Rủi ro luôn hiện hữu
Theo khảo sát của AuditBoard với các giám đốc điều hành KTNB hàng đầu, hơn 80% số người được hỏi trả lời rằng an ninh mạng/dữ liệu và nhân tài vẫn là những rủi ro hàng đầu mà các tổ chức phải đối mặt. Tiếp đó, điều kiện kinh tế vĩ mô, chuỗi cung ứng/thuê ngoài/bên thứ ba và những thay đổi liên tục về luật cũng là thách thức đối với doanh nghiệp. Ngoài ra, các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cũng được xếp vào danh sách rủi ro hàng đầu, nhất là khi nó được đánh giá là loại rủi ro phát triển nhanh nhất trong năm qua.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, mức độ nỗ lực phát triển KTNB cho năm 2023 không phải lúc nào cũng nhất quán với rủi ro, bởi 77% đánh giá rằng khả năng thu hút và giữ chân nhân tài đang là một thách thức lớn. Đó là chưa kể đến các rủi ro khác như: Yếu tố kinh tế vĩ mô và bất ổn địa chính trị, gián đoạn mô hình kinh doanh do rủi ro kỹ thuật số hay thiếu nguồn lực…
Bất chấp hàng loạt rủi ro luôn hiện hữu, 53% số người được hỏi vẫn kỳ vọng ngân sách của doanh nghiệp dành cho KTNB sẽ tăng vào năm 2023, trong khi 39% kỳ vọng đội ngũ nhân sự cũng sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, triển vọng tươi sáng này dường như mâu thuẫn với các điều kiện thực tế mà KTV đang phải đối mặt. Đặc biệt, vấn đề suy thoái kinh tế là điều khó có thể tránh khỏi trong năm 2023, đồng nghĩa với việc các nguồn lực có thể bị hạn chế, đóng băng tuyển dụng và cắt giảm các khoản chi tiêu.
Giải quyết những thiếu sót về nguồn lực, kỹ năng và công nghệ
Hy vọng về tương lai tốt đẹp là điều cần thiết nhưng điều quan trọng là chúng ta phải luôn chấp nhận rằng bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra và các KTV nên có một kế hoạch B nếu những rủi ro không giảm đi, hay thậm chí là trở nên tồi tệ hơn. Để KTNB hoàn thành vai trò quan trọng của mình và đảm bảo tính bền vững cho tổ chức, các KTV cần thu hẹp khoảng cách giữa nỗ lực và rủi ro bằng cách nâng cao kỹ năng, sử dụng công nghệ tiên tiến hơn và phát triển các chiến lược tìm nguồn cung ứng.
Mặc dù những dự báo rất hữu ích nhưng những biến cố, điều bất ngờ vẫn có thể xảy ra trong tương lai. Vì vậy, KTV phải liên tục theo dõi rủi ro để có thể điều chỉnh kế hoạch nhanh chóng. KTNB có thể cần đến sự hỗ trợ của bên thứ ba trong việc xác định các vấn đề có thể ảnh hưởng đến tổ chức. Ngoài ra, KTV nên sử dụng các chỉ số rủi ro chính (KRI) để tăng khả năng giám sát liên tục.
Bên cạnh đó, để khắc phục sự thiếu hụt tài nguyên vẫn luôn hiện hữu trong thời gian dài, công nghệ là một lựa chọn hoàn hảo giúp KTNB sử dụng tốt nhất các nguồn lực hạn chế. Đầu tư song song vào nhân tài và công nghệ là yếu tố rất quan trọng để nâng cao hiệu lực và hiệu quả KTNB cũng như gia tăng giá trị cho doanh nghiệp.
Các chuyên gia của AuditBoard khuyến nghị rằng, KTNB cần chuẩn bị sẵn kế hoạch B trong trường hợp có sóng gió bất ngờ phía trước. Trong đó, điều quan trọng đối với các nhà lãnh đạo kiểm toán là tối đa hóa các nguồn lực, tìm kiếm những cách thức đổi mới để hoàn thành mục tiêu và chủ động giám sát rủi ro. Thêm vào đó, KTNB không được mất cảnh giác và luôn chủ động giải quyết các loại rủi ro về ESG ngay bây giờ trước khi tổ chức phải chịu hậu quả rất tốn kém trong tương lai.
Điểm mấu chốt là KTV phải nhìn nhận được bức tranh tổng thể về bối cảnh rủi ro và xem xét lại các trụ cột của KTNB. Môi trường đầy biến động ngày nay đòi hỏi suy nghĩ mới mẻ, đôi khi là một cách tiếp cận “vượt trội”. Vì vậy, các nhà lãnh đạo kiểm toán cần tận dụng mọi cơ hội để xác định và giải quyết những thiếu sót về nguồn lực, kỹ năng cũng như thu hẹp bất kỳ lỗ hổng nào phát sinh trong phạm vi hoạt động của KTNB./.
AuditBoard là nền tảng dựa trên đám mây chuyển đổi kiểm toán, rủi ro, ESG và quản lý tuân thủ. Hơn 35% trong số 500 tập đoàn lớn nhất Hoa Kỳ (theo tổng doanh thu cho các năm tài chính tương ứng) do Fortune bình chọn sử dụng AuditBoard để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển rõ ràng và linh hoạt hơn. AuditBoard đang dẫn đầu phong trào chuyển đổi các ngành nghề rủi ro, thu hẹp khoảng cách về khả năng phục hồi và đưa các nhóm kiểm toán, rủi ro và tuân thủ lên vị trí có ảnh hưởng chiến lược hơn trong tổ chức của họ.