Lỗ hổng trong quản lý tiền thuê, tiền sử dụng đất: Góc nhìn từ Kiểm toán nhà nước

(BKTO) - Việc quản lý hiệu quả nguồn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất sẽ góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng mang lại lợi ích thiết thực cho địa phương, doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, vẫn còn lỗ hổng về cơ chế, chính sách và trong công tác quản lý. Đây cũng là những vấn đề được các cơ quan chức năng, đặc biệt là Kiểm toán nhà nước chỉ ra trong thời gian qua.

Báo Kiểm toán có bài "Lỗ hổng trong quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất - góc nhìn từ Kiểm toán nhà nước” nhằm nhận diện rõ những lỗ hổng trong công tác quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, từ đó kiến nghị giải pháp khắc phục nhằm đưa đất đai thực sự là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước.

Bài 1: Những kẽ hở gây thất thoát, lãng phí nguồn thu từ đất

Xác định giá đất hoặc vị trí thửa đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa phù hợp với quy định; miễn tiền thuê đất khi chưa đầy đủ hồ sơ theo quy định, không đúng đối tượng theo quy định… là những bất cập trong quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, từ đó làm thất thoát nguồn thu ngân sách được các cơ quan chức năng, trong đó có Kiểm toán nhà nước chỉ ra và yêu cầu chấn chỉnh.

5(1).jpg
Lỗ hổng từ quy định đến thực thi, gây thất thoát nguồn thu từ đất. Ảnh: H.THÀNH

Nhiều bất cập trong quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất

Kết quả tổng hợp từ Bộ Tài chính cho thấy, số thu từ đất đai trung bình sau hơn 10 năm tổ chức thực hiện các quy định về tài chính đất đai theo Luật Đất đai năm 2013 đạt gần 160.000 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 15% tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Cùng với chính sách tài chính đất đai nói chung, chính sách thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã từng bước được thể chế hóa theo nguyên tắc thị trường; khuyến khích sử dụng đất đai tiết kiệm, có hiệu quả, từng bước hạn chế sử dụng đất đai lãng phí. “Nhờ chính sách tài chính về đất đai năm 2013 mà nguồn thu từ đất tăng dần qua các năm, tạo nguồn lực cho địa phương phát triển” - ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết.

Việc quản lý hiệu quả nguồn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất đã góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế - xã hội, phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai. Tuy nhiên, việc quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất trong thời gian qua vẫn còn lỗ hổng về cơ chế, chính sách trong quản lý, sử dụng đất đai. Với vai trò đồng hành cùng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, hằng năm KTNN đã thực hiện kiểm toán nhằm chỉ ra các tồn tại, hạn chế trong việc quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất tại các tỉnh, thành phố.

Qua kết quả kiểm toán năm 2023 cho thấy, nhiều địa phương thực hiện miễn tiền thuê đất khi chưa đầy đủ hồ sơ, không đúng đối tượng theo quy định; miễn tiền thuê đất cho cả thời gian chậm nộp hồ sơ xin miễn, vượt thời gian theo quy định; miễn, giảm tiền thuê đất trong các khu công nghiệp do Nhà nước đầu tư không đúng đối tượng; giảm tiền sử dụng đất không đúng quy định…

Thực tiễn kiểm toán công tác quản lý đất đai tại một số địa phương của KTNN khu vực XIII cho thấy, một số địa phương ban hành quyết định giao đất cho doanh nghiệp để thực hiện kinh doanh nhà ở không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất là không phù hợp quy định của pháp luật. Trong khi KTNN khu vực I chỉ ra tình trạng các chủ đầu tư được giao đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng đất từ các tổ chức khác không đúng quy định của pháp luật, không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và làm ảnh hưởng đến nguồn thu từ sử dụng đất…

Tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2023 cho thấy, tại nhiều địa phương được kiểm toán còn có tình trạng chưa điều chỉnh hoặc chậm điều chỉnh đơn giá thuê đất khi hết thời kỳ ổn định đơn giá thuê đất; chậm chuyển thông tin xác định nghĩa vụ tài chính sang cơ quan thuế; xác định giá đất hoặc vị trí thửa đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa phù hợp với quy định…

