Quản lý thu thuế chưa chặt chẽ; thanh tra, kiểm tra chưa đầy đủ
Qua kiểm toán, KTNN phát hiện Cục Thuế TP. Đà Nẵng thực hiện việc xác minh thực tế hoạt động của người nộp thuế tại địa chỉ đăng ký còn trường hợp chậm 239 ngày so với quy định. Trong quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh khoán thuế tại 3 quận, huyện Cẩm Lệ, Hòa Vang, Liên Chiểu, tính đến thời điểm kiểm toán 15/5/2020, cả 3 quận, huyện chưa đưa vào quản lý thu thuế đối với 554 hộ kinh doanh có giấy phép đăng ký kinh doanh cấp mới trong năm 2019. Tại quận Cẩm Lệ, có 316 hộ không hoạt động tại địa điểm kinh doanh đã quá 6 tháng, cơ quan thuế đã kiểm tra, xác nhận nhưng lại chưa chuyển thông tin cho Phòng Tài chính - Kế hoạch quận để tiến hành thu hồi giấy phép kinh doanh theo quy định. Việc khai thác người nộp thuế để đưa vào quản lý thu thuế hoạt động xây dựng nhà ở tư nhân còn thấp nhưng cơ quan thuế chưa giải trình được nguyên nhân. Cụ thể, Chi cục Thuế quận Cẩm Lệ chỉ quản lý thu thuế được 20% giấy phép xây dựng, trong khi tỷ lệ này ở Chi cục Thuế huyện Hòa Vang là 40% và Chi cục Thuế quận Liên Chiểu là 43%.
Liên quan đến việc chấp hành phân công quản lý thu thuế đối với DN, kết quả kiểm toán cho thấy, có 3 DN có giao dịch liên kết và 4 DN có ngành nghề môi giới bảo hiểm thuộc đối tượng Cục Thuế quản lý nhưng hiện lại đang phân công cho Chi cục Thuế quản lý. Về miễn, giảm thuế thu nhập DN, KTNN xác định, có 2 trường hợp không đủ điều kiện được hưởng chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN. Cụ thể, Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Bình Dân đều có 9/11 tiêu chí không đủ điều kiện là DN xã hội hóa theo quy định, trong đó có các tiêu chí về diện tích khu đất xây dựng bệnh viện, diện tích sàn xây dựng/giường bệnh, mật độ xây dựng thuần/diện tích xây dựng.
KTNN cũng phát hiện Công ty TNHH Phát triển giáo dục APU là DN 100% vốn đầu tư nước ngoài tự xác định trên tờ khai quyết toán thuế thu nhập DN là được ưu đãi thuế theo giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm toán, đơn vị chưa được Thủ tướng Chính phủ quyết định chính sách ưu đãi nên chưa đủ điều kiện được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN trong lĩnh vực xã hội hóa. Cùng với đó, có 23 trường hợp ưu đãi thuế ngành sản xuất phần mềm do Cục Thuế quản lý thu, năm 2019 tự khai hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN (29,448 tỷ đồng), trong khi báo cáo tài chính của các đơn vị đều không thuyết minh cụ thể phần doanh thu sản xuất phần mềm, thiếu cơ sở xác định số thuế thu nhập DN được hưởng ưu đãi. Qua các năm, Cục Thuế đều chưa đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở DN hoặc tại trụ sở cơ quan quản lý thuế.
Cũng liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra thuế và chống thất thu ngân sách, KTNN phát hiện Cục Thuế Đà Nẵng chỉ hoàn thành 68,5% chỉ tiêu kế hoạch phải thanh tra tại trụ sở người nộp thuế trong năm 2019. Việc phân tích thông tin DN trước khi quyết định tranh tra còn có trường hợp chưa đầy đủ. Quá trình thanh tra chấp hành pháp luật thuế năm 2017-2018 tại Công ty Cổ phần Đức Mạnh chưa xem xét đến ảnh hưởng của việc có phát sinh giao dịch liên kết theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Biên bản thanh tra thuế còn nhiều trường hợp chưa viện dẫn đầy đủ các căn cứ pháp lý đối với các hành vi sai phạm; chưa chi tiết rõ nội dung kinh tế của các nghiệp vụ được xác định sai sót.
