Trong không khí vui tươi, phấn khởi hướng tới kỷ niệm 30 năm ngày thành lập KTNN, Hội thảo “Kiểm toán nhà nước - 30 năm xây dựng và phát triển” đã để lại dấu ấn khó phai với nhưng chia sẻ rất chân tình của các thế hệ cán bộ, lãnh đạo KTNN, các đại biểu, cùng những kỳ vọng và niềm tin vào trang sử mới trên hành trình phát triển của KTNN.
Dấu ấn hình thành hệ thống cơ sở pháp lý
Trong Tọa đàm đầu tiên với chủ đề “Dấu ấn trong hình thành hệ thống cơ sở pháp lý cho hoạt động KTNN”, nguyên Tổng Kiểm toán nhà Đỗ Bình Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đặng Văn Hải và Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Lê Đình Thăng đã nhớ lại thời kỳ đầu khi không nhiều người biết về KTNN, chưa hiểu về kiểm toán để thấy rằng khi KTNN được hiến định vào Hiến pháp là cả một chặng đường dài với sự cố gắng của rất nhiều thế hệ.
KTNN được thành lập theo Nghị định số 70/CP ngày 11/7/1994 của Chính phủ. Đến tháng 01/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 61/1995/QĐ-TTg ban hành Quy chế hoạt động của KTNN. Gần 10 năm sau khi Nghị định số 70/CP và Quyết định số 61/1995/QĐ-TTg ban hành, nhiều hạn chế, bất cập đã phát sinh, ngày 13/8/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KTNN, trong đó chỉ rõ: “KTNN là cơ quan thuộc Chính phủ”.
Ban đầu, kế hoạch là xây dựng Pháp lệnh. Công việc này cũng đã được thực hiện trong nhiều năm. Nhưng sau đó, chúng tôi đã đề nghị lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo Chính phủ cho KTNN làm luật. Lúc đó tôi đã giao vụ Pháp chế đọc tất cả luật các nước nhưng vẫn phải sát với thực tiễn Việt Nam để xây dựng Luật.
Nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước Đỗ Bình Dương
Luật KTNN năm 2005 được thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2006 là một bước ngoặt quan trọng, đã nâng cao địa vị pháp lý của KTNN thêm một bậc, từ một cơ quan giúp Thủ tướng Chính phủ, trở thành cơ quan thuộc Chính phủ và sau đó là cơ quan chuyên môn do Quốc hội thành lập. Đặc biệt, ngày 28/11/2013, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp năm 2013; trong đó, lần đầu tiên, địa vị pháp lý của KTNN và Tổng Kiểm toán nhà nước được quy định trong Hiến pháp. Đây là dấu mốc lịch sử trong hành trình kiến tạo, xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho KTNN.
Để cụ thể hóa quy định về KTNN trong Hiến pháp năm 2013, ngày 24/6/2015, Luật KTNN (sửa đổi) đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016, thay thế Luật KTNN năm 2005. Tiếp đó, ngày 26/11/2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.
Xây dựng, phát triển tổ chức bộ máy, quy định chuyên môn
Bên cạnh chặng đường xây dựng và hình thành khuôn khổ pháp lý, các đại biểu đã chia sẻ những mốc son tự hào trong xây dựng, phát triển tổ chức bộ máy, quy định chuyên môn.
Tại Tọa đàm thứ hai “Những mốc con tự hào trong xây dựng, phát triển tổ chức bộ máy, quy định chuyên môn”, nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hoàng Hồng Lạc, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Văn Mục, nguyên Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI Nguyễn Hồng Long, nguyên Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IX Hoàng Bổng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Đỗ Văn Tạo và Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Bá Dũng đã ôn lại những “mốc son” đáng tự hào trong quá trình xây dựng và phát triển tổ chức bộ máy của KTNN 30 năm qua.
“Khi Chính phủ ban hành Nghị định 70/CP về việc thành lập KTNN, lúc đó KTNN không có gì: Không có cơ sở vật chất, không có con người. Sau đó, Chính phủ tìm được 3 người lãnh đạo: ông Vương Hữu Nhơn, tiến sĩ học ở Liên Xô, đang là Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh; ông Hà Ngọc Son, học đại học ở Liên Xô, đang là Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán của Bộ Tài chính; ông Bùi Hải Ninh - tiến sĩ về kế toán, cũng học ở Liên Xô. Cả ba ông đều viết rất nhiều sách về kế toán... 3 ông hội ý rồi đề nghị Bộ Tài chính cử một số người sang giúp KTNN xây dựng tổ chức bộ máy. Lúc ấy, tôi đang ở Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Tài chính, được biệt phái sang giúp KTNN về công tác tổ chức và cán bộ nhưng vẫn “ăn lương” ở Bộ Tài chính” - ông Nguyễn Văn Mục nhớ lại.
