Nepal nằm trong danh sách 20 quốc gia có nhiều thảm họa nhất trên thế giới. Quốc gia này được xếp hạng thứ 4, 11 và 30 lần lượt về rủi ro biến đổi khí hậu, động đất và lũ lụt. Các thảm họa khác ở Nepal còn bao gồm: hạn hán, bão, mưa đá, tuyết lở, cháy rừng… Trong Báo cáo thường niên 2018, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nepal Tanka Mani Sharma nhận định: “Chúng ta không thể ngăn chặn một số thảm họa thiên nhiên, tuy nhiên, chúng ta có thể quản lý chúng để đảm bảo giảm thiểu các tác động mà những thảm họa đó gây ra”.
Quản lý thảm họa về cơ bản liên quan đến các hoạt động nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai thông qua các nỗ lực có hệ thống để phân tích và giảm các yếu tố nguyên nhân gây ra thảm họa, bao gồm: giảm thiểu rủi ro về con người và tài sản, quản lý đất đai và môi trường một cách khôn ngoan và cải thiện tính sẵn sàng ứng phó với các sự kiện thiên nhiên bất lợi.
Trước trận động đất lịch sử năm 2015, cướp đi sinh mạng của gần 9.000 người, làm 22.000 người bị thương và khoảng 1 triệu công trình bị hư hỏng, Chính phủ Nepal chưa từng thực hiện bất kỳ một cuộc kiểm toán đặc biệt nào tập trung vào quản lý thảm họa và tính tuân thủ trách nhiệm liên quan đến quản lý thảm họa. Sau trận động đất này, nhận ra sự cần thiết của việc kiểm toán liên quan đến quản lý thảm họa, SAI Nepal bắt đầu tiến hành xây dựng Sổ tay hướng dẫn Kiểm toán quản lý thảm họa tuân thủ theo Chuẩn mực kiểm toán quốc tế ISSAI 5500 của INTOSAI; thành lập một ban chỉ đạo, do một Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nepal làm Trưởng ban, để chỉ đạo các vấn đề liên quan đến kiểm toán quản lý thảm họa.
Mục tiêu mà SAI Nepal đề ra cho các cuộc kiểm toán quản lý thảm họa là nhằm đảm bảo các hoạt động chuẩn bị, phòng ngừa, cứu hộ, cứu trợ, phục hồi và tái thiết liên quan đến thảm họa đã được thực hiện; giảm thiểu rủi ro thiên tai trong quá trình phát triển; đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và an sinh xã hội khi xảy ra thảm họa; điều phối các công việc được thực hiện bởi cộng đồng quốc tế và các đối tác phát triển; đảm bảo các giao dịch tài chính, sổ sách kế toán, hồ sơ, báo cáo liên quan đến thảm họa được duy trì phù hợp với chính sách kế toán và luật hiện hành.
Khi tiến hành kiểm toán quản lý thảm họa, các kiểm toán viên nhà nước Nepal xem xét đến các yếu tố rủi ro khác nhau liên quan đến các giai đoạn khác nhau của chu kỳ quản lý thảm họa, bao gồm các hoạt động trước, trong và sau thảm họa. Khi kiểm toán các biện pháp phòng ngừa, sự chuẩn bị và nỗ lực giảm thiểu rủi ro thiên tai của Chính phủ, các kiểm toán viên xem xét đến những rủi ro đối với hiệu quả của các chính sách, biện pháp được hoạch định và những rủi ro tuân thủ các yêu cầu của thỏa thuận quốc tế. Khi kiểm toán các hoạt động khẩn cấp sau thảm họa, các kiểm toán viên có thể xem xét đến các rủi ro phát sinh như: rủi ro về hiệu quả khi một lượng viện trợ lớn đến nhanh chóng và cần được quản lý, phân phối nhanh để cứu người và hạn chế tổn thất.
Cho đến nay, SAI Nepal đã tiến hành ba cuộc kiểm toán quản lý thảm họa theo phương pháp kiểm toán hoạt động, tuân thủ theo Chỉ dẫn về Kiểm toán thảm họa do SAI Nepal xây dựng (phần lớn đồng nhất với ISSAI 5500). Các cuộc kiểm toán này bao gồm: Kiểm toán hoạt động về tính sẵn sàng trong quản lý thảm họa (năm 2016), Kiểm toán hoạt động về việc quyên góp và phân phát cứu trợ cho các nạn nhân động đất tại Nepal (năm 2017) và Kiểm toán hoạt động về các công trình tái thiết tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất (năm 2018).
Trong những năm gần đây, vai trò của KTNN Nepal ngày càng được khẳng định và nâng cao trong việc củng cố hoạt động của các cơ quan chính phủ nhằm xây dựng khung thể chế và pháp lý hiệu quả. Mặc dù được coi là một SAI có kinh nghiệm trong thực hiện kiểm toán quản lý thảm họa, SAI Nepal luôn không ngừng thúc đẩy sự phối hợp, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm với các SAI khác trong khu vực và quốc tế, nhằm tăng cường hơn nữa năng lực kiểm toán trong lĩnh vực quản lý thảm họa, hỗ trợ Chính phủ Nepal trong các nỗ lực xây dựng và tái thiết đất nước.
Theo Báo Kiểm toán số 34 ra ngày 22-8-2019