Vận dụng hướng dẫn quốc tế vào phân tích dữ liệu trong kiểm toán báo cáo tài chính tại Việt Nam

LÊ THỊ TUYẾT NHUNG | 19/01/2023 10:25

(BKTO) - Tài liệu “Hướng dẫn kiểm toán số 13 - Phân tích dữ liệu trong kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC)” do Viện Kế toán công chứng Singapore (ISCA) và Cơ quan quản lý Kế toán và Doanh nghiệp Singapore (ACRA) phát hành là công cụ hữu ích giúp kiểm toán viên (KTV) thích nghi, tận dụng cơ hội từ môi trường công nghệ cũng như ứng dụng công nghệ vào phân tích dữ liệu để nâng cao chất lượng kiểm toán và xử lý hiệu quả hơn khối lượng dữ liệu khổng lồ.

1.jpg
Bà Lê Thị Tuyết Nhung - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính), Phó Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam. 

Thực tế tại Việt Nam, Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (VSA) số 520 - Thủ tục phân tích được xây dựng dựa trên Chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISA) 520 phiên bản năm 2009 với các yêu cầu và hướng dẫn chung mang tính trừu tượng, chưa có các ví dụ cụ thể về phân tích dữ liệu cũng như ứng dụng công nghệ để phân tích dữ liệu trong kiểm toán BCTC. 

Thêm vào đó, hiện nay, các KTV hành nghề mới chỉ sử dụng các thủ tục phân tích đơn giản như phân tích biến động cuối năm so với đầu năm hoặc biến động năm nay so với năm trước… mà chưa sử dụng nhiều các thủ tục phân tích chuyên sâu. Hơn nữa, KTV chưa ứng dụng nhiều thủ tục phân tích để đánh giá rủi ro của cuộc kiểm toán.

Trong khi đó, Cách mạng công nghiệp 4.0 và các tiến bộ nhanh chóng của công nghệ đã làm thay đổi bối cảnh kinh doanh của nhiều tổ chức. Việc các đơn vị được kiểm toán sử dụng dữ liệu và công nghệ rộng rãi đã thúc đẩy hoạt động kinh doanh nhưng cũng dẫn đến sự phức tạp cho hoạt động kiểm toán và nếu chỉ thực hiện kiểm tra chi tiết, KTV khó có thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán.

Để hỗ trợ KTV và doanh nghiệp kiểm toán (DNKiT) tại Việt Nam thích nghi và tận dụng các cơ hội do sự thay đổi của môi trường công nghệ, nâng cao chất lượng kiểm toán, các tài liệu hướng dẫn chi tiết, cụ thể, phù hợp với VSA 520 là vấn đề cấp thiết. Tài liệu Hướng dẫn kiểm toán số 13 - Phân tích dữ liệu trong kiểm toán BCTC” do ISCA và ACRA phối hợp biên soạn và ban hành tháng 8/2021 là tài liệu được đánh giá tương đồng với VSA, giúp KTV biết cách ứng dụng thủ tục phân tích trong nhiều tình huống, sử dụng linh hoạt cho nhiều mục đích để tăng cường chất lượng kiểm toán. Đồng thời, Bản hướng dẫn này cũng có thể trở thành tài liệu đào tạo cho KTV và trợ lý kiểm toán, giúp tổ chức nghề nghiệp xây dựng các tài liệu chuyên môn hướng dẫn hội viên.

Đặc điểm nổi bật và riêng biệt của Bản hướng dẫn là các nội dung được thiết kế theo kết cấu của Chuẩn mực kiểm toán số 520 về phân tích dữ liệu và được thể hiện dưới các đoạn hướng dẫn nên giúp người đọc có được sự nhất quán về nội dung của hướng dẫn với chuẩn mực kiểm toán hiện hành. Đồng thời, các nội dung hướng dẫn trong các thủ tục đánh giá rủi ro và thử nghiệm cơ bản của cuộc kiểm toán đều được minh họa qua các ví dụ, tình huống cụ thể. Bản hướng dẫn có 7 nội dung chính như sau:

Một là, giải thích thuật ngữ về phân tích dữ liệu

Theo Bản hướng dẫn, phân tích dữ liệu khi được sử dụng để thu thập bằng chứng kiểm toán trong cuộc kiểm toán BCTC được định nghĩa là “khoa học và nghệ thuật phát hiện và phân tích các mẫu, các sai lệch và không nhất quán, đồng thời trích xuất thông tin hữu ích khác trong dữ liệu cơ bản hoặc liên quan đến mục tiêu của một cuộc cuộc kiểm toán thông qua phân tích, mô hình hóa và trực quan hóa nhằm mục đích lập kế hoạch hoặc thực hiện cuộc cuộc kiểm toán”.

