Kiểm toán nhà nước triển khai cuộc đánh giá Khung đo lường hoạt động của Cơ quan Kiểm toán tối cao

(BKTO) - Sáng 31/10, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ đã chủ trì buổi làm việc giữa Nhóm công tác về nâng cao hoạt động của Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) với đoàn chuyên gia của Quỹ Kiểm toán và Trách nhiệm giải trình Canada (CAAF) về tình hình triển khai cuộc đánh giá Khung đo lường hoạt động của Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI PMF) tại KTNN năm 2024.

Cùng tham dự buổi làm việc, về phía KTNN có ông Nguyễn Lương Thuyết - Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (Trưởng nhóm); ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Phó trưởng nhóm) cùng 9 thành viên của Nhóm đến từ nhiều đơn vị trực thuộc KTNN.

sep-tho.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ (giữa) chủ trì buổi làm việc. Ảnh: TX

Về phía CAAF, tham dự buổi làm việc có ông Nick Cieslinski - cán bộ Chương trình cấp cao CAAF, ông John Affleck và ông Horatio Vieira - Chuyên gia CAAF.

Tại buổi làm việc, các chuyên gia CAAF đã báo cáo về kết quả sơ bộ các cuộc làm việc của Nhóm công tác với các chuyên gia trong 2 tuần vừa qua. Ông Nick Cieslinski cho biết, CAAF đã hỗ trợ KTNN trong việc xây dựng, điều chỉnh SAI PMF. Các chuyên gia CAAF đã có cơ hội làm việc với 11 thành viên Nhóm công tác, chủ yếu thực hiện đánh giá các chỉ số hoạt động. Các thành viên Nhóm đã làm việc rất tích cực và có thể đánh giá, chấm điểm cho tất cả các chỉ số trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Ông Horatio Vieira đã đề cập đến nhiều điểm mạnh của KTNN như hệ thống kiểm soát chất lượng của KTNN ở cấp độ 5 lớp, đây có thể là một trong những mô hình tốt nhất các chuyên gia CAAF từng biết; KTNN cũng áp dụng các chuẩn mực tương đồng với các Chuẩn mực kiểm toán quốc tế; KTNN có một hệ thống công nghệ thông tin rất mạnh, có thể ghi lại toàn bộ hoạt động kiểm toán, có chức năng yêu cầu các kiểm toán viên báo cáo mọi hoạt động từng ngày; ngoài ra các kiểm toán viên phải trải qua một kỳ kiểm tra 3 năm một lần để đảm bảo chất lượng nhân sự…

caaf.jpg
Các chuyên gia của CAAF trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: TX

Bên cạnh đó, các chuyên gia CAAF cũng đưa ra một số đề xuất cho KTNN. Theo đó, KTNN nên cố gắng độc lập hơn với Chính phủ, nên phối hợp với các cơ quan lập pháp và Chính phủ để đẩy mạnh tính độc lập của SAI; tất cả báo cáo kiểm toán cần được công khai; KTNN cần xây dựng một khung năng lực để nâng cao hơn nữa năng lực kiểm toán.

KTNN cũng nên xây dựng một cơ chế cảnh báo để kiểm toán viên có thể cảnh báo những dấu hiệu gian lận; KTNN có thể làm tốt hơn nữa việc thực hành bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp; báo cáo kiểm toán cần công bố nguồn của các tiêu chí kiểm toán; cần phê duyệt một chiến lược truyền thông để SAI có thể thông tin các hoạt động kiểm toán với công chúng.

Cuối cùng, KTNN nên xây dựng một hệ thống các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động chính để theo dõi tiến độ và đạt được các mục tiêu chính của SAI.

Tại phần thảo luận của buổi làm việc, các thành viên Nhóm công tác cùng các chuyên gia của CAAF đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ về nhiều vấn đề liên quan đến quá trình triển khai cuộc Đánh giá SAI PMF tại KTNN Việt Nam năm 2024 trên tinh thần chia sẻ cởi mở, thực tế.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Lương Thuyết - Trưởng Nhóm công tác gửi lời cảm ơn các chuyên gia, các thành viên Nhóm công tác đã rất tích cực và phối hợp chặt chẽ với nhau; đồng thời, đề nghị các thành viên tiếp tục trao đổi với các chuyên gia để cụ thể hóa những khía cạnh của các khuyến nghị. Trên cơ sở các khuyến nghị và kết quả đánh giá, KTNN sẽ có lộ trình để đưa ra định hướng hoàn thiện, phù hợp hơn.

