Kiểm toán nhà nước khu vực XII: Không ngừng nỗ lực, từng bước xây dựng, phát triển

(BKTO) - Ông Phạm Văn Học - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XII - cho biết, tuy địa bàn mà Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực XII được giao nhiệm vụ kiểm toán là các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, phần lớn điều kiện kinh tế - xã hội còn chậm phát triển và phát triển không đồng đều, quy mô ngân sách nhỏ (chủ yếu là hưởng trợ cấp từ ngân sách cấp trên), thiên tai khắc nghiệt, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đơn vị đã không ngừng nỗ lực, từng bước xây dựng, phát triển và đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiệm vụ kiểm toán.

sua_6-khu-vuc-xii.jpg
Tập thể KTNN khu vực XII

Chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công tại các địa phương

KTNN khu vực XII được thành lập theo Quyết định số 767/QĐ-KTNN ngày 17/6/2011 của Tổng Kiểm toán nhà nước, trụ sở đóng tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Đơn vị có chức năng giúp Tổng Kiểm toán nhà nước đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum… Tính đến cuối năm 2023, KTNN khu vực XII đã thực hiện và hoàn thành 56 cuộc kiểm toán với kết quả xử lý 10.707,5 tỷ đồng, trong đó kiến nghị xử lý tài chính 8.731 tỷ đồng (tăng thu 1.176,6 tỷ đồng; giảm chi 7.554,4 tỷ đồng), kiến nghị khác 1.976,5 tỷ đồng.

Ông Phan Danh Bình - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XII - nhận định, ngoài kiến nghị về xử lý tài chính, điều quan trọng là tư vấn giúp các địa phương, đơn vị được kiểm toán hoàn thiện, chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong quản lý, điều hành ngân sách, quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản; hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tính minh bạch trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; giúp Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp có thông tin tin cậy để giám sát công tác quản lý tài chính công, tài sản công tại địa phương. Đáng chú ý, đơn vị đã có nhiều kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ nhiều văn bản do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương ban hành chưa phù hợp với các Luật, văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên.

Theo chia sẻ của ông Phạm Văn Học, thực hiện theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, trong những năm gần đây, KTNN khu vực XII đã tăng cường kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương và các chuyên đề như: Công tác quản lý quy hoạch và cấp phép xây dựng; chương trình nhà ở xã hội; việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; hiệu quả của chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuế, đất đai, bảo vệ môi trường cho phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo; các chính sách ưu đãi đầu tư và việc đầu tư xây dựng dự án đối với khu kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp… Kết quả kiểm toán đã góp phần phục vụ hiệu quả hoạt động của HĐND và Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp trong công tác quản lý, điều hành, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương.

Nhiều bài học kinh nghiệm quý cho giai đoạn phát triển mới

Khi đi vào hoạt động (tháng 12/2011), lực lượng của đơn vị chỉ có 10 kiểm toán viên, trong đó 6 người được luân chuyển từ các đơn vị trong Ngành, 4 người được tiếp nhận từ nguồn tại chỗ; đến năm 2012 bộ máy được hình thành gồm: Văn phòng, Phòng Tổng hợp, 3 Phòng kiểm toán và đến tháng 02/2021, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định thành lập Phòng Kiểm toán ngân sách 3, nâng cơ cấu bộ máy của đơn vị lên 6 phòng (Văn phòng, Phòng Tổng hợp và 4 Phòng kiểm toán) được duy trì đến nay. Hiện KTNN khu vực XII có 58 công chức và người lao động, trong đó có 49 công chức (lực lượng tham gia kiểm toán 47 người, chiếm tỷ lệ 84,48% lao động toàn cơ quan) và 9 lao động hợp đồng. Đội ngũ lãnh đạo cấp Vụ có 4 người, cấp Phòng có 22 người với cơ cấu ngạch công chức: 1 kiểm toán viên cao cấp; 11 kiểm toán viên chính; 31 kiểm toán viên; 1 chuyên viên chính, 3 chuyên viên và 2 cán sự. Về trình độ chuyên môn có 19 thạc sĩ, 12 cử nhân và kỹ sư. Trình độ lý luận chính trị cũng không ngừng được nâng cao, đến nay có 21 công chức có trình độ lý luận cao cấp, hầu hết số còn lại có trình độ lý luận chính trị trung cấp.

Ông Nguyễn Văn Học cho biết, sau hơn 12 năm đi vào hoạt động, lãnh đạo KTNN khu vực XII đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý, trong đó có bài học phải thường xuyên bám sát chiến lược phát triển của Ngành, các kế hoạch, chỉ thị, chương trình hành động do lãnh đạo KTNN ban hành để cụ thể hóa thành những chương trình, kế hoạch riêng của đơn vị. Chú trọng xây dựng và phát triển tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên vững mạnh, ổn định, hoạt động hiệu quả. Giữ vững nguyên tắc tập trung, dân chủ trong mọi hoạt động; đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, đặc biệt là trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ và xây dựng các kế hoạch kiểm toán. Xây dựng sự đoàn kết, thống nhất cao trong nội bộ đơn vị, trong từng Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán trên cơ sở chấp hành đúng các quy định và các quy chế hoạt động của Ngành, của cơ quan. Quan tâm đúng mức công tác xây dựng lực lượng, hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ kiểm toán viên giỏi về chuyên môn, vững về lý luận, có bản lĩnh chính trị, kinh nghiệm thực tiễn, có tính chuyên nghiệp cao, giữ gìn phẩm chất, đạo đức khi thực hiện nhiệm vụ.

Ghi nhận những thành tích đóng góp, KTNN khu vực XII đã được trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ (năm 2013), Cờ thi đua của Tổng Kiểm toán nhà nước, cùng nhiều Bằng khen dành cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích cao trong công tác. Đây là nguồn động viên lớn đối với tập thể công chức và người lao động của đơn vị tiếp tục khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo.    

“Trong thời gian tới, để góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, KTNN khu vực XII sẽ không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, chú trọng đổi mới cách thức và phương pháp kiểm toán, tăng cường kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề; tập trung vào một số lĩnh vực nhạy cảm được xã hội quan tâm như: Quản lý đất đai, đô thị; quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản, các Chương trình mục tiêu quốc gia, việc tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội...; chú trọng việc đề xuất những kiến nghị và giải pháp thiết thực nhằm nâng cao tính tuân thủ, tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý tài chính công, tài sản công của các địa phương” - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XII chia sẻ./.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán nhà nước khu vực XII: Không ngừng nỗ lực, từng bước xây dựng, phát triển