Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên thảo luận - Ảnh: quochoi.vn |
Báo cáo tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, liên quan đến hoạt động KTNN trong đầu tư theo phương thức PPP (Điều 86) một số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với Dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 - KTNN chỉ kiểm toán tài sản công, tài chính công trong dự án PPP. Một số ý kiến cho rằng dự án PPP bản chất là dự án đầu tư công nên KTNN phải kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư tư nhân.
Thường trực Ủy ban Kinh tế dự kiến tiếp thu, sửa đổi bổ sung quy định về hoạt động KTNN thực hiện ở hai giai đoạn:
Giai đoạn 1, trước khi ký kết hợp đồng, KTNN thực hiện kiểm toán tuân thủ theo pháp luật KTNN về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công.
Giai đoạn 2, sau khi ký kết hợp đồng, KTNN thực hiện kiểm toán theo pháp luật KTNN đối với việc sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án PPP, bao gồm:
KTNN thực hiện kiểm toán hoạt động (kiểm toán theo đầu ra) để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả của dự án PPP trên cơ sở các chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ đối với dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công.
Kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ đối với việc sử dụng vốn nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm (nếu có); hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng khi tách thành một dự án thành phần; sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT.
Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh quan điểm, việc kiểm toán dự án PPP là cần thiết và dứt khoát các dự án đều phải được kiểm toán. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, tất cả các công trình này đều là công trình đối tác công tư, sản phẩm cuối cùng là bàn giao cho Nhà nước nên xét đến cùng đó là tài sản công nên việc KTNN kiểm toán dự án là bắt buộc. “Không thể phân ra chỉ được kiểm toán cái này mà không được kiểm toán cái kia”- Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Trong 03 năm (2016-2019), KTNN đã kiểm toán 84 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT giao thông, qua đó kiến nghị xử lý tài chính 4.684,4 tỷ đồng, bằng 3,4% tổng giá trị được kiểm toán, trong đó nhiều dự án có tỷ lệ xử lý tài chính từ 11% đến 13% giá trị được kiểm toán; kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn so với phương án ban đầu của 81 dự án là 300 năm, trong đó dự án giảm nhiều nhất là 13 năm. Kiểm toán 50 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 9.102 tỷ đồng, bằng 13,78% tổng giá trị được kiểm toán, trong đó có những dự án tỷ lệ kiến nghị xử lý tài chính lớn so với giá trị được kiểm toán. |
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng, trong giai đoạn chưa thực hiện dự án, thì trách nhiệm chính là của cơ quan chuẩn bị dự án đầu tư, cơ quan phê duyệt dự án chứ không phải là trách nhiệm của cơ quan kiểm toán. Vì khi đó phải có chuẩn mực kiểm toán, phải có quy trình, tiêu chuẩn đánh giá. Nếu quy định như Dự thảo Luật thì cơ quan KTNN chưa thể đánh giá dự án là đúng hay sai, gây khó cho cơ quan kiểm toán. Vì vậy, phải quy định trách nhiệm của cơ quan trình, cơ quan phê duyệt và hội đồng thẩm định dự án.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu thảo luận - Ảnh:quochoi.vn |
Thảo luận vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị phải xem lại tính khả thi và đối chiếu với thông lệ quốc tế. Bởi có một thực tế đặt ra là nhiều DN không muốn làm BOT. Chưa thực hiện dự án đã kiểm toán, làm xong lại kiểm toán lần nữa có thể gây phiền hà cho hoạt động của DN.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trước đây chúng ta thu hút đầu tư BOT khi các quy định chưa hoàn thiện, còn có những kẽ hở, do đó đã gây những phản ứng của nhân dân. Khu vực tư nhân đang mong đợi Luật PPP để cảm thấy yên tâm, khuyến khích tư nhân tham gia đối tác công tư. Do đó, vấn đề đặt ra với Luật này là vừa đảm bảo quy định chặt chẽ, nhưng đồng thời phải thu hút được khu vực tư nhân tham gia đầu tư.
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại Phiên họp, UBTVQH yêu cầu các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát các quy định của Dự thảo Luật nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật; rà soát lại các lĩnh vực đầu tư PPP; mức đầu tư; chính sách của Nhà nước đối với dự án PPP; cơ chế ưu đãi thu hút nhà đầu tư…
Đối với quy định về hoạt động KTNN trong đầu tư dự án PPP, UBTVQH thống nhất quan điểm, dự án PPP là dự án công và tạo ra tài sản công do đó phải được KTNN thực hiện kiểm toán. Tuy nhiên, kiểm toán vào thời điểm nào, giai đoạn nào thì cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc.
Tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật PPP, ngày 20/3/2020, KTNN đã có Văn bản số 337/KTNN-PC gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Tại Văn bản này, KTNN nêu rõ, theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 86 của Dự thảo Luật PPP thì KTNN chỉ thực hiện kiểm toán đối với phần vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và vốn hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT, không kiểm toán đối với việc sử dụng tài chính, tài sản công như đất đai, thu phí và các chi phí khác của dự án. Theo KTNN, quy định như vậy là trái với Hiến pháp, Luật KTNN và các luật có liên quan. KTNN cũng chỉ rõ, Dự án đầu tư theo phương thức PPP được Nhà nước quyết định chủ trương đầu tư là hình thức đầu tư công. Theo đó, để giảm bớt gánh nặng NSNN trong giai đoạn đầu tư, Nhà nước thu hút, khuyến khích nhà đầu tư bỏ vốn và Nhà nước cho phép nhà đầu tư kinh doanh công trình trong một thời gian nhất định (thu phí) hoặc thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình dịch vụ, để thực hiện dự án khác. Chi phí đầu tư là cơ sở để Nhà nước trả cho nhà đầu tư theo các hình thức trên phải được KTNN thực hiện kiểm toán. Vì vậy, để bảo đảm phù hợp Hiến pháp, Luật KTNN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và qua thực tế hoạt động của KTNN, KTNN đề nghị biên tập lại Điều 86 Dự thảo Luật PPP tương tự như quy định tại Điều 14 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công như sau: "Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán dự án PPP và báo cáo, công khai kết quả kiểm toán theo quy định của Luật KTNN". Việc quy định KTNN kiểm toán đối với toàn bộ dự án PPP cũng sẽ giúp Nhà nước có thêm kênh giám sát độc lập đối với đầu tư theo hình thức này và hiệu quả hơn, không làm ảnh hưởng đến sự thu hút các nhà đầu tư tư nhân, công tác quản lý cũng được thực hiện một cách minh bạch và đúng pháp luật. |