Kiểm toán doanh nghiệp trong và sau cổ phần hóa: Làm gì để phát huy hiệu quả?

(BKTO) - Với nhiệm vụ đảm bảo minh bạch các quan hệ kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, đồng thời minh bạch hóa trong đánh giá tài sản, giá trị DN…, KTNN đóng vai trò quan trọng đối với việc đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa (CPH) DNNN. Để phát huy hơn nữa vai trò này trong quá trình CPH DN, hoạt động kiểm toán cần tập trung vào các vấn đề sau:




Ông Đặng Văn Thanh

Vận dụng linh hoạt nhiều phương pháp kiểm toán, nhận diện các rủi ro…

Trước tiên, KTNN cần xác định rõ mục tiêu kiểm toán việc xác định giá trị DN CPH, sử dụng các chuyên gia tư vấn và xem xét cụ thể, tránh bỏ sót tài sản của DN khi xác định giá trị DN.

KTNN cần nghiên cứu xây dựng, vận hành các chu trình kiểm toán phù hợp các quy trình xử lý tổng hợp thông tin kế toán và việc trình bày các thông tin trên báo cáo tài chính theo Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế và Việt Nam (IFRS và VFRS). Đồng thời, chủ động xây dựng các chương trình, phần mềm kiểm toán thích ứng với từng đối tượng và mục tiêu kiểm toán…

Quá trình kiểm toán cần sử dụng linh hoạt các phương pháp kiểm toán trên cơ sở xem xét, đánh giá giá trị DN trong mối quan hệ phổ biến, sự vận động và tác động qua lại của các yếu tố trong kinh tế thị trường với từng loại tài sản. Đặc biệt, cần lưu ý chọn lựa phương pháp hợp lý để xác định giá trị đất, giá trị tài sản vô hình. Việc thu thập và xem xét các bằng chứng không chỉ dựa trên các phương pháp quan sát, đối chiếu, phân tích, xác định các mối liên hệ hữu cơ và mục đích sử dụng của các loại tài sản mà còn phải tính đến các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội và đặc biệt là quan hệ lợi ích giữa các bên. Các phương pháp thu thập, đánh giá bằng chứng kiểm toán, phân tích kỹ thuật trong bối cảnh kế toán sử dụng chứng từ điện tử, công nghệ blockchain, điện toán đám mây cũng phải được nghiên cứu, áp dụng.

Thực tế cho thấy rủi ro tiềm tàng về thuế thường tiềm ẩn ngay trong từng nghiệp vụ, hoạt động kiểm toán các DN, kiểm toán quá trình CPH. Việc phát hiện các gian lận trong kiểm toán không dễ dàng, bởi đây là những hành vi cố ý với thủ đoạn nghiệp vụ tinh vi. Vì vậy, kiểm toán viên (KTV) cần nhận dạng các hình thức gian lận thông qua việc phân tích, đánh giá các rủi ro nằm ngay trong từng công việc của tiến trình CPH, từng khâu xác định giá trị DN, từng tài liệu hồ sơ chứng minh sự hình thành vận động tài sản của DN và mối quan hệ lợi ích kinh tế; đánh giá khả năng xảy ra gian lận và sai sót, đặc biệt là các gian lận trong xác định quyền và nghĩa vụ tài sản, nguồn gốc và quá trình vận động của tài sản, nghĩa vụ mang tính pháp lý...

Bên cạnh đó, KTNN cũng cần quan tâm đến việc xem xét và đánh giá môi trường kiểm toán. Một DN luôn ý thức chấp hành pháp luật nhà nước sẽ có sự quan tâm tới việc hạch toán đầy đủ, điều này tạo thuận lợi cho công tác kiểm toán. Ngược lại, nếu cố tình gian lận, kê khai không đầy đủ thì chắc chắn DN sẽ có những toan tính và không minh bạch trong hoạt động. Do đó, KTV cần có những hiểu biết nhất định về hệ thống kiểm soát nội bộ của DN và có sự đánh giá để xác định mức độ tin cậy của hệ thống này, từ đó xác định phạm vi và nội dung kiểm toán, thời gian cần thiết cho các cuộc khảo sát cơ bản, thu thập và đánh giá bằng chứng kiểm toán cũng như các phân tích cơ bản phục vụ cho kiểm toán.

Vẫn phải quan tâm đến nhữngdoanh nghiệp đã cổ phần hóa

Nhìn chung, nhiều DN sau CPH không có sự thay đổi đáng kể, đặc biệt là những DN đang đối mặt với khó khăn về tài chính, kinh doanh thua lỗ. Bởi vậy, KTNN cần quan tâm và có chương trình kiểm tra, đánh giá những DNNN sau CPH thông qua việc đánh giá hoạt động kinh doanh thua lỗ kéo dài ở những DN nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối và có ý kiến cần thiết về đổi mới cơ cấu vốn, nguồn vốn và nâng cao năng lực quản trị công ty.

Đồng thời, KTNN cần có ý kiến về vai trò các nhà đầu tư và sự điều hành của các nhà đầu tư, kể cả thẩm quyền và trách nhiệm. Nhà nước là nhà đầu tư, thậm chí vẫn có thể nắm giữ cổ phần chi phối nhưng không tham gia điều hành mà đóng vai trò giới thiệu người nắm giữ vị trí lãnh đạo, còn việc lựa chọn hay không là do cổ đông quyết định. KTNN cần đánh giá xem liệu đây có phải là điều cần thiết để tạo động năng phát triển cho DN trong tương lai?

Chính phủ đã có giải pháp đối với DN sau CPH, phân định rõ việc quản lý vốn tại DN và quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Cơ quan đại diện phần vốn nhà nước đóng vai trò định hướng phát triển cho DN, giám sát các DN trong quá trình hoạt động đảm bảo DN hoạt động đúng quy định của pháp luật, thanh tra, kiểm tra, xử lý nếu phát sinh sai phạm. Do đó, KTNN cần đánh giá việc thực hiện các giải pháp này của Chính phủ ở các DN đã CPH. Hơn nữa, quản trị DN sau CPH phải minh bạch, công khai, đổi mới và hiệu quả hơn, trong đó cần áp dụng chuẩn mực của OECD về quản trị công ty đối với DNNN kể cả trước và sau CPH. Đây cũng là vấn đề mà KTNN phải đánh giá.

Ngoài ra, KTNN cũng cần hỗ trợ Bộ Tài chính trong việc yêu cầu và giúp đỡ các DN sớm áp dụng IFRS để lập và trình bày các báo cáo tài chính, báo cáo thường niên. Việc áp dụng IFRS giúp nâng cao trách nhiệm giải trình của DN cũng như tính minh bạch, trung thực của báo cáo tài chính; bảo vệ công chúng khỏi những rủi ro trong việc ra quyết định kinh tế. Các báo cáo tài chính lập theo IFRS được cộng đồng quốc tế thừa nhận, là một trong các tiêu chí để được công nhận nền kinh tế thị trường. Đó cũng là điều kiện tiên quyết để tiếp cận thị trường vốn quốc tế, thu hút nguồn đầu tư FDI, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư trong nước đồng thời giảm bớt chi phí vốn cho DN.

N.LY (ghi)
Lược ghi tham luận của PGS,TS. ĐẶNG VĂN THANH
Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam
Cùng chuyên mục
Kiểm toán doanh nghiệp trong và sau cổ phần hóa: Làm gì để phát huy hiệu quả?