Kiểm toán giúp tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh

(BKTO) - Nhìn nhận các kết luận, kiến nghị kiểm toán giúp chấn chỉnh tồn tại cũng như tháo gỡ bất cập cả về cơ chế, chính sách lẫn cách thức quản lý, điều hành, lãnh đạo TP. HCM đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung thực hiện tốt các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước (KTNN).

bat-dong-san-ven-song-sai-gon-01-e1620704384316.jpg
Thực hiện kiến nghị kiểm toán giúp tạo động lực cho TP. HCM phát triển. Ảnh sưu tầm

Kịp thời giải quyết nhiều kiến nghị kiểm toán

Với sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo Thành phố và các cơ quan chức năng, TP. HCM ngày càng triển khai thực hiện tốt kết luận, kiến nghị kiểm toán, bao gồm các kiến nghị về xử lý tài chính, xử lý trách nhiệm và giải quyết các bất cập về cơ chế, chính sách.

Giám đốc Sở Tài chính TP. HCM Lê Duy Minh cho biết, đối với kiểm toán ngân sách địa phương, không tính số kiến nghị niên độ 2021 (đang trong thời hạn thực hiện) thì đến niên độ 2020, Thành phố đã thực hiện 92,11% tổng số kiến nghị (tính đến 31/8/2023).

Trên cơ sở kết luận của KTNN, Thành phố đã chấn chỉnh công tác xây dựng dự toán, quản lý điều hành ngân sách hàng năm; chú trọng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chi thường xuyên, thúc đẩy giải ngân đầu tư công; từng bước hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan thuộc thẩm quyền, có các giải pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN, tài chính công, tài sản công.

8.jpg

Trong những tháng đầu năm 2023, Thành phố thường xuyên theo dõi sát tình hình thực hiện thu, chi ngân sách để đề ra những giải pháp thực hiện quản lý chi ngân sách như: rà soát và có giải pháp thu hồi các khoản tạm ứng còn tồn đọng kéo dài, tăng cường công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư; rà soát để điều chỉnh giảm một số nhiệm vụ chi theo đề nghị của KTNN và do thay đổi chính sách.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi

Đáng chú ý, nhiều nội dung kiến nghị có ảnh hưởng lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực đã được Thành phố chỉ đạo thực hiện triệt để, kịp thời.

Đơn cử, từ kiến nghị: “Đề xuất các cơ chế đặc thù phù hợp với thực tiễn đã thực hiện mô hình chính quyền đô thị trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định, đồng thời có giải pháp nhằm phát huy tối đa cơ chế, chính sách”, Thành phố đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương xây dựng Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM. Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, ngày 24/6/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM, trong đó có các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Thủ Đức.

Có kiến nghị đã được địa phương thực hiện ngay sau khi có Báo cáo kiểm toán, như kiến nghị “Rà soát, sửa đổi quy định tại Điều 11 Quyết định 02/2016/QĐ-UBND về nội dung chi bồi dưỡng tiền ăn trưa của Đoàn kiểm tra công tác hòa giải, phù hợp quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp”.

Thực hiện nội dung kết luận kiểm toán, ngày 30/12/2022, Sở Tư pháp đã ban hành Văn bản số 6778/STP-VP về việc thực hiện nội dung kết luận kiểm toán, trong đó yêu cầu dừng ngay nội dung chi hỗ trợ tiền ăn cho thành viên Đoàn kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở kể từ ngày nhận được Thông báo ngày 25/11/2022 của KTNN khu vực IV. 

Đặc biệt, những quy định, cơ chế quản lý cần được sửa đổi theo kiến nghị kiểm toán - vốn được coi là khó thực hiện ngay, song cũng đã được Thành phố chỉ đạo các cơ quan triển khai và đạt được những kết quả nhất định.

Chẳng hạn, theo Báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP) năm 2021, KTNN kiến nghị “Thành phố cần ban hành quyết định phân cấp quản lý đường, hệ thống thoát nước để các công trình được bàn giao đưa vào sử dụng ngay sau khi hoàn thành”. Liên quan nội dung này, Sở Xây dựng đã ban hành Quyết định số 185/QĐ-SXD-HTKT ngày 13/02/2023 về việc giao quản lý hệ thống thoát nước thuộc công trình Mở rộng, nâng cấp đường Trần Văn Mười (Quốc lộ 22 - Phan Văn Hớn) cho Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật Thành phố và UBND huyện Hóc Môn quản lý. 

