Kiểm toán EPC - Thực trạng và giải pháp: Tạo điều kiện thuận lợi cho kiểm toán hợp đồng EPC

PGS,TS. THỊNH VĂN VINH Học viện Tài chính | 24/11/2022 10:39

(BKTO) - Việc triển khai kiểm toán các dự án đầu tư theo phương thức tổng thầu EPC không những đem lại thông tin trung thực, tin cậy mà còn nâng cao hiệu quả quản lý vốn đầu tư của Nhà nước. Tuy nhiên, do những bất cập liên quan đến khuôn khổ pháp lý, quản lý, kiểm soát nên việc triển khai kiểm toán các dự án này vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu và gặp không ít khó khăn.

8-1.jpg
Ảnh minh họa

Nhiều vướng mắc do thiếu quy định pháp lý

Hợp đồng EPC là phương thức quản lý dự án đầu tư xây dựng mới, còn nhiều bất cập trong công tác quản lý, dự toán vốn đầu tư, lựa chọn nhà thầu nên việc đánh giá độ tin cậy kết quả trúng thầu hay chỉ định thầu của tổng thầu EPC là một vấn đề phức tạp và rất khó khăn. Mặt khác, những quy định pháp lý liên quan phương thức tổng thầu EPC chưa có nội dung cho phép Kiểm toán nhà nước (KTNN) được quyền tiếp cận các loại tài liệu ở phạm vi cần thiết. Việc kiểm toán độ tin cậy về dự toán vốn đầu tư của dự án theo phương thức tổng thầu EPC và đối chiếu số liệu, xác minh thông tin của đơn vị, tổ chức, khách hàng liên quan đến thi công, cung cấp vật tư, thiết bị của dự án gặp khó khăn, thậm chí bị cản trở. Đây là vấn đề rất phức tạp, tế nhị, khó xử lý đã kéo dài nhiều năm.

Bên cạnh đó, các hạng mục như: Bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình tạm thời phục vụ thi công... đều do tổng thầu EPC tự thực hiện nên gặp không ít cản trở, khó khăn, nhất là với tổng thầu nước ngoài. Vấn đề này KTNN đã làm rõ và có ý kiến kết luận đảm bảo sự minh bạch. Tuy nhiên, việc gắn trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân có liên quan, hay sự vào cuộc và xử lý nghiêm minh của các cơ quan chức năng lại là những nội dung không dễ kiến nghị do tình hình thực tế phức tạp và thiếu căn cứ pháp lý.

Ngoài ra, những quy định để xử lý các vấn đề phát sinh và hậu quả khi khai thác sử dụng công trình, dự án cũng chưa chặt chẽ, xử lý sai phạm chưa đủ răn đe. Khi có thiệt hại, hay xảy ra các vấn đề tranh chấp, việc xử lý thiệt hại thường lấy từ nguồn ngân sách nhà nước. Đây là vấn đề rất phổ biến ở các dự án mà KTNN đã có ý kiến tư vấn để xử lý đúng người, đúng pháp luật. Tuy nhiên, tình trạng lấy ngân sách nhà nước để bồi thường vẫn xảy ra và chưa có chế tài xử lý.

Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán

Trước tiên, để thực hiện cuộc kiểm toán các dự án theo hợp đồng EPC đạt chất lượng, KTNN cần tăng cường đào tạo và bồi dưỡng kiểm toán viên đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, có sự hiểu biết về dự án, các quy định và nguyên tắc, điều kiện áp dụng hợp đồng EPC với cả nhà thầu EPC và chủ đầu tư, đồng thời phải tuân thủ quy trình và phương pháp kiểm toán. Đây là cơ sở để đoàn kiểm toán thực hiện kiểm toán đồng bộ tất cả các nội dung liên quan đến dự án như khảo sát thiết kế, cung cấp vật tư, thiết bị..., từ đó có đủ căn cứ kết luận về tổng thể công trình, dự án.

Nội dung kiểm toán cần phải được xác định cụ thể, đầy đủ, chi tiết và toàn diện, đan xen giữa kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động; thực hiện kiểm toán liên kết trong cùng một cuộc kiểm toán dự án đầu tư theo phương thức tổng thầu EPC. Các đoàn kiểm toán phải được trang bị đầy đủ các phương tiện thiết bị cần thiết phục vụ cho kiểm toán, nhất là khi kiểm toán thực địa.

Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều thay đổi, KTNN cần xây dựng hệ thống chuẩn mực kiểm toán khoa học, chặt chẽ, phù hợp, có hướng dẫn cụ thể, dễ hiểu. Hệ thống chuẩn mực kiểm toán phải luôn được cập nhật, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện theo thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Bên cạnh đó, KTNN cần tận dụng sự hợp tác với các cơ quan kiểm toán tối cao và các doanh nghiệp kiểm toán quốc tế nhằm học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường liên kết đào tạo… Khuyến khích các tổ chức này tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, phát triển và hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp lý về kiểm soát, quản lý đầu tư xây dựng dự án và kiểm toán.

Thực tế cho thấy, điều kiện tiên quyết để thực hiện và nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả cho các kết luận, kiến nghị của KTNN là phải có hệ thống khuôn khổ pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, công khai, minh bạch. Hệ thống văn bản pháp lý không được cản trở mà phải thực sự tạo điều kiện và ủng hộ cho kiểm toán viên tiếp cận những tài liệu cần thiết, không giới hạn về phạm vi và nội dung kiểm toán; loại bỏ các quy định không còn phù hợp trong các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý dự án và kiểm toán.

Đồng thời, hệ thống pháp luật phải đủ mạnh để xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng người, đúng tội những trường hợp vi phạm khi được phát hiện thông qua quá trình kiểm toán. Cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và tổ chức xác định, đánh giá nhà thầu uy tín, thương hiệu danh tiếng đầy đủ, chặt chẽ, khách quan, tránh tình trạng thiên vị, tiêu cực, lợi ích nhóm chi phối./.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán EPC - Thực trạng và giải pháp: Tạo điều kiện thuận lợi cho kiểm toán hợp đồng EPC