Cơ chế tự chủ chưa được đánh giá toàn diện
Theo ThS. Nguyễn Đình Quang (Kiểm toán nhà nước chuyên ngành III) và CN. Nguyễn Tuấn Anh (Văn phòng Kiểm toán nhà nước), hiện nay, Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán đơn vị này theo niên độ 2-3 năm/1 lần, giúp Bộ VHTTDL và các đơn vị được kiểm toán nhìn nhận, đánh giá đúng đắn tình hình tài chính, khắc phục được những hạn chế trong quản lý kinh tế và sản xuất kinh doanh; phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, cải tiến và hoàn thiện hệ thống quản lý, hệ thống kiểm soát nội bộ. Cùng với đó, Kiểm toán nhà nước cũng đã có nhiều kiến nghị sửa đổi hoặc hủy bỏ các văn bản không còn phù hợp với thực tế nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như các văn bản về định mức, chế độ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, giai đoạn 2017-2020, hoạt động kiểm toán việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các ĐVSNCL trong lĩnh vực VHTTDL chỉ được thực hiện như một nội dung trong cuộc kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại Bộ VHTTDL, chưa được tổ chức riêng thành một cuộc kiểm toán chuyên đề. Kiểm toán nhà nước chuyên ngành và khu vực thực hiện các cuộc kiểm toán riêng biệt, chưa có sự tổng hợp để có đánh giá đối với các ĐVSNCL trong lĩnh vực này.
Công tác chuẩn bị cho việc phân tích kiểm toán từng đơn vị chưa đồng bộ, kiểm toán viên (KTV) chủ yếu tính toán mức độ tự chủ của các đơn vị trực thuộc để khuyến nghị Bộ VHTTDL xem xét, xác định lại mức độ tự chủ, chưa phân tích được biến động trong mức độ tự chủ tại đơn vị. Do đó, kết quả kiểm toán mới mang tính khái quát, chưa đánh giá toàn diện cơ chế tự chủ trong các đơn vị để có kiến nghị sâu về thay đổi cơ chế, chính sách của Nhà nước.
ThS. Nguyễn Đình Quang cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ, một số văn bản quy phạm pháp luật đã quá cũ, không phù hợp với tình hình hoạt động hiện tại của các ĐVSNCL có thu, đặc biệt đối với các ĐVSNCL tự chủ về kinh phí hoạt động.
Các quy định pháp luật cũng chưa rõ ràng về cơ chế tự chủ tài chính và đầu tư của ĐVSNCL thông qua hình thức góp vốn, liên doanh, liên kết; thiếu cơ chế kiểm soát và giám sát hoạt động của ĐVSNCL. Về phía Kiểm toán nhà nước, hướng dẫn kiểm toán việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị trong lĩnh vực VHTTDL còn thiếu và chưa đồng bộ, việc đánh giá cơ chế tự chủ cũng chưa được các đoàn kiểm toán chú trọng.
Tiêu chí đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ ĐVSNCL lĩnh vực VHTTDL bao gồm: Có các báo cáo hoặc các biên bản họp giao ban định kỳ; tính kịp thời của các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn trong lĩnh vực tự chủ VHTTDL của Bộ cũng như và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nơi có ĐVSNCL đóng trên địa bàn; có dấu vết kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục của người có trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền được giao trên các giấy tờ.
Đánh giá hiệu lực, hiệu quả của cơ chế tự chủ trên 3 phương diện
Nhóm tác giả cho rằng, mục tiêu của cuộc kiểm toán việc thực hiện cơ chế tự chủ tại ĐVSNCL là đánh giá công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước; phát hiện những bất cập để kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách, đề xuất giải pháp khắc phục hạn chế và đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị trên cả 3 phương diện tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tự chủ về tài chính.
Để nâng cao hiệu quả kiểm toán, đoàn kiểm toán có thể thực hiện kiểm toán hoạt động, kết hợp kiểm toán tuân thủ và kiểm toán tài chính, trong đó, kiểm toán tài chính đóng vai trò chủ đạo. Trên cơ sở các tiêu chí đã được xác định về mặt định lượng, KTV xác lập mức trọng yếu tổng thể đối với báo cáo quyết toán đơn vị dự toán là 0,5-2% tổng chi tại đơn vị; đối với báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là 0,5-1%/tổng thu sản xuất kinh doanh hoặc 5-10%/chênh lệch thu chi…
Đối với khảo sát và đánh giá thông tin hệ thống kiểm soát nội bộ, KTV cần xác định thông tin có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thu chi ngân sách của niên độ kiểm toán có đối chiếu với tình hình trong nước để thu thập các văn bản mới ban hành về quản lý kinh tế, tài chính, ngân sách; tổng hợp tình hình giao dự toán kinh phí sự nghiệp của Bộ Tài chính cho Bộ VHTTDL.
Nhóm tác giả nhấn mạnh rằng, các đơn vị tự chủ trong lĩnh vực VHTTDL đều có những đặc điểm riêng, phục vụ những yêu cầu và mục tiêu cụ thể trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ. Do đó, các cuộc kiểm toán cũng đòi hỏi những đặc thù riêng trong công tác tổ chức thực hiện.
Tổ kiểm toán tổng hợp cần dành nhiều thời gian thu thập các văn bản chỉ đạo, điều hành, các văn bản hướng dẫn cơ chế tự chủ tại các ĐVSNCL, đánh giá sự phối hợp của các Bộ, ngành, cơ quan trong việc ban hành các văn bản. Việc bố trí tổ kiểm toán tại các cơ quan quản lý tổng hợp cần được thực hiện ngay từ đầu và kết thúc cuộc kiểm toán để thu thập, đối chiếu thông tin phù hợp, đảm bảo hiệu quả hoạt động kiểm toán./.