Bài 1: KPI đáp ứng yêu cầu tinh giản, nâng cao chất lượng đội ngũ
Xây dựng nền hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả thông qua đổi mới tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ là chủ trương lớn xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Chủ động đáp ứng yêu cầu này, KTNN đã nghiên cứu, xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả công việc (Key Performance Indicator - KPI) với những tiêu chí khách quan, minh bạch, hướng tới việc chọn lựa và phát triển được một đội ngũ chất lượng.
.jpg)
Tinh giản là phải chọn đúng, loại đúng
Kết luận số 40-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định quyết tâm xây dựng bộ máy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả bằng mục tiêu tinh giản tối thiểu 5% biên chế công chức và 10% biên chế viên chức trong giai đoạn 2022-2026. Nhưng đằng sau con số tinh giản không đơn thuần là phép trừ cơ học về mặt tổ chức, mà là phép cộng lớn hơn về chất lượng, về năng lực thực thi công vụ, về uy tín và hiệu quả của bộ máy nhà nước. Nếu không có một công cụ đánh giá thực chất, việc tinh giản rất dễ rơi vào hình thức, thậm chí sai lệch, làm mất đi những người giỏi, giữ lại những người có tư duy cầu toàn, chất lượng trung bình.
Công tác đánh giá kết quả, hiệu quả công việc tại KTNN không chỉ là yêu cầu quản lý nội bộ, mà còn góp phần nâng cao chất lượng thực hiện chức năng kiểm toán, phục vụ tốt hơn cho việc báo cáo trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Do vậy, không thể tiếp tục dựa vào những cách đánh giá cảm tính, hình thức hay cào bằng, mà cần phải có một công cụ quản trị hiện đại, có khả năng đo lường chính xác hiệu quả công việc, phân loại rõ người làm tốt, người làm chưa tốt, người tạo ra giá trị thực và người chỉ hoàn thành công việc ở mức trung bình. Trong bối cảnh đó, hệ thống chỉ số KPI đang được coi là một giải pháp tiềm năng, giúp các cơ quan, đơn vị, trong đó có KTNN, lượng hóa kết quả công việc một cách khách quan, minh bạch, làm căn cứ để sàng lọc, lựa chọn và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực chất hơn.
KPI nếu được thiết kế phù hợp với đặc thù khu vực công, sẽ không chỉ là công cụ kỹ thuật, mà còn là cụ thể hóa sinh động nhất cho quyết tâm đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý nhân sự của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, liêm chính, phục vụ người dân và xã hội trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Định vị KPI trong khu vực công
KPI hay còn gọi là chỉ số đánh giá hiệu quả công việc, là một công cụ quản trị hiện đại đã được áp dụng rộng rãi trong khu vực doanh nghiệp trên toàn cầu. KPI giúp các tổ chức lượng hóa kết quả đầu ra bằng các chỉ tiêu cụ thể, dễ đo lường và dễ đánh giá. Đối với doanh nghiệp, KPI thường tập trung vào các chỉ số tài chính như: Doanh thu, lợi nhuận, thị phần, năng suất, khả năng tăng trưởng, đây là những thước đo trực tiếp phản ánh hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Không chỉ dừng lại ở khu vực doanh nghiệp, nhiều quốc gia trên thế giới đã nghiên cứu, áp dụng KPI trong khu vực công nhằm nâng cao chất lượng điều hành và quản lý nhà nước, như: Singapore, New Zealand, Vương quốc Anh, Mỹ... Tuy nhiên, các mô hình quốc tế cũng chỉ ra rằng KPI trong khu vực công có đặc thù rất khác với khu vực doanh nghiệp. Hiệu quả thực hiện nhiệm vụ trong khu vực công không thể chỉ đo đếm bằng sản lượng hay con số, mà phải gắn với giá trị công, tác động xã hội và chất lượng phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu đa mục tiêu của các chính sách công.
Do đó, việc xây dựng và áp dụng KPI trong khu vực công cần được thiết kế một cách thận trọng, bảo đảm 3 nguyên tắc.
Thứ nhất, đánh giá thực chất, tránh hình thức, đối phó. KPI không được biến thành công cụ làm đẹp số liệu hay hợp thức hóa báo cáo. Chỉ số đánh giá phải tập trung vào kết quả cụ thể, đo lường được, phản ánh đúng giá trị mà mỗi cá nhân, đơn vị tạo ra. Mục tiêu là nâng cao hiệu quả công việc, không phải tô vẽ thành tích.
Thứ hai, gắn kết chặt chẽ với vị trí việc làm và yêu cầu công vụ. KPI phải xuất phát từ vị trí việc làm đã được xác định rõ trong cơ cấu tổ chức. Từ đó, từng tiêu chí chấm điểm cần bám sát chức năng, nhiệm vụ và sản phẩm đầu ra của vị trí đó. Có như vậy mới bảo đảm phân biệt được trách nhiệm cá nhân, tránh tình trạng cào bằng, chung chung.
Thứ ba, hài hòa giữa áp lực hoàn thành nhiệm vụ và tính nhân văn. KPI cần tạo áp lực tích cực để cán bộ, công chức, viên chức nâng cao năng suất, chất lượng công việc. Tuy nhiên, không nên tuyệt đối hóa số lượng hay kết quả ngắn hạn, đặc biệt với những vị trí cố vấn, hỗ trợ chuyên môn. Đánh giá cần ghi nhận giá trị kinh nghiệm, trí tuệ và sự đồng hành của đội ngũ này.
Nói cách khác, KPI trong khu vực công cần một cách tiếp cận cân bằng hơn, vừa đo được kết quả cụ thể, vừa đánh giá đúng vai trò, giá trị đóng góp của từng cá nhân và tập thể trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân, vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Giải pháp phù hợp với Kiểm toán nhà nước
Trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị đang tích cực thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả hoạt động, KTNN cũng đang đặt ra yêu cầu rà soát, đổi mới phương thức quản lý và sử dụng đội ngũ kiểm toán viên nhà nước, công chức, viên chức của Ngành để đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Theo quy định tại Điều 118 Hiến pháp năm 2013, KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, có nhiệm vụ kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Với nhiệm vụ đó, yêu cầu chuyên môn công việc của KTNN là rất cao, đòi hỏi đội ngũ kiểm toán viên nhà nước, công chức, viên chức phải thực sự tinh thông nghiệp vụ, có bản lĩnh và trách nhiệm. Vì vậy, KTNN cần đi đầu trong việc đổi mới phương thức quản lý nội bộ, bảo đảm sử dụng đội ngũ một cách hiệu quả, đúng với yêu cầu tinh gọn, nâng cao chất lượng bộ máy và đặc biệt là ghi nhận đúng chất lượng công việc của từng cá nhân, làm cơ sở cho sàng lọc, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tất nhiên, việc dựng cơ chế đo lường kết quả công việc theo hướng lượng hóa như KPI là một cách làm phù hợp, đang trở thành xu thế trong quá trình đổi mới phương pháp quản lý và sử dụng đội ngũ công chức, viên chức và KTNN cũng đã nhanh chóng lựa chọn phát triển giải pháp này. Nhưng việc áp dụng KPI không nhất thiết phải đồng loạt hay cứng nhắc, mà có thể từng bước nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với từng cơ quan, đơn vị, nhất là với cơ quan đặc thù như KTNN. Dù sao, đây cũng là một lựa chọn đáng lưu ý nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản trị nhân lực, hỗ trợ quá trình tinh gọn tổ chức bộ máy và gia tăng chất lượng, uy tín của KTNN trong thực thi nhiệm vụ./.