Báo cáo tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, năm 2023, Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, lãnh đạo KTNN tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện kịp thời các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành nhiều Kế hoạch, Nghị quyết, Chương trình để triển khai thực hiện, thể chế hóa các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Quốc hội và chính sách pháp luật của Nhà nước.
Đặc biệt, ngay sau khi Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, KTNN đã kịp ban hành các văn bản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ và sửa đổi, bổ sung một số văn bản của ngành cho phù hợp với Pháp lệnh.
Cụ thể như: Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán trong các lĩnh vực; Hướng dẫn kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách Bộ, cơ quan trung ương; Hướng dẫn kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước; Hướng dẫn tổ chức kiểm tra, đối chiếu đối với người nộp thuế…
KTNN đã ban hành Văn bản số 37/KTNN-TH ngày 13/01/2023 về hướng dẫn mục tiêu, trọng yếu và nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2023, trong đó đã xác định mục tiêu, nội dung kiểm toán trong việc chấp hành chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí triển khai thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Văn bản số 647/KTNN-TH ngày 28/6/2023 về việc triển khai thực hiện một số nội dung của Nghị quyết số 91/2023/QH15 ngày 19/6/2023 về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.
“Đến cuối tháng 8, KTNN đã ban hành 21 văn bản, 11 văn bản đã xây dựng xong và đang gửi lấy ý kiến hoặc đang tổng hợp ý kiến góp ý, 19 văn bản đang xây dựng dự thảo theo chương trình xây dựng văn bản của ngành” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ thông tin, đồng thời khẳng định, công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong nội ngành đáp ứng tiến độ.
Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, việc tồn đọng các văn bản hiện nay chủ yếu là các văn bản về sửa đổi các chuẩn mực KTNN. KTNN cũng đã ban hành kế hoạch để sửa đổi các chuẩn mực KTNN.
Tuy nhiên, sắp tới, INTOSAI sẽ sửa đổi các chuẩn mực kiểm toán quốc tế. Vì vậy, để đáp ứng thông lệ quốc tế thì tiến độ sửa đổi chuẩn mực KTNN phải lùi lại nhằm tiếp thu các thông lệ quốc tế để đưa vào chuẩn mực KTNN Việt Nam.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản luôn được Ngành quan tâm thực hiện, đáp ứng tiến độ đề ra.
Đặc biệt, KTNN đã tổ chức Hội thảo trực tuyến toàn ngành góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với sự tham gia một số cơ quan, chuyên gia và các đơn vị trong toàn Ngành...
Đồng thời, KTNN đã tích cực tham gia góp ý nhiều dự thảo văn bản (133 lượt văn bản), tham gia các cuộc họp cho ý kiến đối với các dự án luật, văn bản khi có yêu cầu.
Ngoài ra, KTNN đã rà soát, tổng hợp và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ nhiều quy định có sơ hở, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc trong các luật, nghị quyết và các văn bản dưới luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, công tác xây dựng thể chế là một trong những điểm nhấn nổi bật trong hoạt động của KTNN năm 2023. Việc KTNN chủ trì xây dựng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán đã góp phần hoàn thiện kỷ luật, kỷ cương để KTNN có cơ sở pháp lý hoạt động tốt hơn.
Trên cơ sở quy định của Pháp lệnh, KTNN đã rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản của Ngành để thực hiện tốt Pháp lệnh. “Đây là cơ sở rất quan trọng để tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tăng cường chất lượng kiểm toán, tăng cường công tác nghiệp vụ của toàn ngành cũng như để tạo điều kiện cho các đối tượng kiểm toán thực hiện” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá./.