Kiểm toán nhà nước: Chủ động tham gia tối đa vào việc giám sát hoạt động ngân hàng

(BKTO) - Thực tiễn thời gian vừa qua cho thấy một số ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP), trong đó có SCB đã tồn tại những rủi ro ảnh hưởng tới an toàn của hệ thống ngân hàng. Vậy với vai trò, chức năng, trách nhiệm của mình, KTNN đã làm gì để góp phần phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn các rủi ro nguy cơ ảnh hưởng tính thanh khoản và an toàn hệ thống ngân hàng?

Ông Bùi Quốc Dũng - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đã có cuộc trao đổi với báo chí để làm rõ vấn đề này.

sep-dung-cat.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng thông tin về một số kết quả kiểm toán nổi bật trong lĩnh vực ngân hàng. Ảnh: Tư liệu

Thưa Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, các tổ chức tài chính ngân hàng là một trong những trọng tâm trong kế hoạch kiểm toán hằng năm của KTNN, xin ông cho biết một số kết quả kiểm toán nổi bật đối với lĩnh vực này trong những năm qua, đặc biệt là năm 2023?

Năm 2023, toàn ngành KTNN đã hoàn thành 135 nhiệm vụ kiểm toán, phát hành 248 báo cáo kiểm toán. Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý 49.941,42 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 3.841 tỷ đồng, giảm chi NSNN 17.505,33 tỷ đồng; kiến nghị khác 28.595,09 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 198 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý có nội dung không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn (gồm 01 Luật, 08 Nghị định, 05 Quyết định, 27 Thông tư và 157 văn bản khác).

Riêng trong lĩnh vực kiểm toán các tổ chức tài chính ngân hàng, KTNN đã phát hành 10 báo cáo kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính 599,4 tỷ đồng; trong đó, kiến nghị tăng thu NSNN 380,5 tỷ đồng, giảm chi NSNN và chi đầu tư 2,5 tỷ đồng, xử lý tài chính khác 216,3 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị chấn chỉnh hoạt động của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công.

kiem-toan-ngan-hang.png
Kết quả kiểm toán lĩnh vực ngân hàng góp phần tích cực vào công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước. Ảnh tư liệu

Nhìn lại chặng đường 20 năm qua hoạt động kiểm toán trong lĩnh vực ngân hàng, KTNN đã có nhiều phát hiện kiểm toán có tính đột phá, đi sâu phát hiện những lỗi hệ thống mang tính chất phức tạp, từ đó có các kiến nghị có tầm ảnh hưởng sâu rộng tới hoạt động quản lý nhà nước tại các đơn vị được kiểm toán.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng cho biết: Kết quả kiểm toán lũy kế giai đoạn từ 2015 đến nay, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính khoảng 18.107 tỷ đồng, kiến nghị sửa đổi 45 văn bản; đóng góp tích cực trong việc đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng. Tính riêng giai đoạn 2012 - nay, KTNN đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra đối với 05 vụ việc liên quan đến lĩnh vực kiểm toán ngân hàng.

Thực tiễn thời gian vừa qua cho thấy một số ngân hàng TMCP tồn tại những rủi ro ảnh hưởng tới an toàn của hệ thống ngân hàng. KTNN với vai trò của mình đã góp phần vào hoạt động giám sát đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng như thế nào, thưa ông?

Điều 4 Luật KTNN 2015 quy định “Đối tượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán” và Điều 55 Luật KTNN 2015 quy định về đơn vị được kiểm toán, theo đó, các đơn vị được kiểm toán phải là các bộ, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp... có sử dụng ngân sách hoặc có vốn của Nhà nước.

Do đó đối với hệ thống ngân hàng, chỉ có Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Ngân hàng Phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Hợp tác xã, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 04 ngân hàng TMCP có vốn nhà nước (Vietcombank, Vietinbank, BIDV và MB) là các đơn vị được kiểm toán theo quy định của Luật KTNN 2015; các ngân hàng TMCP khác không có vốn nhà nước sẽ không thuộc đối tượng kiểm toán của KTNN.