“Tôi vẫn còn nhớ rõ, Tổng Kiểm toán nhà nước Đỗ Bình Dương giao cho tôi bố trí bàn ghế cho cán bộ, kiểm toán viên tại trụ sở 37 Hùng Vương, tôi còn không biết bàn ghế đặt được ở đâu... Lúc đó, cả cơ quan có 4 - 5 xe ô tô, không đủ để bố trí cho nhân sự đi thực hiện kiểm toán. Đôi khi, KTNN phải nhờ đơn vị bố trí phương tiện để đi kiểm toán, song như thế sẽ ảnh hưởng đến tính độc lập của hoạt động kiểm toán. Do đó, Tổng Kiểm toán nhà nước Đỗ Bình Dương đã trao đổi, nhờ một số tổ chức hỗ trợ thêm cho KTNN”, nguyên Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI Nguyễn Hồng Long chia sẻ những kỷ niệm không bao giờ quên.
Khi nhắc đến nhân lực, nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hoàng Hồng Lạc chia sẻ: “Những ngày đầu thành lập, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của KTNN được một số đơn vị nhận thức rất mơ hồ. Do đó, việc tuyển dụng nhân sự cho KTNN gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc tuyển dụng ở các KTNN khu vực. Hồi đó, tôi được giao nhiệm vụ giúp việc Tổng Kiểm toán nhà nước, đặt vấn đề với các cơ quan địa phương để xin cán bộ chủ chốt về thành lập các khu vực mới. Có nhiều người nhận lời về, tuy nhiên, khi triển khai thực hiện các thủ tục thì họ đều xin rút, không về KTNN”.
“Lúc đó, công tác tổ chức cán bộ rất là thiếu, chủ yếu lấy từ các ngành tài chính và các doanh nghiệp. Sau này, KTNN có đợt thi tuyển đầu tiên, nhưng sau đấy một thời gian, hầu như các em, các cháu trẻ đều chuyển ra ngoài bởi lương của kiểm toán thấp quá…” - nguyên Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IX Hoàng Bổng nhớ lại những năm tháng đầu tiên thành lập KTNN khu vực phía Nam.
“Hoạt động kiểm toán thời kỳ đầu thiếu thốn lắm, đặc biệt là các trang thiết bị kiểm toán. Chúng tôi đã cố gắng vượt qua những khó khăn, thử thách. Điều tự hào nhất là chúng tôi được đứng vào hàng ngũ thế hệ kiểm toán viên đầu tiên của KTNN” - nguyên Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Mai Vinh chia sẻ.
Trải qua quá trình khó khăn, đến nay, KTNN đã xây dựng được đội ngũ lớn mạnh. Từ năm 2010, Ban cán sự Đảng KTNN đã có nhiều chính sách để thu hút nhân tài - cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ tốt nghiệp xuất sắc ở nước ngoài và thủ khoa ở các trường Đại học. Các địa biểu đánh giá, nguồn nhân lực chất lượng cao của KTNN đã phát huy rất tốt năng lực, sở trường, phân tích, viết báo cáo, đồng thời có khả năng ngoại ngữ phục vụ cho công tác hội nhập quốc tế của KTNN. Đây là dấu ấn đối với KTNN.
Không chỉ cơ sở vật chất, nhân lực, những ngày đầu thành lập, KTNN cũng chưa có cơ chế tổ chức hoạt động, chưa quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn kiểm toán, Trưởng đoàn kiểm toán và kiểm toán viên. Cuối năm 2013, KTNN bắt đầu triển khai xây dựng quy chế kiểm soát chất lượng kiểm toán với 5 cấp độ kiểm soát từ kiểm toán viên, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, Trưởng đoàn kiểm toán, Kiểm toán trưởng cho đến lãnh đạo KTNN. Ngày 12/3/2014, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ký Quyết định số 395/QĐ-KTNN ban hành Quy chế kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN.
KTNN đạt được những thành công và uy tín như hôm nay là do tất cả các Tổng Kiểm toán nhà nước đều quan tâm và coi trọng công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán. Đặc biệt hiện nay, Ngành rất chú trọng công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên, nhất là trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ Ngành, với phương châm hoạt động “Chất lượng, chất lượng hơn và chất lượng hơn nữa” - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Hoàng Phú Thọ cho biết.
Bên cạnh đó, năm 1999, lần đầu tiên, KTNN ban hành hệ thống 14 Chuẩn mực kế toán, kiểm toán nhà nước. Đây là những nguyên tắc, yêu cầu cơ bản nhất để tổ chức hoạt động kiểm toán. Năm 2010, KTNN sửa đổi, bổ sung thành 21 Chuẩn mực KTNN, gồm 3 hệ chuẩn mực: Chuẩn mực chung, chuẩn mực về thực hành, chuẩn mực về báo cáo.
