩy sản xuất trong nước. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả nổi bật.
Kết quả kiểm toán cho thấy, trong số 36 tập đoàn, tổng công ty, công ty được kiểm toán, có 31 tập đoàn, tổng công ty, công ty sản xuất kinh doanh có lãi. Đáng chú ý như lợi nhuận sau thuế năm 2018 của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đạt 6.185 tỷ đồng; Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) đạt 4.155 tỷ đồng; Tập đoàn Than - Khoáng sản (TKV) đạt 4.048 tỷ đồng; Vietnam Airlines đạt 2.633 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Cao su (VRG) đạt 2.476 tỷ đồng; Tổng công ty Xi măng (Vicem) đạt 1.927 tỷ đồng; Tổng công ty Thuốc lá (Vinataba) đạt 1.308 tỷ đồng; Saigontourist đạt 957 tỷ đồng… KTNN cũng ghi nhận và đánh giá, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, thu nhập bình quân của người lao động tại một số đơn vị đạt tương đối cao. Tiêu biểu như tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của ACV đạt 25%; Petrolimex 18%; Vinataba 14%; Dofico 14%; Sonadezi 12%; Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn 11%; Saigontourist 10%; TKV 10%... Tiền lương bình quân hằng tháng năm 2019 của Vietnam Airlines đạt 28,7 triệu đồng/người; Công ty mẹ - Sonadezi 27,6 triệu đồng/người; ACV 24,5 triệu đồng/người; Công ty Hudland (thuộc HUD) 24,3 triệu đồng/người; VRG 21 triệu đồng/người; VRG Bảo Lộc 19,7 triệu đồng/người …
Bất cập trong quản lý,sử dụng vốn, tài sản
Tuy nhiên, qua kiểm toán, KTNN cũng phát hiện nhiều hạn chế trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản của các DN. Trong đó, phần lớn các đơn vị còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với NSNN nên qua kiểm toán phải điều chỉnh tài sản, nguồn vốn tăng 1.929,63 tỷ đồng và điều chỉnh giảm 401,25 tỷ đồng; điều chỉnh tổng doanh thu, thu nhập tăng 960,58 tỷ đồng, giảm 677,59 tỷ đồng; điều chỉnh tổng chi phí tăng 651,52 tỷ đồng, giảm 1.001,55 tỷ đồng và kiến nghị tăng thu NSNN hơn 1.976 tỷ đồng. Nhiều đơn vị chưa ban hành quy chế quản lý tiền như: Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Vinh; Hanoitourist, Công ty Nước sạch Hà Nội, Công ty Hóa chất Việt Trì, Công ty Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao; Công ty Phân bón và Hóa chất Cần Thơ, Công ty Vicem Hoàng Thạch, Vicem Thương mại Xi măng, Vicem Vật tư vận tải xi măng. Bên cạnh đó, một số đơn vị quản lý dòng tiền chưa hiệu quả, có tổng công ty có số dư tiền gửi không kỳ hạn bình quân các tháng trong năm trên 331,7 tỷ đồng; có tổng công ty để số dư tiền gửi thanh toán bình quân ngày trên 230 tỷ đồng; một số đơn vị để số dư tiền gửi không kỳ hạn lớn. Công tác quản lý nợ chưa chặt chẽ, còn để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn - có đơn vị để phát sinh tới hơn 1.000 tỷ đồng. Việc trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, xóa nợ của một số đơn vị cũng thực hiện không đúng quy định.
Qua kiểm toán, KTNN chỉ rõ tình trạng một số đơn vị có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, cá biệt có đơn vị có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lên tới 73,72 lần; hệ số bảo toàn vốn thấp, chưa được góp đủ vốn điều lệ hoặc có vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ được phê duyệt nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định; có dấu hiệu mất an toàn tài chính hoặc đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt. Nhiều công ty con của các tập đoàn, tổng công ty sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ lớn, mất vốn chủ sở hữu, phải giải thể. Một số khoản đầu tư của tập đoàn, tổng công ty vào công ty liên kết, đầu tư dài hạn khác bị thua lỗ, mất vốn. Có những đơn vị đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả, chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài khi chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư; trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính không đúng quy định chi trả cổ tức chưa kịp thời; lập báo cáo giám sát, ban hành quy chế người đại diện vốn chưa đúng; tình trạng sở hữu chéo tại các DN trong cùng tập đoàn, tổng công ty chưa được khắc phục.
KTNN cũng nêu vấn đề một số đơn vị đã để vật tư, hàng hóa ứ đọng, chậm luân chuyển lớn; còn sai sót trong trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, khấu hao tài sản cố định. Việc đầu tư, sử dụng tài sản cố định của một số đơn vị không hiệu quả, như: Vicem Thạch cao Xi măng chậm tháo dỡ, thanh lý trạm nghiền Quảng Bình nguyên giá 9,73 tỷ đồng không sử dụng từ năm 2016; Vicem Hải Vân chậm xây dựng phương án điều chuyển và thanh lý máy móc nguyên giá 11,44 tỷ đồng không sử dụng từ năm 2015; Vicem Hà Tiên 1 có dây chuyền sản xuất vỏ bao trạm nghiền Phú Hữu nguyên giá 66,05 tỷ đồng, giá trị còn lại 20,21 tỷ đồng dừng hoạt động từ tháng 10/2018; Công ty Kinh doanh và Chế biến thực phẩm Hà Nội đầu tư dây chuyền giết mổ 5,51 tỷ đồng nhưng đến thời điểm kiểm toán đã dừng hoạt động… Ngoài ra, có một số dự án, công trình của các DN bất động sản, xây dựng, khai khoáng đã kết thúc, dừng thi công hoặc kéo dài thời gian thi công còn tồn đọng chi phí dở dang lớn, gây ứ đọng vốn. Việc quản lý chi phí, giá thành sản phẩm tại nhiều DN chưa chặt chẽ, định mức sản xuất kinh doanh chưa phù hợp với thực tế, chưa ban hành quy định về phân phối tiền lương, trích quỹ lương vượt quy định, chi vượt quỹ lương được duyệt, chưa đóng đầy đủ các loại bảo hiểm bắt buộc cho người lao động…
Qua kiểm toán 36 tập đoàn, tổng công ty năm 2019, KTNN đã chỉ rõ 1 tập đoàn không có khả năng thanh toán khoản vay đến hạn, con số nợ gốc và lãi quá hạn tại thời điểm 31/12/2019 đã lên tới 1.020,9 tỷ đồng; 1 tập đoàn khác bảo lãnh cho các công ty vay vốn tại các tổ chức tín dụng và đã phải trả nợ thay chưa thu hồi 200,68 tỷ đồng. |