Bất cập hàng chục tỷ đồng từ các Quỹ của tỉnh Thanh Hóa

(BKTO) - Hơn 74 tỷ đồng trồng rừng thay thế phát sinh phải nộp chưa nộp về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng; 57,19 tỷ đồng Quỹ Phát triển đất chưa quản lý trên tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, 12,05 tỷ đồng hỗ trợ trồng rừng sản xuất chưa phù hợp… Đây là những con số từ kết quả kiểm toán ngân sách địa phương năm 2022 và các chuyên đề lồng ghép của tỉnh Thanh Hóa.

0.jpg
Năm 2023, KTNN đã thực hiện kiểm toán ngân sách địa phương năm 2022 và các chuyên đề lồng ghép của tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: ST

Triển khai kế hoạch kiểm toán năm 2023, KTNN đã thực hiện kiểm toán ngân sách địa phương năm 2022 và các chuyên đề lồng ghép: “Việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2020-2022; việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ giai đoạn 2020-2022; việc quản lý, sử dụng các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do địa phương quản lý giai đoạn 2020-2022” của tỉnh Thanh Hóa. Kết quả kiểm toán đã chỉ rõ hàng loạt bất cập, hạn chế từ các Quỹ và lĩnh vực khoa học công nghệ của tỉnh này.

Chưa nộp về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng 74,29 tỷ đồng trồng rừng thay thế phát sinh phải nộp

Đối với nguồn thu Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, KTNN cho hay, còn đơn vị thuộc đối tượng quản lý thu tiền dịch vụ môi trường rừng chưa thực hiện đàm phán ký hợp đồng. Một số đơn vị chậm nộp tiền dịch vụ môi trường rừng.

Đáng nói, tiền trồng rừng thay thế phát sinh phải nộp giai đoạn 2020-2022 chưa nộp về Quỹ là 74,29 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mức thu tiền trồng rừng thay thế trong giai đoạn 2020-2022 áp dụng theo đơn giá cố định, chưa điều chỉnh về thời điểm chủ dự án đề nghị UBND cấp tỉnh chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế

Trước 15/9/2015, UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn phê duyệt phương án nộp tiền trồng rừng thay thế về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh số tiền 25,44 tỷ đồng chưa phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 3, Điều 5 và khoản 3, khoản 4 Điều 6 Thông tư 24/2013/TT-BNNPTNT ngày 06/05/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đối với tiền dịch vụ môi trường rừng, kết quả kiểm toán chỉ rõ: Xác định thời điểm tính số thực thu làm cơ sở xác định tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2020, 2021 chưa phù hợp; số thu vượt kế hoạch năm 2020, 2021 không thực hiện chi trong năm; thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng còn chậm.

Cùng với đó, xác định thời điểm tính số thực thu làm cơ sở xác định kinh phí dự phòng của năm 2020, 2021 chưa phù hợp quy định. Thậm chí, giai đoạn 2020-2021, tỉnh áp dụng hệ số chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng K=1 cho tất cả các đối tượng rừng mà không căn cứ trên các hệ số K thành phần theo hướng dẫn tại khoản 2 Mục II Phụ lục VII Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ.

Đối với tiền trồng rừng thay thế, KTNN cho biết, giai đoạn 2016-2017, UBND tỉnh hỗ trợ 11,36 tỷ đồng trồng rừng sản xuất chưa phù hợp theo điểm 3 khoản 5 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BNNPTNT ngày 29/07/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (chỉ được bố trí để trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng).

Giai đoạn 2020-2021, UBND tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ 12,05 tỷ đồng trồng rừng sản xuất chưa phù hợp theo điểm d khoản 6 Điều 4 Thông tư số 13/2019/TT-BNNPTNT ngày 25/10/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong khi địa phương vẫn còn quỹ đất trống để trồng rừng đặc dụng và rừng phòng hộ.

Ngoài ra, 2 dự án thuộc trường hợp chủ đầu tư tự thực hiện trồng rừng thay thế nhưng chưa thực hiện trồng. Đơn giá chi trồng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng từ nguồn vốn ủy thác trồng rừng thay thế thấp hơn 35,7% so với đơn giá thu, dẫn đến không khuyến khích được người dân trồng rừng.