Bình luận về kết quả kiểm toán liên quan đến việc quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất đã được KTNN chỉ ra, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) đánh giá cao sự vào cuộc của KTNN khi đã kịp thời phát hiện, kiến nghị chấn chỉnh những tồn tại này, dù các đối tượng đã sử dụng nhiều cách thức tinh vi để hợp pháp hóa sai phạm. Đơn cử như việc xác định vị trí đất liên quan đến giá đất, nên khi áp giá đất sai vị trí sẽ làm giảm số tiền chủ sử dụng đất phải đóng cho Nhà nước. “Việc áp giá sai vị trí nhằm trục lợi là hành vi vi phạm pháp luật” - đại biểu Cường nhấn mạnh.

Nhận diện lỗ hổng…

Với những bất cập liên quan đến việc quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất vừa qua đã cho thấy còn nhiều “lỗ hổng”, từ quy định của pháp luật đến hiệu lực, hiệu quả trong thực thi pháp luật của các cơ quan, địa phương.

Theo Vụ Tổng hợp (KTNN), một trong những bất cập điển hình trong quản lý đất đai vừa qua là nhiều địa phương chấp thuận chủ trương giao đất không thông qua đấu giá, dẫn đến việc xác định tiền sử dụng đất phải nộp NSNN không đúng quy định pháp luật… Những lỗ hổng khác cũng cần quan tâm như việc định giá đất vừa qua cũng là “nút thắt” rất lớn, khiến các địa phương lúng túng trong việc xác định các loại thuế liên quan tới quyền sử dụng đất, bồi thường quyền sử dụng đất, cũng như xác định tiền thuê đất, tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao hoặc cho thuê đất. “Chính những lỗ hổng này dẫn đến thực trạng như KTNN đã chỉ ra và làm giảm hiệu quả của nguồn lực đất đai” - chuyên gia Vũ Đình Ánh lưu ý và cho biết thêm, việc định giá đất quá thấp khiến Nhà nước gần như “cho không tiền thuê đất”.

Những tồn tại trong công tác quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất do KTNN chỉ ra đang được các cơ quan quản lý về đất đai và các chuyên gia nhận diện. Trong đó nổi lên phương pháp xác định giá đất; việc thực hiện chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong ưu đãi đầu tư; chính sách giao đất… theo Luật Đất đai năm 2013 có bất cập. Đơn cử như việc đấu giá quyền sử dụng đất, theo GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nhà nước có chủ trương thu hồi đất theo quy hoạch, từ đó đấu giá để có thể thu tiền sử dụng và tiền thuê đất nhiều hơn cho Nhà nước. Tuy nhiên, việc thực hiện thu hồi đất còn khó khăn. Cùng với đó, trên một khu đất tồn tại nhiều loại đất khác nhau trong tình trạng pháp lý khác nhau dẫn đến khó xác định tiền thuê đất, tiền sử dụng đất phù hợp…

Còn theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên cơ sở các quy định pháp luật về quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, ngành Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện rà soát, xác định các trường hợp không được miễn tiền thuê đất hoặc miễn không đúng quy định và báo cáo địa phương. Tuy nhiên, thực tiễn vấn đề này như KTNN đã chỉ ra là vẫn còn những bất cập, bao gồm cả từ cơ chế, quy định và khâu thực thi. Do đó, ngành tài nguyên môi trường sẽ tiếp tục tăng cường quản lý, phối hợp chấn chỉnh những bất cập này.

Từ kết quả kiểm toán của KTNN, cũng như đánh giá của cơ quan chức năng cho thấy còn nhiều lỗ hổng trong quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất. Vậy, những lỗ hổng này sẽ được khắc phục ra sao, khi Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành đi vào cuộc sống. Báo Kiểm toán sẽ tiếp tục thông tin./.

Cùng chuyên mục
Lỗ hổng trong quản lý tiền thuê, tiền sử dụng đất: Góc nhìn từ Kiểm toán nhà nước