Cộng hòa Séc: Ngân sách chi cho công tác cải thiện môi trường chưa được sử dụng hiệu quả

(BKTO) - Những năm gần đây, Kiểm toán nhà nước Cộng hòa Séc (SAO) đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng chậm chạp, trì trệ trong việc giải quyết các vấn đề gây ô nhiễm môi trường, mặc dù nhà nước đã chi những khoản tiền lớn từ ngân sách để cải thiện công tác này.

16-1.jpg
Công tác bảo vệ môi trường cần sự chung tay của các cơ quan, tổ chức. Ảnh: ST

Những vấn đề dai dẳng chưa được giải quyết

SAO đã công bố một báo cáo và cho biết, nhà nước đã chi 66,2 tỷ koruna Séc (CZK), tương đương 2,84 tỷ USD, để giải quyết các vấn đề đang tạo áp lực và gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên qua kiểm toán, SAO chỉ ra rằng trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến 2022, các Bộ, ban, ngành liên quan chưa thu được kết quả nào đáng kể trong việc loại bỏ các gánh nặng này, các kế hoạch hành động vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Kế hoạch loại bỏ các gánh nặng về môi trường bắt đầu được thực hiện ở Cộng hòa Séc từ 32 năm trước (năm 1991). Cho đến nay, nhà nước đã chi 66,2 tỷ CZK để thực hiện nhiệm vụ này, tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa cao.

Điển hình là tình trạng các biện pháp mà Bộ Tài chính Séc áp dụng để góp phần cải thiện môi trường đều không mang lại hiệu quả. Bộ Tài chính dự định đẩy nhanh quá trình xóa bỏ những gánh nặng lên môi trường từ năm 2018 và hoàn thành vào cuối năm 2028. Tuy nhiên, SAO cho rằng điều này sẽ không thể thực hiện được vì các biện pháp Bộ Tài chính đưa ra không có hiệu quả. Theo ước tính mới nhất của Bộ Tài chính, những gánh nặng về môi trường nhanh nhất phải đến năm 2042 mới được xóa bỏ vì hiện nay có những địa phương vẫn chưa bắt đầu công tác khắc phục.

Tại thời điểm SAO tiến hành kiểm toán, 120 trong số 327 hợp đồng cải tạo môi trường đã được ký kết (37% tổng số hợp đồng) vẫn chưa hoàn thành tiến độ. Hậu quả của tình trạng trên là những gánh nặng cũ chưa được giải quyết, những vấn đề bất cập mới lại phát sinh gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường, làm nảy sinh những mối đe dọa đối với thiên nhiên cũng như sức khỏe của cộng đồng.

Báo cáo kiểm toán của SAO nêu dẫn chứng về việc chậm khắc phục tình trạng ô nhiễm của hồ nước mặn Ostramo. Một thỏa thuận về môi trường đã được ký kết từ năm 1997, tuy nhiên, đến năm 2004, việc loại bỏ và xử lý bùn thải tại hồ mới bắt đầu được thực hiện và quá trình này đã kéo dài tới 18 năm. SAO cho biết, việc xử lý đất bị ô nhiễm gần một số đầm, hồ vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị và dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2032, tức là 35 năm sau khi thỏa thuận môi trường được ký kết.

Chậm trễ gây ra nhiều hệ lụy

Trước đây, SAO đã nhiều lần công bố các báo cáo kiểm toán và chỉ ra rằng, quá trình xóa bỏ những gánh nặng về môi trường diễn ra rất chậm chạp và không hiệu quả. Từ những phát hiện kiểm toán, SAO đã chỉ ra những hậu quả nặng nề của việc trì hoãn kế hoạch thực hiện các hành động vì môi trường. Một trong số đó là việc gia tăng chi tiêu ngân sách nhà nước, việc loại bỏ các gánh nặng ô nhiễm môi trường sẽ trở nên tốn kém hơn những năm trước.

SAO nhấn mạnh, các Bộ, ban, ngành mới chỉ thực hiện các biện pháp khắc phục tạm thời nhằm ngăn chặn sự lây lan ô nhiễm sang khu vực xung quanh. Những biện pháp này chỉ giúp duy trì tình trạng hiện tại hoặc cải thiện hệ sinh thái không đáng kể. Một số kế hoạch hoạt động tạm thời do Bộ Tài chính chi trả kinh phí đã kéo dài hơn 10 năm ở 9 địa điểm. Điển hình ở khu vực Jan Šverma Koksovna, các biện pháp tạm thời thậm chí đã được thực hiện liên tục trong 25 năm qua. Bộ Tài chính đã chi trả tổng cộng 187,3 triệu CZK cho riêng các biện pháp này nhưng cũng không thu được nhiều kết quả.

Từ năm 2018 đến 2022, Bộ Tài chính có ngân sách 2,5 tỷ CZK mỗi năm để góp phần đẩy nhanh quá trình xóa bỏ gánh nặng cho hệ sinh thái. Tuy nhiên, Bộ chưa có kế hoạch chi tiêu ngân sách hiệu quả, chỉ khoảng 35% số tiền này được chi tiêu theo kế hoạch đã đề ra. Trong bối cảnh này, SAO cảnh báo rằng, trong tương lai, Bộ có thể đối mặt với nguy cơ không được cấp ngân sách nhiều như trước.

Theo các phát hiện của SAO, vào tháng 4/2023, bảo lãnh của nhà nước không đủ trang trải các chi phí cần thiết tại 16 địa điểm cần cải thiện môi trường. Trong 15 trường hợp, công việc khắc phục bị dừng lại, bị hạn chế hoặc thậm chí không được bắt đầu. Theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với những hợp đồng môi trường bị chấm dứt do không đủ tiền bảo lãnh, nhà nước không thể yêu cầu các bên liên quan hoàn thành trách nhiệm đã cam kết khiến nhiều dự án bị dang dở.

SAO bày tỏ mối quan ngại khi các khu vực cần kinh phí để cải thiện môi trường có nguy cơ tăng lên, do đó, việc hoàn thành mục tiêu khó có thể được thực hiện và mang lại kết quả như mong đợi. SAO kêu gọi các Bộ, ban, ngành và các bên liên quan cần chung tay, nỗ lực hành động để ngăn chặn tình trạng môi trường ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng hơn trên diện rộng, nhằm giảm nhẹ ảnh hưởng đến cả những khu vực nhà nước đã cấp kinh phí để khắc phục các vấn đề môi trường./.

(Theo SAO và tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Cộng hòa Séc: Ngân sách chi cho công tác cải thiện môi trường chưa được sử dụng hiệu quả