Pháp: Đánh giá hiệu quả việc thực thi luật tài chính an sinh xã hội

Yến Nhi – Bé Ngọc | 24/11/2022 10:07

(BKTO) - Vừa qua, Tòa Thẩm kế Pháp (CDC) đã phát hành Báo cáo kiểm toán đánh giá tính hiệu quả của việc thực thi các luật tài chính an sinh xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm y tế và hưu trí. Báo cáo kiểm toán thực hiện phân tích dòng tài chính an sinh xã hội, làm rõ cấu trúc các khoản thu, đồng thời, nhấn mạnh ngành bảo hiểm y tế và các ngành nghề y tế tự do cần hợp tác chặt chẽ hơn để đảm bảo chất lượng và hiệu quả của việc chăm sóc y tế, góp phần giảm thâm hụt bảo hiểm y tế.

Cuộc kiểm toán cũng xem xét một số lĩnh vực cần cải thiện để nâng cao chất lượng dịch vụ công và báo cáo về việc áp dụng các biện pháp gần đây, nêu bật những tiến bộ đã đạt được và những vấn đề vẫn cần triển khai. Pháp là một trong những quốc gia trong khu vực đồng Euro có tỷ lệ nợ công cao nhất, nên việc chi tiêu có hiệu quả cho an sinh xã hội (chiếm 35% GDP, tương đương 813 tỷ Euro vào năm 2020) là cần thiết để giảm gánh nặng nợ công.

french-hospital.jpg
Thâm hụt an sinh xã hội của Pháp giảm mạnh vào năm 2021. Ảnh sưu tầm

Thông qua cuộc kiểm toán, CDC phát hiện rằng, mặc dù chi tiêu đặc biệt liên quan đến cuộc khủng hoảng y tế cao hơn dự kiến, thâm hụt an sinh xã hội đã giảm mạnh vào năm 2021 (24,3 tỷ Euro so với 39,7 tỷ Euro vào năm 2020), nhờ sự khởi động lại hoạt động kinh tế. Vào năm 2022, thâm hụt giảm xuống (còn gần 18 tỷ Euro), nhưng mức giảm này hoàn toàn là do chi tiêu giảm liên quan đến cuộc khủng hoảng.

Một vấn đề ưu tiên khác mà cuộc kiểm toán xem xét là lĩnh vực y tế-xã hội, một trong những lĩnh vực có tỷ lệ tai nạn lao động cao nhất trong tất cả các lĩnh vực hoạt động, trong bối cảnh tỷ lệ biên chế quá thấp. CDC đưa ra một số khuyến nghị nhằm giảm tần suất tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, tăng sức hấp dẫn của ngành và nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho người sử dụng. CDC khuyến nghị cải cách các quyền lợi nhằm bù đắp vào những tác động từ ảnh hưởng đối với lương hưu do gián đoạn hoạt động nghề nghiệp. CDC cũng xem xét việc thực hiện cải cách về hỗ trợ nhà ở và đánh giá việc chuyển giao sang kế hoạch chung về quản lý an sinh xã hội cho lao động tự do đồn thời, khuyến nghị đơn vị được kiểm toán cần đơn giản hóa định nghĩa của các nguồn lực được đề cập đến.

CDC dự đoán vào năm 2023, thâm hụt sẽ tiếp tục giảm (còn gần 7 tỷ Euro), nhưng chi tiêu cho bảo hiểm y tế, đặc biệt là liên quan đến khủng hoảng (dự báo 1 tỷ Euro), có thể bị ghi nhận thấp hơn. Từ năm 2024, thâm hụt sẽ tăng và có thể lên tới gần 12 tỷ Euro vào năm 2026, bất chấp các giả định kinh tế lạc quan - nỗ lực kiểm soát chi tiêu cho bảo hiểm y tế sẽ được tăng cường so với trước khi xảy ra khủng hoảng. Tình trạng thâm hụt an sinh xã hội kéo dài gây ra nguy cơ nợ xã hội tăng liên tục (dự kiến khoảng 160 tỷ Euro vào cuối năm 2022), gây tổn hại cho các thế hệ trong tương lai./.

Cùng chuyên mục
Pháp: Đánh giá hiệu quả việc thực thi luật tài chính an sinh xã hội