Thay mặt lãnh đạo KTNN, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ gửi lời cảm ơn các chuyên gia CAAF và Nhóm Công tác đã làm việc rất tích cực trong thời gian qua. Trên cơ sở các mục tiêu lớn của SAI theo các thông lệ quốc tế, chuyên gia CAAF cùng Nhóm Công tác đã đánh giá được các chỉ số của SAI Việt Nam trên cơ sở các thông lệ quốc tế.

quang-canh.jpg
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: TX

“Chúng tôi đánh giá cao những ý kiến của các chuyên gia và Nhóm Công tác. Tôi đề nghị các chuyên gia CAAF và Nhóm Công tác cần xem xét kỹ lưỡng về những khuyến cáo trên, căn cứ vào thực tiễn của SAI Việt Nam, đặc biệt là thể chế chính trị, luật pháp của Việt Nam. Bên cạnh đó, cần cân nhắc để xác định vấn đề đánh giá liên quan đến các tiêu chí và đưa ra các khuyến nghị; tiếp tục rà soát để có một báo cáo đảm bảo khách quan, theo thông lệ quốc tế. Trong đó, cần lưu ý đến Hiến pháp của Việt Nam, các luật của KTNN, các luật có liên quan của Việt Nam, các quy định của Đảng để đánh giá, đưa ra các tiêu chí, khuyến nghị đảm bảo thực tiễn, phù hợp với thể chế chính trị và điều kiện của Việt Nam” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ nhấn mạnh.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ đề nghị Nhóm Công tác tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia của CAAF để đưa ra báo cáo đảm bảo chất lượng, phù hợp, đặc biệt để đưa ra các đánh giá, kiến nghị phục vụ cho việc tiếp tục hoàn thiện Chiến lược phát triển KTNN 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng là để hoàn thiện một số nội dung, chỉ tiêu trong thẩm quyền của KTNN Việt Nam.

Kết thúc buổi làm việc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ bày tỏ mong muốn sự phối hợp, cộng tác giữa KTNN Việt Nam với CAAF ngày càng mật thiết, hiệu quả và thiết thực để hai bên hoàn thành các nhiệm vụ, các điều khoản trong Biên bản ghi nhớ đã được ký kết./.

Cùng chuyên mục
  • Kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách năm 2023 tại 12 Bộ, cơ quan Trung ương
    21 ngày trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Tại Hội nghị công bố quyết định kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách năm 2023 của 12 Bộ, cơ quan Trung ương diễn ra sáng 31/10, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung nhấn mạnh, đây là cuộc kiểm toán nằm trong Kế hoạch kiểm toán năm 2024 và đề nghị các Bộ, ngành phối hợp chặt chẽ để cung cấp thông tin, phục vụ hoạt động kiểm toán đạt kết quả tốt.
  • Ngăn chặn nguy cơ thất thoát nguồn lực tài chính công - vai trò của Kiểm toán nhà nước
    21 ngày trước Hoạt động của Ngành
    “Hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”; “Trung thực, khách quan, công khai, minh bạch”, Kiểm toán nhà nước (KTNN) có vai trò quan trọng trong kiểm tra, kiểm soát và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính công (TCC), tài sản công. Ngành KTNN cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy tối đa vai trò của mình trong cơ cấu lại TCC.
  • Lỗ hổng trong quản lý tiền thuê, tiền sử dụng đất: Góc nhìn từ Kiểm toán nhà nước
    21 ngày trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Việc quản lý hiệu quả nguồn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất sẽ góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng mang lại lợi ích thiết thực cho địa phương, doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, vẫn còn lỗ hổng về cơ chế, chính sách và trong công tác quản lý. Đây cũng là những vấn đề được các cơ quan chức năng, đặc biệt là Kiểm toán nhà nước chỉ ra trong thời gian qua.
  • Cải cách tài chính công ở Việt Nam: Những thách thức đặt ra
    21 ngày trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Những năm qua, việc cải cách tài chính công (TCC) ở Việt Nam đã khá toàn diện, song vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự vào cuộc của các Bộ, ngành, trong đó có Kiểm toán nhà nước (KTNN). Những nội dung này đã được các chuyên gia trao đổi tại Hội thảo khoa học “Đẩy mạnh cơ cấu lại tài chính công và vai trò của Kiểm toán nhà nước” do KTNN vừa tổ chức.
  • Đổi mới để nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
    21 ngày trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Thời gian gần đây, cơ chế, chính sách cho hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được sửa đổi, góp phần tạo điều kiện cho DNNN “bứt phá” vươn lên, khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều DNNN, trong đó có các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) nhà nước thực hiện tốt việc bảo toàn, phát triển vốn và tài sản vẫn còn nhiều DNNN sản xuất, kinh doanh hiệu quả thấp, thua lỗ, có những dự án đầu tư chưa hiệu quả…
Kiểm toán nhà nước triển khai cuộc đánh giá Khung đo lường hoạt động của Cơ quan Kiểm toán tối cao