3.jpg
KTNN chỉ rõ: Địa phương giao dự toán chi sự nghiệp KHCN chưa đạt tỷ lệ phấn đấu 2% trên tổng chi ngân sách tỉnh. Ảnh minh họa

Xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước khoa học công nghệ hàng năm chưa đủ căn cứ

Đối với Chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN) giai đoạn 2020-2022, về công tác dự toán, KTNN nêu rõ: Lập kế hoạch đối với các đề tài/nhiệm vụ mới và lập dự toán chi NSNN KHCN khi các đề tài/nhiệm vụ chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán kinh phí; xây dựng dự toán chi NSNN KHCN hàng năm gửi Sở Tài chính chưa đầy đủ cơ sở, căn cứ do chưa có danh mục đề tài/nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cùng với đó, địa phương giao dự toán chi sự nghiệp KHCN chưa đạt tỷ lệ phấn đấu 2% trên tổng chi ngân sách tỉnh theo Đề án phát triển Khoa học và công nghệ tỉnh Thanh Hóa. Dự toán chi cho các chương trình nhiệm vụ không được giao cho các đơn vị sử dụng ngay từ đầu năm.

Tính đến ngày 31/12/2022, có 49 nhiệm vụ đã quá 12 tháng từ ngày nghiệm thu nhưng tổ chức chủ trì hoặc tổ chức được giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN chưa có báo cáo theo quy định.

Đáng nói, Dự án xây dựng và phát triển thương hiệu “Rượu Tỏa dương” thành phố Thanh Hóa còn một số hạn chế. Cụ thể, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chưa yêu cầu đơn vị chủ trì (quản lý sử dụng 3.090 lít rượu do UBND tỉnh giao) báo cáo để có phương án tham mưu xử lý theo quy định của hợp đồng.

Bên cạnh đó, Sở KH&CN tham mưu tạm giao quyền sử dụng một số tài sản cố định cho đơn vị chủ trì dự án nên không xác định trách nhiệm hoàn trả giá trị tài sản thông qua việc thương mại hóa kết quả theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 70/2018/NĐ-CP.

Ngoài ra, từ thời điểm tạm giao tháng 6/2020 đến nay, đơn vị chủ trì dự án chưa có báo cáo và Sở KH&CN cũng chưa yêu cầu đơn vị báo cáo tình hình quản lý, sử dụng số tài sản này.

5.png
Theo KTNN, hoạt động của Quỹ Hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo không đảm bảo quy định tại khoản 11 Điều 8 Luật NSNN. Ảnh: ST

Một số Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách hoạt động chưa hiệu quả

Cũng theo KTNN, một số Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách hoạt động chưa hiệu quả.

Cụ thể, Quỹ Hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo chỉ có nguồn thu từ NSNN, không huy động được từ nguồn đóng góp và các nguồn tài chính hợp pháp khác. Hoạt động của Quỹ không đảm bảo quy định tại khoản 11 Điều 8 Luật NSNN (NSNN không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách).

Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ thành lập từ năm 2006 và không hoạt động từ năm 2020.

Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2020-2022 chỉ thực hiện bảo lãnh 4 đơn vị, số thu của Quỹ 98% từ thu lãi tiền gửi. Đến ngày 31/12/2022, nguồn vốn của Quỹ là 84,46 tỷ đồng và không còn bảo lãnh cho đơn vị nào.

Quỹ Đầu tư phát triển: Đến ngày 31/12/2022, vốn điều lệ của Quỹ còn thiếu 126,27 tỷ đồng. Quỹ chưa thực hiện theo dõi riêng tiền nhận ủy thác từ Quỹ Phát triển đất. Chưa kể, Quỹ được UBND tỉnh giao nhiệm vụ thu hồi nguồn vốn NSNN đã đầu tư vào dự án Nhà ở xã hội tại phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hóa. Đến nay, Quỹ đã thu hồi được số tiền 11,39 tỷ đồng, đã nộp NSNN 2 tỷ đồng, số tiền còn lại 9,39 tỷ đồng đang quản lý, theo dõi tại đơn vị.

