Kiểm toán ngân sách địa phương năm 2019 và chuyên đề Công tác quản lý, đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2017-2019 của TP. Đà Nẵng: Giải ngân vốn đầu tư công chậm vì đâu?

(BKTO) - Hàng trăm dự án được bố trí vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư nhưng chưa có quyết định đầu tư đúng thời hạn quy định; cũng như hàng trăm danh mục công trình được bố trí vốn để khởi công mới hoặc lập quy hoạch nhưng trong năm 2019 chỉ giải ngân được rất hạn chế và cũng hàng trăm dự án bị ảnh hưởng tiến độ do chậm triển khai quy hoạch, thiết kế, lựa chọn nhà thầu, đấu thầu…

16_lai.jpg
Kết quả kiểm toán cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công của TP. Đà Nẵng năm 2019 đạt tỷ lệ thấp. Ảnh tư liệu.

Đó là những nguyên nhân chính khiến giải ngân vốn đầu tư công của TP. Đà Nẵng năm 2019 bị chậm, đạt thấp được KTNN chỉ ra trong cuộc kiểm toán ngân sách địa phương năm 2019 và chuyên đề Công tác quản lý, đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2017-2019 của TP. Đà Nẵng.

Giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 chỉ đạt 67,03%

Cụ thể, kết quả kiểm toán cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công của TP. Đà Nẵng năm 2019 đạt tỷ lệ thấp 5.638,4 tỷ đồng/8.411,4 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 67,03%. Như vậy, số vốn không giải ngân hết đến ngày 31/12/2020 là 2.772,9 tỷ đồng. Nguyên nhân do 273 dự án được bố trí vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư (87,3 tỷ đồng) khi chưa có quyết định đầu tư đến ngày 31/10 của năm trước nên không giải ngân được. Đồng thời, 234 danh mục công trình được bố trí vốn 557,1 tỷ đồng để khởi công mới hoặc lập quy hoạch nhưng trong năm chỉ giải ngân 3,2 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 5,78%. Cùng với đó, có 225 dự án (471,6 tỷ đồng) chậm triển khai quy hoạch, thiết kế, lựa chọn nhà thầu và đấu thầu; 9 dự án (82,3 tỷ đồng) vướng giải phóng mặt bằng; 2 dự án bố trí vượt nhu cầu (899,4 tỷ đồng) và nhiều nguyên nhân khác…

Về quá trình thực hiện trước đó, KTNN đánh giá, ngay từ khi lập, phê duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 (Kế hoạch) của TP. Đà Nẵng, Thành phố đã xây dựng mức dự phòng lần đầu và 3 lần điều chỉnh đều thấp hơn 10% (lần đầu là 6,3%; điều chỉnh lần 1 là 6,3%; điều chỉnh lần 2 là 1,2% và điều chỉnh lần 3 là 5,7%) là chưa đảm bảo mức dự phòng theo quy định. Việc phê duyệt Kế hoạch tại Nghị quyết số 265/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 cho 819 công trình khởi công mới, hoàn thành trong giai đoạn 2015-2020 với tổng mức đầu tư 196,2 tỷ đồng, bình quân 240 triệu đồng/1 công trình cho thấy, việc phê duyệt danh mục mang tính phân tán, dàn trải, trong đó có 14 danh mục công trình (1,4 tỷ đồng) thuộc nhiệm vụ chi của cấp quận, huyện nhưng đã dùng nguồn ngân sách Thành phố để bổ sung.

Một số bất cập khác trong Kế hoạch được KTNN làm rõ là có 7 danh mục dự án được phê duyệt nhưng không xác định mức vốn bố trí; 29 dự án được phê duyệt số tiền 8,5 tỷ đồng nhưng chưa phân bổ danh mục dự án chi tiết; phân bổ tổng thể 5.933,7 tỷ đồng vốn ODA nhưng không chi tiết cụ thể danh mục, hợp phần, hạng mục. TP. Đà Nẵng cũng đã bố trí vốn đối ứng cho Dự án cải thiện hạ tầng giao thông (dự án sử dụng nguồn vốn T.Ư vay nước ngoài) trong khi hiệp định vay vốn chưa được ký kết theo quy định dẫn đến phải điều chỉnh 4 lần, làm giảm nguồn lực đầu tư cho các dự án khác. Những bất cập này khiến KTNN kết luận việc lập Kế hoạch của TP. Đà Nẵng chưa sát thực tiễn và chưa chặt chẽ.

Công tác quản lý, thực hiện còn nhiều bất cập

Trong năm 2019, Thành phố chưa xây dựng đủ mức vốn trong Kế hoạch của 2 dự án để có nguồn hoàn trả ứng trước ngân sách Trung ương (NSTƯ); bố trí kế hoạch vốn cho 5 dự án khi chưa đủ thủ tục đầu tư; bố trí kế hoạch vốn cho 3 dự án vượt quá nhu cầu và bố trí kế hoạch vốn cho 4 dự án vướng công tác giải phóng mặt bằng, chỉ thanh toán được 380 triệu đồng (0,9%) dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp.