Tiếp tục đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán còn tồn đọng

Bên cạnh kết quả đạt được, TP. HCM vẫn gặp thách thức trong việc thực hiện các kiến nghị tồn đọng. Thông tin tại Phiên giải trình “Việc thực hiện kết luận, kiến nghị KTNN đến hết niên độ NSNN năm 2021” do Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội vừa tổ chức, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi cho biết, số kiến nghị xử lý tài chính chưa thực hiện của niên độ ngân sách 2006-2019 còn cao (8.926 tỷ đồng).

dsc_6000.jpg
KTNN sẽ tiếp tục phối hợp với Thành phố để rà soát, đôn đốc thực hiện các kiến nghị tồn đọng. Ảnh: N.Lộc

Nguyên nhân là do một số đơn vị gặp khó khăn về tài chính; một số kiến nghị khi đơn vị thực hiện các thủ tục để quyết toán dự án hoàn thành thì mới thực hiện giảm thanh toán theo kiến nghị của KTNN.

Bên cạnh đó, một số kiến nghị liên quan đến nhiều gói thầu nên chủ đầu tư cần thời gian làm việc với các nhà thầu liên quan để thực hiện các thủ tục thu hồi theo từng bước; các nhà thầu chưa thực hiện kiến nghị kiểm toán mặc dù đã cam kết hoàn trả và chủ đầu tư đã đôn đốc nhiều lần; một số đơn vị đã thực hiện kiến nghị nhưng chứng từ chưa hợp lệ nên chưa được KTNN ghi nhận đã thực hiện hoàn tất…

Đơn cử, Báo cáo kiểm toán NSĐP năm 2018 (niên độ kiểm toán năm 2017) của TP. HCM, Sở Tài chính chưa thực hiện do đang đề nghị xem xét giảm số kiến nghị xử lý tài chính. Ngày 06/6/2019, Sở Xây dựng có Công văn số 6798/SXD-VP đề xuất điều chỉnh số liệu chưa sử dụng đến cuối năm 2017 từ 19.858.922 triệu đồng còn 19.079.251 triệu đồng, dẫn đến số thu hồi nộp NSNN giảm so với kiến nghị KTNN nhưng chưa có hồ sơ để KTNN xem xét…

Chủ tịch Phan Văn Mãi khẳng định, đối với các kết luận, kiến nghị của KTNN chưa thực hiện hoàn tất, UBND Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện kiến nghị kiểm toán trong thời gian tới. Quan trọng hơn, Thành phố sẽ rút ra bài học kinh nghiệm và nghiêm túc chấn chỉnh trong công tác quản lý, điều hành.

“Trong quá trình quản lý điều hành ngân sách, các cơ quan chuyên môn đều căn cứ kiến nghị của KTNN để chấn chỉnh, hoàn thiện công tác tham mưu HĐND, UBND Thành phố nhằm hạn chế tối đa, không tiếp tục xảy ra các tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng NSNN, tài chính công, tài sản công của địa phương” - ông Mãi nhấn mạnh.

Tại Phiên giải trình “Việc thực hiện kết luận, kiến nghị KTNN đến hết niên độ NSNN năm 2021”, ghi nhận những nỗ lực của TP. HCM trong việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, cũng như thông qua việc thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN để rút kinh nghiệm, chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của Thành phố, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu Thành phố tiếp tục phối hợp với KTNN rà soát, đôn đốc thực hiện các kiến nghị tồn đọng, từ đó đảm bảo giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương ngân sách và các quy định pháp luật liên quan

Đại diện Sở Giao thông vận tải Thành phố cho hay, trên cơ sở kiến nghị kiểm toán, ngoài việc xây dựng định mức công tác quản lý bảo dưỡng thường xuyên hệ thống cầu, đường bộ, Sở sẽ tiếp tục đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng, điều chỉnh đơn giá định mức đang triển khai thực hiện; thường xuyên rà soát, điều chỉnh, xây dựng hoàn thiện các bộ định mức để không còn tình trạng tạm áp dụng, vận dụng, nội suy định mức trong công tác bảo trì hệ thống đường bộ…

Cần sự hỗ trợ để giải quyết dứt điểm kiến nghị kiểm toán

Mặc dù Thành phố đã quyết liệt chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị kiểm toán, song Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, một số kiến nghị kiểm toán tồn đọng kéo dài nhiều năm nên gặp khó khăn trong công tác rà soát thực hiện; một số kiến nghị không có khả năng thực hiện do nhà thầu hoặc cá nhân có liên quan không còn tồn tại; một số kiến nghị phải chờ cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc hoặc hướng dẫn thực hiện…

Đơn cử, kiến nghị sửa đổi Điều 11 Quyết định số 02/2016/QĐ-UBND của UBND Thành phố ngày 21/11/2022, Sở Tư pháp cho biết, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi, thay thế Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP (đây là văn bản làm căn cứ ban hành Quyết định số 02/2016/QĐ-UBND). Vì vậy, để tránh việc trình sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật thuộc cùng một lĩnh vực quản lý nhiều lần, Sở Tư pháp đang chờ Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn mới thay thế Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP.