Quỹ Phát triển đất: Quyết định phê duyệt Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Quỹ còn một số điểm chưa phù hợp với các quy định hiện hành về nguồn hoàn trả vốn ứng và cơ cấu tổ chức của Quỹ. Cụ thể:

Điểm c, d, khoản 1 Điều 14 Quyết định số 753/QĐ-UBND ngày 02/3/2020 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển đất tỉnh Thanh Hóa quy định hoàn trả vốn ứng từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất, tiền sử dụng đất, bán nhà tái định cư chưa phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 7, khoản 4 Điều 8 Luật NSNN năm 2015; khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý thuế năm 2019; khoản 1 Điều 15 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ; hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn số 4507/BTC-QLCS ngày 19/5/2022 và Công văn số 8114/BTC-QLCS ngày 15/8/2022 của Bộ Tài chính.

Điểm a khoản 1 Điều 7, Quyết định số 753/QĐ-UBND quy định Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ do Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Đầu tư phát triển Thanh Hóa kiêm nhiệm chưa phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Quyết định số 40/2010/QĐ-TTg của Chính phủ (quy định Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ là một Phó Chủ tịch UBND tỉnh).

Điểm b khoản 1 Điều 7 và điểm a khoản 1 Điều 9 Quyết định 753/QĐ-UBND quy định Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ do Giám đốc Sở Tài chính, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Đầu tư phát triển Thanh Hóa kiêm nhiệm; Giám đốc Quỹ do Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển Thanh Hóa kiêm nhiệm chưa phù hợp với quy định khoản 1 Điều 7 Quyết định số 40/2010/QĐ-TTg (quy định Phó Chủ tịch hội đồng quản lý kiêm Giám đốc Quỹ hoạt động theo chế độ chuyên trách).

Khoản a Điều 1 Quyết định 753/QĐ-UBND quy định Giám đốc và Phó Giám đốc do Giám đốc và Phó Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển kiêm nhiệm chưa phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 9 Quyết định số 40/2010/QĐ-TTg (quy định cơ quan điều hành nghiệp vụ Quỹ làm việc theo chế độ chuyên trách).

Quỹ Phát triển đất ủy thác cho Quỹ Đầu tư phát triển quản lý hoạt động cho ứng vốn. Tuy nhiên, 2 Quỹ đều chưa xây quy trình nghiệp vụ cho vay và thu hồi nợ liên quan đến phần vốn ủy thác theo hợp đồng ủy thác.

Mặt khác, tại các hợp đồng ứng vốn giữa Quỹ với bên ứng vốn quy định mức phí ứng vốn đối với nợ quá hạn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bằng 150% mức phí ứng vốn để thực hiện các nhiệm vụ khác chưa đúng quy định. Tại thời điểm 31/12/2022, số vốn NSNN cấp dư tại Quỹ là 238,04 tỷ đồng. Tuy nhiên, số dư tiền gửi trên tài khoản của Quỹ tại Kho bạc Nhà nước là 180,85 tỷ đồng, số còn lại 57,19 tỷ đồng Quỹ chưa thực hiện quản lý trên tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.

Ngoài ra, số thu lãi tiền gửi của Quỹ tại các ngân hàng thương mại giai đoạn 2020-2022 là 28,25 tỷ đồng, do đơn vị không hạch toán riêng lãi tiền gửi từ vốn sự nghiệp và lãi tiền gửi từ vốn NSNN cấp, nên KTNN chưa có đủ cơ sở để xác định thuế thu nhập doanh nghiệp từ lãi tiền gửi vốn sự nghiệp theo khoản 1 Điều 2 Thông tư số 151/2010/TT-BTC ngày 27/9/2010 của Bộ Tài chính cũng như xử lý số lãi tiền gửi từ nguồn vốn NSNN cấp./.

Cùng chuyên mục
Bất cập hàng chục tỷ đồng từ các Quỹ của tỉnh Thanh Hóa