Khi hoạt động hợp tác quốc tế của KTNN Việt Nam được mở rộng, năm 2013, KTNN bắt đầu tiến hành xây dựng, sửa đổi hệ thống Chuẩn mực KTNN lần thứ 3. Đến năm 2016, 39 chuẩn mực KTNN mới đã được ban hành, đã tiếp cận Chuẩn mực quốc tế ISSAIs, chọn lọc những nội dung cốt lõi của quốc tế nhưng vẫn phù hợp với cơ chế chính sách, pháp luật và thực tiễn của Việt Nam.
“Hệ thống 39 chuẩn mực này đã tạo điều kiện rất quan trọng về cơ sở pháp lý, tính chuyên nghiệp trong hoạt động kiểm toán và đặc biệt đảm bảo cho nền tảng triết lý về kiểm toán công” - nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên đánh giá.
Đến nay, Hệ thống Chuẩn mực KTNN mới sẽ bao quát được tất cả các hoạt động của KTNN, phù hợp với môi trường phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu trong môi trường công nghệ thông tin; đồng thời thích ứng với điều kiện môi trường, cơ chế và thực tiễn hoạt động của KTNN thời gian tới.
Kỳ vọng và định hướng tương lai
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển KTNN trở thành công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, KTNN tiếp tục kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp trên cơ sở 3 trụ cột phát triển về khuôn khổ pháp lý, nguồn nhân lực và công nghệ; kế thừa và phát huy truyền thống 30 năm xây dựng và phát triển; xây dựng văn hoá KTNN “Kỷ cương - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Hiện đại”; tiếp tục kiên định với phương châm hành động “Chất lượng và đạo đức công vụ”, hướng tới nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững.
Tại Tọa đàm thứ ba với chủ đề “KTNN: Những dấu ấn hôm nay, kỳ vọng và định hướng tương lai đáp ứng yêu cầu đổi mới”, nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Quốc hội Đặng Văn Thanh, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Minh Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh và Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi đã đưa ra những ý kiến đóng góp quý báu cho sự phát triển của KTNN.
Theo ông Lê Minh Nam, KTNN cần trình cấp có thẩm quyền cho phép sửa đổi, bổ sung quy định của Luật KTNN, bổ sung ban hành các nghị quyết nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới và chuẩn bị cung cấp đầy đủ thông tin, hồ sơ tài liệu theo quy định. Theo đó, đề nghị KTNN đặc biệt quan tâm đến việc đề xuất bổ sung các quy định về điều kiện, thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán phòng chống tham nhũng theo quy định của Luật KTNN; các quy định tăng cường trách nhiệm của các bên có liên quan trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán…
Bên cạnh đó, từ thực tiễn kết quả kiểm toán và đòi hỏi của nhiệm vụ quản lý, KTNN cần chủ động hơn nữa trong việc cung cấp thông tin, tài liệu và đề xuất những vấn đề trọng tâm, trọng yếu, trọng điểm liên quan đến yêu cầu hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý tài chính công, tài sản công; những vấn đề cần tăng cường quản lý nguồn lực công quốc gia; chủ động xử lý từ sớm, từ xa hoặc có những biện pháp phòng ngừa, hạn chế những rủi ro, thất thoát, lãng phí nguồn lực của Nhà nước, của doanh nghiệp, của người dân và xã hội.
KTNN cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kiểm toán. Ví dụ, để đáp ứng yêu cầu của công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cần bổ sung một số quy định cho KTNN, như: kiểm toán trách nhiệm kinh tế, kiểm toán điều tra hay là các thẩm quyền để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản trong trường hợp KTNN phát hiện ra các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Trong thời đại Cách mạng công nghệ 4.0, cần bổ sung các quy định liên quan đến trách nhiệm cung cấp dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán; việc tích hợp, kết nối, trao đổi dữ liệu điện tử giữa KTNN và đơn vị được kiểm toán, tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi phương pháp kiểm toán truyền thống sang phương pháp kiểm toán dựa trên dữ liệu số - nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh khuyến nghị.
Thời gian tới, KTNN sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chuẩn mực, quy trình, hồ sơ kiểm toán. Trước mắt là rà soát và bổ sung các quy định theo Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; xây dựng Thông tư liên tịch quy định về phối hợp giữa Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát, KTNN trong việc trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán.
Sự có mặt và đóng góp ý kiến của các thế hệ cán bộ, lãnh đạo KTNN, các đồng chí lãnh đạo đại diện cho các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cùng các đại biểu là động lực để thế hệ hiện tại và tương lai của KTNN tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao với phương châm hành động “gọn nhưng chất lượng”; góp phần quan trọng vào sự phát triển ổn định, bền vững, minh bạch nền tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất nước và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch, bảo vệ pháp luật, sự liêm chính; giữ vững niềm tin của Nhân dân, Đảng và Nhà nước./.