Trong khi Thành phố bố trí kế hoạch vốn cho 395 công trình chuẩn bị đầu tư chưa có trong Kế hoạch; bố trí kế hoạch vốn đầu năm 2019 cho 13 dự án không có trong Kế hoạch (dù đến cuối năm địa phương đã rà soát, bổ sung 12/13 danh mục với số vốn 29,2 tỷ đồng vào Kế hoạch) và bố trí vốn đầu năm cho 195 dự án vượt Kế hoạch (dù đến thời điểm cuối năm số vốn vượt này đã được địa phương bổ sung vào Kế hoạch) nhưng lại không bố trí vốn cho Dự án Khu công nghiệp Hòa Ninh (20 tỷ đồng) có trong danh mục Kế hoạch và đến thời điểm tháng 5/2020, Dự án này cũng chưa được bố trí kế hoạch vốn hằng năm.

Ngoài những bất cập trên, trong thực tế quản lý, sử dụng vốn đầu tư, Thành phố đã thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư, giao nhiệm vụ chủ đầu tư 73 dự án với tổng mức đầu tư 1.020,7 tỷ đồng cho 13 chủ đầu tư không phải là Ban quản lý dự án chuyên ngành; có 4 dự án mà tại văn bản thẩm định để đưa vào danh mục Kế hoạch không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cụ thể. Kết quả kiểm toán tại 3 quận, huyện cũng cho thấy, có 3 dự án được phê duyệt với tổng mức đầu tư 207,4 tỷ đồng không có trong Kế hoạch; Dự án Trạm quan trắc môi trường tự động được phê duyệt và dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2018-2020 với tổng mức đầu tư 111 tỷ đồng nhưng Kế hoạch chỉ bố trí 61,1 tỷ đồng, bằng 54%, chưa đảm bảo nguồn vốn hoàn thành Dự án; việc xác định nguồn vốn 2 dự án trong lĩnh vực giao thông còn chung chung, chưa cụ thể. Hơn nữa, kết quả kiểm toán 9 dự án chi tiết tại 3 quận, huyện còn phát hiện sai sót trong tính toán khối lượng làm tăng giá trị dự toán 1.001 tỷ đồng.

Liên quan đến công tác đấu thầu và lựa chọn nhà thầu, KTNN chỉ ra rằng, có 13 dự án thuộc nhóm xây dựng trường học, trụ sở nhưng kế hoạch lựa chọn nhà thầu lại tách riêng chi phí xây dựng, chi phí thiết bị của công trình thành 2 gói thầu độc lập có giá gói thầu thiết bị dưới 1 tỷ đồng để thực hiện chỉ định thầu, trong khi tại một số dự án khác lại gộp 2 loại chi phí này thành 1 gói thầu để thực hiện đấu thầu rộng rãi theo quy định. Như vậy, tiêu chí làm cơ sở phân chia gói thầu của cơ quan thẩm định còn thiếu nhất quán.

Đáng chú ý, theo số liệu tổng hợp, năm 2019, chỉ có 66/243 gói thầu được phê duyệt lựa chọn nhà thầu thông qua đấu thầu qua mạng, đạt 27,16% số gói thầu và đạt 2,97% trên tổng giá gói thầu được duyệt 230,6 tỷ đồng/7.772,9 tỷ đồng. Như vậy, TP. Đà Nẵng chưa đảm bảo chỉ tiêu phấn đấu đưa tỷ lệ lựa chọn nhà thầu qua mạng bằng hình thức chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi đạt tối thiểu 50% về số lượng gói thầu và 15% tổng giá trị gói thầu theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ…

Từ những bất cập nêu trên, KTNN đã kiến nghị UBND TP. Đà Nẵng cần phải chấn chỉnh, khắc phục và yêu cầu Thành phố điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm sau đảm bảo xây dựng đầy đủ nguồn vốn được bố trí từ NSTƯ; xây dựng đủ mức vốn trong Kế hoạch để có cơ sở T.Ư bố trí hoàn vốn ứng trước cho 2 dự án 141,4 tỷ đồng; trình HĐND Thành phố bổ sung 3 dự án đã được phê duyệt với tổng mức đầu tư 207,4 tỷ đồng vào Kế hoạch; điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2020 là 940 triệu đồng đã phân bổ để trả lãi vay cho 1 dự án. Đồng thời chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo chỉ tiêu và lộ trình lựa chọn nhà thầu qua mạng./.

Năm 2019, tại TP. Đà Nẵng, có 3 dự án vốn NSTƯ phát sinh nợ đọng 20,8 tỷ đồng; 3 dự án do Thành phố quản lý phát sinh nợ đọng mới 154,6 tỷ đồng là chưa phù hợp với Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Nguyên nhân do Thành phố bố trí kế hoạch vốn chưa đảm bảo theo tiến độ thực hiện dự án.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán ngân sách địa phương năm 2019 và chuyên đề Công tác quản lý, đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2017-2019 của TP. Đà Nẵng: Giải ngân vốn đầu tư công chậm vì đâu?