_dsc0019.jpg
TP. HCM hiện là một trong những Thành phố năng động bậc nhất của cả nước. Ảnh: N.Lộc 

“Ngay khi có văn bản hướng dẫn, Sở Tư pháp sẽ tham mưu, trình UBND Thành phố xem xét ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế Quyết định số 02/2016/QĐ-UBND để bảo đảm phù hợp, thống nhất với văn bản của Trung ương và đúng theo yêu cầu của KTNN” - lãnh đạo Sở Tư pháp cho biết.

Để nâng cao kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán nói riêng và hiệu quả công tác quản lý, điều hành của Thành phố nói chung, Thành phố kiến nghị các cơ quan quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ Thành phố giải đáp các khó khăn, vướng mắc liên quan cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của các cơ quan Trung ương.

Thành phố cũng kiến nghị KTNN quan tâm, kịp thời xem xét, phúc đáp khi nhận được giải trình của một số đơn vị do nội dung kiến nghị phát sinh đã quá lâu, không có thông tin, tài liệu để rà soát thực hiện, một số đơn vị gặp khó khăn về tài chính không có khả năng thực hiện, một số kiến nghị có sai sót về số học, thông tin trong quá trình kiểm toán để điều chỉnh kiến nghị kiểm toán, giúp địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trên địa bàn./.

TP. HCM đề nghị KTNN quan tâm, hướng dẫn các đơn vị có kiến nghị chưa thực hiện tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc ghi nhận chứng từ thực hiện, hỗ trợ rà soát lại thông tin của các kiến nghị phát sinh kéo dài nhiều năm.

Cùng chuyên mục
  • Kiểm toán nhà nước: Công bố Quyết định kiểm toán tại tỉnh Ninh Bình
    7 tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Chiều 18/9, tại Ninh Bình, Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực XI phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị công bố quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2022 và chuyên đề đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin (CNTT), các hoạt động thuê dịch vụ CNTT giai đoạn 2020-2022; thông báo kết luận kiểm toán ngân sách địa phương năm 2022 và các chuyên đề lồng ghép của tỉnh Ninh Bình.
  • Kiểm toán nhà nước: Công bố quyết định kiểm toán tại tỉnh Bắc Ninh
    7 tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Ngày 18/9, tại Bắc Ninh, Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực I phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị công bố Quyết định kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2022 của tỉnh.
  • Bảo đảm tiến độ chương trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật
    7 tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Đến cuối tháng 8/2023, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã ban hành 21 văn bản, 11 văn bản đã xây dựng xong và đang gửi lấy ý kiến hoặc đang tổng hợp ý kiến góp ý, 19 văn bản đang xây dựng dự thảo theo chương trình xây dựng văn bản của Ngành.
  • Khánh thành công trình hỗ trợ Trường Mầm non Púng Luông
    7 tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Chiều 16/9, Công đoàn Kiểm toán nhà nước (KTNN) và Đoàn thanh niên KTNN phối hợp cùng Đoàn thanh niên 3 cơ quan: Bộ Giao thông vận tải, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kiểm tra tỉnh Yên Bái, UBND huyện Mù Cang Chải tổ chức Lễ Khánh thành Công trình “Hỗ trợ trường học vùng cao huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái”.
  • Bài 2: Phải “gỡ” từ… cơ chế!
    7 tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Thực tế cho thấy, một nguyên nhân gốc rễ dẫn tới việc chậm trễ, không thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN thời gian qua là do những bất cập, vướng mắc từ cơ chế, chính sách. Tại Phiên giải trình “Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2021”, các ý kiến đồng thuận rằng, để thúc đẩy việc thực thi đầy đủ hơn các kết luận, kiến nghị kiểm toán, cần phải bắt đầu từ cơ chế…
Kiểm toán giúp tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh