Tháo gỡ vướng mắc, tránh rủi ro khi kiểm toán nợ xấu

NGUYỄN THỊ HỒNG - KTNN chuyên ngành VII | 02/06/2023 21:39

(BKTO) - Những khó khăn của nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nợ xấu có xu hướng tăng lên trong thời gian tới. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với Kiểm toán nhà nước (KTNN) trong việc hoàn thiện thủ tục kiểm toán công tác xử lý nợ xấu, nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán cũng như tránh các rủi ro khi kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) của tổ chức tín dụng (TCTD).

z4395766121222_3bbbb5aa708fadfc659439ade05386b2.jpg
KTNN cần hoàn thiện thủ tục kiểm toán công tác xử lý nợ xấu. Ảnh minh họa

Việc kiểm toán nợ xấu còn khó khăn do thiếu hướng dẫn

Kiểm toán BCTC tại các TCTD là một trong những hoạt động thường xuyên của KTNN. Năm 2022, KTNN chuyên ngành VII đã thực hiện cuộc kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, qua đó đã thực hiện đối chiếu tại 10 TCTD được chọn mẫu. Cuộc kiểm toán đã chỉ ra một số kết quả liên quan đến công tác xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, từ đó đưa ra các kiến nghị chấn chỉnh, rút kinh nghiệm nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc kiểm toán công tác xử lý nợ xấu tại các TCTD vẫn còn những khó khăn do thiếu hướng dẫn. Tại các TCTD, rất nhiều công cụ được áp dụng để xử lý nợ xấu, bao gồm: Đôn đốc thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ, cho vay tiếp để duy trì hoạt động, miễn giảm lãi, hỗ trợ khách hàng thu hồi công nợ, xử lý tài sản bảo đảm, bán nợ, xử lý từ quỹ dự phòng rủi ro, chuyển nợ xấu thành vốn góp, chứng khoán hóa các khoản nợ xấu, sự hỗ trợ của Chính phủ, khởi kiện hoặc yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp. Kiểm toán viên cần đánh giá sự phù hợp của việc lựa chọn công cụ, mức độ tuân thủ quy định pháp luật của từng công cụ được TCTD áp dụng và hiệu quả của việc xử lý nợ xấu trên từng khoản nợ cũng như đánh giá bức tranh tổng thể hài hòa lợi ích và chi phí bỏ ra đối với công tác xử lý nợ xấu nói chung tại các TCTD. Sự đa dạng và phức tạp của mỗi công cụ đòi hỏi phải có một bộ khung hướng dẫn áp dụng cho từng biện pháp.

Hiện tại, Hướng dẫn kiểm toán các tổ chức tài chính ngân hàng ban hành năm 2021 cũng chỉ mới giới thiệu và hướng dẫn một số thủ tục kiểm toán ở mức độ tổng hợp liên quan đến việc xác định và nhận diện nợ xấu; kiểm tra đánh giá việc đôn đốc thu hồi nợ sau khi đã xử lý rủi ro mà chưa có hướng dẫn tổng thể về thủ tục, phương pháp kiểm toán liên quan đến việc xử lý nợ xấu của các TCTD gắn liền với từng loại công cụ. Điều này dẫn đến khi tổ chức thực hiện, các đoàn kiểm toán chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và hiểu biết của các kiểm toán viên. Bên cạnh đó, các đoàn kiểm toán khi lập kế hoạch kiểm toán tại các TCTD cũng chưa có cơ sở để xác định và đưa ra các phương pháp, nội dung, thủ tục kiểm toán phù hợp; chưa xây dựng được tiêu chí kiểm toán trong việc đánh giá công tác xử lý nợ xấu dẫn đến khó khăn trong việc đưa ra ý kiến đánh giá.

Cần xây dựng Hướng dẫn kiểm toán

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên, việc xây dựng Hướng dẫn kiểm toán công tác xử lý nợ xấu tại các TCTD là một yêu cầu cần thiết khi đánh giá chất lượng tín dụng tại các TCTD trong giai đoạn hiện nay.

Theo đó, KTNN phải nghiên cứu, xây dựng nội dung, thủ tục kiểm toán, tiêu chí đánh giá phù hợp làm cơ sở cho các đoàn kiểm toán và kiểm toán viên tổ chức thực hiện kiểm toán. Để xây dựng khung pháp lý hướng dẫn nói trên, KTNN cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, tăng cường tổ chức các buổi trao đổi, tọa đàm liên ngành giữa KTNN - Ngân hàng Nhà nước - Bộ Tài chính và các TCTD để nắm bắt hoạt động quản lý nhà nước trong xử lý nợ xấu nói chung và thực trạng, khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý nợ xấu tại các TCTD nói riêng.

Đồng thời, KTNN cũng có thể mời các chuyên gia kinh tế của Việt Nam và nước ngoài trao đổi các vấn đề liên quan đến xử lý nợ xấu tại các TCTD trong nước và quốc tế để tìm hiểu thêm thông tin, nắm bắt thực tế, làm cơ sở xây dựng bộ tiêu chí (thông lệ thực hành tốt nhất) phục vụ cho việc đưa ra ý kiến đánh giá về công tác xử lý nợ xấu tại các TCTD.

Bên cạnh đó, KTNN cần tăng cường công tác tập huấn cho các đoàn kiểm toán trước khi tổ chức kiểm toán, trao đổi, truyền thụ các kinh nghiệm kiểm toán. Ngoài ra, việc chủ động nghiên cứu, học hỏi, thu thập đầy đủ thông tin về các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế - xã hội... cũng giúp kiểm toán viên nắm rõ về khung pháp lý trong công tác xử lý nợ xấu tại từng thời kỳ, làm cơ sở xây dựng các thủ tục, tiêu chí kiểm toán phù hợp.

Cuối cùng, để nâng cao chất lượng kiểm toán trong một lĩnh vực được xem là phức tạp và trọng yếu của hoạt động tín dụng ngân hàng, khi tổ chức thực hiện kiểm toán, KTNN cần lựa chọn các kiểm toán viên có trình độ chuyên môn cao, có kiến thức kinh tế vĩ mô, kinh nghiệm trong kiểm toán tín dụng ngân hàng, có khả năng nghiên cứu để tham gia đoàn kiểm toán. Điều này sẽ giúp tăng cường năng lực cho đoàn kiểm toán./.

Cùng chuyên mục
Tháo gỡ vướng mắc, tránh rủi ro khi kiểm toán nợ xấu