Mặc dù có những rào cản về cơ sở pháp lý, KTNN vẫn nỗ lực chủ động tham gia tối đa vào việc giám sát hoạt động của các ngân hàng TMCP trong phạm vi và thẩm quyền của mình. Thông qua việc kiểm toán NHNN và đặc biệt là kiểm toán tại Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc NHNN, KTNN đã chỉ ra và cảnh báo những rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn tới tính thanh khoản và an toàn của nhóm ngân hàng TMCP đang phải đối mặt như: thiếu hụt vốn khả dụng dẫn đến vi phạm tỷ lệ dự trữ bắt buộc; còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay, phân loại nợ chưa phù hợp; tỷ trọng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp/tổng dư nợ của một số ngân hàng cao; còn một số ngân hàng TMCP có tỷ lệ nợ xấu nội bảng cao vượt ngưỡng; còn trường hợp cổ đông và người có liên quan của cổ đông sở hữu cổ phần trên 20% vốn điều lệ,… nhằm khuyến nghị với NHNN trong việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo các ngân hàng TMCP thực hiện đúng, đầy đủ các quy định và kịp thời phát hiện các yếu tố, xu hướng tác động tiêu cực, rủi ro gây mất an toàn hoạt động đối với từng TCTD.

Trên cơ sở ý kiến của KTNN, NHNN đã từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế trong công tác thanh tra, giám sát; ngày càng hoàn thiện về cơ chế chính sách và hành lang pháp lý, góp phần đảm đảm bảo sự phát tiển an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD và hệ thống tài chính.

Vụ việc SCB xảy ra thời gian vừa qua được nhân dân đặc biệt quan tâm, theo dõi, ông có quan điểm như thế nào về vai trò, trách nhiệm của hoạt động kiểm toán đối với vụ việc này?

Trước tiên cần phải khẳng định, Ngân hàng SCB là ngân hàng thương mại cổ phần không có vốn nhà nước, do đó theo quy định pháp luật, SCB không thuộc phạm vi, thẩm quyền và không phải là đối tượng kiểm toán của KTNN.

Mặc dù không trực tiếp kiểm toán SCB nhưng thông qua hoạt động kiểm toán tại NHNN, KTNN đã chủ động phát hiện và đưa ra những cảnh báo, khuyến nghị về rủi ro của Ngân hàng SCB. 

Với vai trò và chức năng nhiệm vụ trong phạm vi, thẩm quyền theo quy định, KTNN đã rất chủ động nỗ lực đóng góp trong việc đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng 

Có thể nói, với vai trò và chức năng nhiệm vụ trong phạm vi, thẩm quyền theo quy định, KTNN đã rất chủ động nỗ lực đóng góp trong việc đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, do các ngân hàng TMCP không có vốn nhà nước không thuộc đối tượng kiểm toán nên KTNN không thể kiểm toán, đối chiếu, kiểm tra hồ sơ trực tiếp với các ngân hàng này mà chỉ có thể tiếp cận hồ sơ, tài liệu thông qua các báo cáo của NHNN dẫn đến các kết quả kiểm tra, đánh giá, cảnh báo và khuyến nghị chỉ mang tính gián tiếp, hiệu quả còn hạn chế.

Qua đây, ông có khuyến nghị gì đối với vai trò của KTNN để tham gia sâu hơn vào việc giám sát hoạt động của các ngân hàng TMCP không có vốn nhà nước thay vì chỉ tham gia giám sát thông qua hoạt động kiểm toán đối với NHNN như hiện nay?

Như trên đã phân tích, có thể thấy với các quy định pháp luật hiện nay có nhiều khó khăn cho vai trò của KTNN trong hoạt động giám sát đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong việc giám sát hoạt động của các ngân hàng TMCP không có vốn nhà nước. Để nâng cao vai trò của KTNN trong thời gian tới, cần có một số giải pháp sau:

kiem-toan-ngan-hang-1.jpg
KTNN cần được tạo điều kiện thuận lợi về mặt pháp luật để có thể tham gia sâu, trực tiếp hơn vào việc giám sát hệ thống ngân hàng. Ảnh: Anh Tuấn

Thứ nhất, sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành theo hướng có độ mở hơn, tạo điều kiện cho KTNN có thể tham gia sâu, trực tiếp hơn vào việc giám sát hệ thống ngân hàng, nhất là đối với nhóm các ngân hàng TMCP.

Thứ hai, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng do KTNN phát hiện; theo dõi đôn đốc kịp thời, thường xuyên các kết luận và kiến nghị kiểm toán; có chế tài đủ mạnh đối với trường hợp các đơn vị được kiểm toán không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kết luận, kiến nghị của KTNN.

Thứ ba, tăng cường các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề liên quan đến hoạt động ngân hàng; tập trung kiểm toán đánh giá hiệu lực, hiệu quả cơ chế, chính sách; chú trọng phát hiện các kẽ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật, những rào cản ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng để kiến nghị các cơ quan nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm chặt chẽ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương pháp luật.

Trân trọng cảm ơn Phó Tổng Kiểm toán nhà nước!

Cùng chuyên mục
Kiểm toán nhà nước: Chủ động tham gia tối đa vào việc giám sát hoạt động ngân hàng