Ngày càng đẩy mạnh hoạt động kiểm toán môi trường
Việt Nam là một trong những quốc gia đang phát triển với áp lực tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào hoạt động sản xuất, công nghiệp, khai thác tài nguyên nhiên nhiên, khoáng sản…, là 1 trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Do đó, môi trường dần trở nên dễ bị tổn thương và phải đối mặt với ngày càng nhiều thách thức cùng các vấn đề đặc biệt nghiêm trọng.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề môi trường đối với sự phát triển bền vững của đất nước, vai trò và xu thế phát triển tất yếu của KTMT trong hoạt động của Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI), từ tháng 10/2015, KTNN đã thành lập bộ phận chuyên môn về KTMT tại Vụ Hợp tác quốc tế nhằm nghiên cứu, áp dụng những kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực KTMT và từng bước triển khai, áp dụng tại KTNN.
Đến tháng 10/2018, Phòng KTMT được chuyển về thuộc KTNN chuyên ngành III nhằm chuyên môn hóa công tác tổ chức thực hiện KTMT. Đây là hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế cũng như yêu cầu thực tiễn của Việt Nam.
Để tăng cường năng lực, KTNN đã nghiên cứu, xây dựng và ban hành Hướng dẫn KTMT, Tài liệu đào tạo KTMT dựa trên các tài liệu, văn bản hướng dẫn của Tổ chức Quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI), Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) kết hợp với kinh nghiệm, kết quả kiểm toán trong nước và quốc tế, có điều chỉnh để phù hợp với các quy định, thực tiễn về quản lý môi trường tại Việt Nam.
Trong giai đoạn 2015-2023, KTNN đã tổ chức thực hiện 12 cuộc kiểm toán hoạt động chuyên sâu về các vấn đề môi trường như kiểm toán công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy nhiệt điện, làng nghề; kiểm toán công tác quản lý chất thải y tế, phế liệu nhập khẩu, việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với các Mục tiêu phát triển bền vững…
Ngoài ra, còn có trên 30 cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ có lồng ghép các nội dung về môi trường. Các chủ đề kiểm toán đều là các vấn đề môi trường “nóng”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tác động tiêu cực tới môi trường, được Chính phủ, Quốc hội, người dân quan tâm, đồng thời đã được KTNN rà soát, thu thập thông tin, đánh giá kỹ lưỡng trước khi đưa vào kế hoạch thực hiện.
Thông qua hoạt động KTMT, KTNN đã kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng, ban hành, sửa đổi, bổ sung trên 40 văn bản quy phạm pháp luật; đưa ra những đánh giá khách quan, cung cấp thông tin toàn diện cũng như đề xuất các kiến nghị phù hợp giúp các cơ quan quản lý kịp thời khắc phục tồn tại, thiếu sót.
Từ khi chính thức trở thành thành viên Nhóm công tác về KTMT của ASOSAI năm 2008, thành viên Nhóm công tác về KTMT của INTOSAI (INTOSAI WGEA) năm 2021, KTNN luôn nỗ lực tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm quốc tế vào hoạt động kiểm toán thông qua việc cử nhiều lượt cán bộ, công chức tham gia các khóa đào tạo, hội thảo, hội nghị về KTMT trên thế giới; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu cho phát triển KTMT; tham gia các cuộc kiểm toán hợp tác quốc tế, nhóm đề án nghiên cứu; tăng cường hoạt động hợp tác song phương với nhiều SAI trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ quá trình thực hiện KTMT.
Nhận được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ cũng như người dân đối với những nỗ lực và kết quả đạt được của KTNN trong lĩnh vực KTMT, lần đầu tiên, vai trò của KTNN được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường ban hành năm 2020 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, góp phần giúp KTNN có cơ sở pháp lý vững chắc trong thực hiện KTMT.
Trong khuôn khổ chuyến công tác của KTNN Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 22 của INTOSAI WGEA tại Phần Lan cuối tháng 01 năm nay, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng đã đề nghị SAI Phần Lan tiếp tục ủng hộ KTNN trong các khuôn khổ hợp tác đa phương như INTOSAI và INTOSAI WGEA; mong muốn nhận được sự hỗ trợ của SAI Phần Lan thông qua các hoạt động hợp tác, đào tạo KTNN trong những lĩnh vực thế mạnh của SAI Phần Lan như kiểm toán thích ứng biến đổi khí hậu nói riêng và KTMT nói chung.
Định hướng phát triển kiểm toán môi trường
Nhận thức rõ quan điểm “Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường; đồng thời là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, các cấp chính quyền, các Bộ, ngành và địa phương”, KTNN đã không ngừng phấn đấu, chủ động đưa ra nhiều sáng kiến, đổi mới trong công tác kiểm toán nói chung, KTMT nói riêng.
Tuy nhiên, KTMT là lĩnh vực kiểm toán mới, đa dạng, phức tạp. Trong quá trình triển khai thực hiện, KTNN đang gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo phát triển KTMT phù hợp với xu thế của hoạt động kiểm toán quốc tế cũng như định hướng phát triển kinh tế - xã hội toàn cầu, gắn liền với các Mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai và bối cảnh Việt Nam, KTNN đang triển khai xây dựng lộ trình phát triển KTMT đến năm 2030 bám sát các quan điểm, mục tiêu và trụ cột phát triển đã được phê duyệt theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.
Đại diện lãnh đạo KTNN Chuyên ngành III cho biết, KTNN dự kiến tập trung vào các nội dung hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động KTMT; phát triển tổ chức bộ máy; phát triển nguồn nhân sự; xây dựng cơ sở dữ liệu; nâng cao chất lượng kiểm toán; hợp tác quốc tế về KTMT; nghiên cứu khoa học và thông tin tuyên truyền...
Trong những năm gần đây, KTNN rất chú trọng việc trao đổi, chia sẻ, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm và tài liệu, hướng dẫn từ các SAI trên thế giới. Đặc biệt, trong chuyến công tác tại Phần Lan và Thụy Điển tháng 01 vừa qua, KTNN đã đề nghị SAI Phần Lan, Thụy Điển hỗ trợ về các vấn đề mà KTNN đang gặp khó khăn.
Đồng thời, KTNN kêu gọi sự hỗ trợ chuyên môn từ các SAI để giúp xây dựng lộ trình phát triển KTMT đến năm 2030 cũng như các hoạt động chuyên môn về KTMT, kiểm toán biến đổi khí hậu và kiểm toán các Mục tiêu phát triển bền vững - một trong những thế mạnh của SAI Thụy Điển.
Sau khi tham dự Hội nghị lần thứ 22 INTOSAI WGEA tại Phần Lan, Đoàn công tác của KTNN đã tiếp tục chuyến công tác và có buổi làm việc với SAI Thụy Điển, cùng tham dự buổi tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm về việc thực hiện các chuẩn mực kiểm toán quốc tế và hoạt động kiểm toán trong lĩnh vực môi trường./.