Năm 2019, ngành thuế thực hiện kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đạt 60,9% kế hoạch kiểm tra DN định danh qua ứng dụng phân tích rủi ro, ngược lại, việc kiểm tra DN không định danh lại đạt 276,7% kế hoạch, dẫn đến kế hoạch kiểm tra hằng năm Tổng cục Thuế giao cho ngành thuế TP. Đà Nẵng chưa được triển khai thực hiện đầy đủ. Tương tự, 3 Chi cục Thuế được kiểm toán cũng không hoàn thành kế hoạch kiểm tra DN định danh qua ứng dụng phân tích rủi ro.
Nợ đọng thuế hàng trăm tỷ đồng, có khoản kéo dài nhiều năm
Một con số đáng chú ý được KTNN đưa ra trong báo cáo kiểm toán là toàn ngành thuế Đà Nẵng còn 664/1.700 DN định danh chưa được kiểm tra, một số trường hợp thủ tục hồ sơ chưa đầy đủ, thời hạn công khai Biên bản kiểm tra trước người nộp thuế chậm; Biên bản kiểm tra không viện dẫn đầy đủ căn cứ pháp lý đối với các phát hiện sai sót của đơn vị; xử lý một số nghiệp vụ trong kiểm tra thuế chưa chặt chẽ. Qua rà soát trên hồ sơ tại cơ quan thuế, kiểm toán xác định tăng thu thuế thu nhập DN 87,891 tỷ đồng tại 5 DN. Ngoài ra, còn nhiều nghi vấn trên hồ sơ kiểm toán do không có điều kiện đối chiếu làm rõ nhằm xác định đầy đủ nghĩa vụ với NSNN.
Liên quan đến công tác chống thất thu NSNN của Cục Thuế, còn 9/20 DN được lựa chọn tiến hành thanh tra, kiểm tra chuyên đề kinh doanh bất động sản nhưng chưa được cơ quan Thuế thực hiện. Cục Thuế chưa thường xuyên thu thập thông tin để đưa vào kế hoạch chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh đường bộ; Sở Giao thông vận tải chưa có sự phối hợp cung cấp cho Cục Thuế danh sách các xe mới cấp phù hiệu hợp đồng, số phương tiện đăng ký kinh doanh vận tải theo đề nghị của Cục Thuế để chống thất thu thuế.
Một trong những vấn đề đáng chú ý là qua kiểm toán, KTNN xác định tăng nợ thuế 235,972 tỷ đồng, do tăng nợ tiền thuê đất 23,966 tỷ đồng; tăng tiền sử dụng đất 212,006 tỷ đồng. Riêng đối với khoản nợ tiền thuê đất 1.142,7 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec chưa được Cục Thuế phản ánh vào báo cáo nợ đọng thuế do đơn vị đang làm thủ tục để được hưởng ưu đãi tiền thuê đất đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa, UBND TP. Đà Nẵng đã có công văn giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát lại hồ sơ, thủ tục, chính sách xã hội hóa…
KTNN cũng đánh giá, công tác cưỡng chế nợ thuế đối với một số trường hợp còn chưa kịp thời, chưa đảm bảo quy định của Bộ Tài chính, trong đó có 1 trường hợp nợ thuế 23,274 tỷ đồng trên 90 ngày nhưng chưa thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định; 5 trường hợp chưa áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ tiếp theo mặc dù chưa thu đủ số nợ thuế sau khi đã áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Ngoài ra, có 2 khoản nợ phải thu ngân sách nhưng nhiều năm chưa được phản ánh vào Báo cáo nợ thuế, trong đó có 1 khoản nợ tiền sử dụng đất tái định cư 750,273 tỷ đồng. Khoản còn lại, theo báo cáo của Sở Tài chính, số tiền sử dụng đất phải truy thu và đã được thông báo thu theo số liệu của Thanh tra Chính phủ là 1.002,9 tỷ đồng, trong đó số đã nộp NSNN là 636,49 tỷ đồng, số còn phải thu là 366,41 tỷ đồng; số truy thu đối với các trường hợp được giảm tiền sử dụng đất và số đã thông báo thu là 865,669 tỷ đồng, trong đó số đã nộp NSNN xấp xỉ 273,739 tỷ đồng, số còn phải thu gần 591,93 tỷ đồng. UBND TP. Đà Nẵng đã có công văn giao cho các ngành đề xuất biện pháp triển khai thực hiện và Cục Thuế cũng đã có công văn xin ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Thuế nhưng đến thời điểm kiểm toán vẫn chưa nhận được phúc đáp./.