Các chuẩn mực yêu cầu KTV phải đạt được sự đảm bảo hợp lý rằng liệu BCTC xét trên phương diện tổng thể có còn sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn hay không. Cần lưu ý rằng, khả năng kiểm tra 100% tổng thể thông qua phân tích dữ liệu không ngụ ý rằng KTV có thể cung cấp mức độ đảm bảo cao hơn ý kiến đảm bảo hợp lý hoặc ý nghĩa của “đảm bảo hợp lý” thay đổi.

Hai là, phân tích dữ liệu, giai đoạn của cuộc kiểm toán và liên kết giữa các phân tích dữ liệu với các giai đoạn của cuộc kiểm toán

Theo Bản hướng dẫn, “Phân tích dữ liệu” được phân thành 4 loại bao gồm: Phân tích mô tả, phân tích chẩn đoán, phân tích dự đoán, phân tích đề xuất. Bằng chứng kiểm toán để đưa ra kết luận hợp lý làm cơ sở cho ý kiến của KTV được thu thập bằng cách thực hiện các thủ tục đánh giá rủi ro, các thủ tục kiểm toán tiếp theo (thử nghiệm kiểm soát, thử nghiệm cơ bản).

Một phân tích dữ liệu đơn lẻ có thể đạt được nhiều hơn một mục tiêu, ví dụ như cùng một phân tích có thể đạt được hiệu quả như một thủ tục đánh giá rủi ro cũng như một thủ tục phân tích cơ bản. KTV phải xem xét các mục tiêu của phân tích dữ liệu và giai đoạn kiểm toán mà phân tích dữ liệu dự định sẽ được áp dụng để quyết định loại phân tích nào sẽ phù hợp hơn. Chẳng hạn như, phân tích mô tả thường phù hợp hơn khi thực hiện đánh giá rủi ro để giúp KTV hiểu được những gì đã diễn ra trong kỳ nhằm xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu.

Ba là, các xem xét trước khi sử dụng phân tích dữ liệu ở cấp độ DNKiT và cấp độ hợp đồng kiểm toán

Trước khi sử dụng phân tích dữ liệu, KTV và DNKiT cần xem xét về: Nguồn lực công nghệ, quản lý chất lượng ở cấp độ DNKiT và ở cấp độ hợp đồng kiểm toán, bảo mật dữ liệu, nguồn nhân lực của DNKiT.

Bốn là, chuẩn bị dữ liệu để sử dụng cho việc phân tích dữ liệu

KTV cần chuẩn bị dữ liệu thông qua các bước công việc bao gồm: Thu thập dữ liệu, xem xét sự phù hợp và độ tin cậy của dữ liệu. Trong đó, việc thu thập dữ liệu hiệu quả và hữu hiệu là một trong những yếu tố thành công quan trọng đối với việc sử dụng phân tích dữ liệu, nên các nhóm kiểm toán phải xác định ngay từ đầu liệu chất lượng dữ liệu mà Ban Giám đốc (BGĐ) đơn vị có thể cung cấp có thích hợp để hỗ trợ hoạt động phân tích được sử dụng hay không.

Với khả năng vô hạn về phân tích dữ liệu, sự phù hợp của dữ liệu ngày càng trở nên quan trọng vì dữ liệu được phân tích cần phải phù hợp với các thủ tục kiểm toán để xử lý các rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu của các nhóm giao dịch hoặc số dư tài khoản được xem xét. Một ví dụ về mức độ phù hợp đang được đề cập là khi phân tích dữ liệu cung cấp những hiểu biết thu hút BGĐ đơn vị nhưng không tạo ra bằng chứng kiểm toán đầy đủ.

Phần lớn dữ liệu được sử dụng trong phân tích dữ liệu là loại tệp do đơn vị được kiểm toán cung cấp, do đó, KTV được yêu cầu đánh giá xem liệu thông tin đó có đủ tin cậy cho các mục đích của KTV hay không, bao gồm khi cần thiết trong các trường hợp: Thu thập bằng chứng kiểm toán về tính chính xác và tính đầy đủ của tệp do đơn vị được kiểm toán cung cấp; đánh giá liệu tệp do đơn vị được kiểm toán cung cấp có được mô tả đầy đủ và được chi tiết cho mục đích của KTV hay không.

Năm là, sử dụng phân tích dữ liệu trong việc thực hiện các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính

Đây là nội dung trọng tâm của Bản hướng dẫn với 5 bước cơ bản giúp KTV sử dụng phân tích dữ liệu trong việc lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá kết quả phân tích dữ liệu được sử dụng trong các khía cạnh khác nhau của cuộc kiểm toán (thông qua thủ tục đánh giá rủi ro, thủ tục phân tích cơ bản và/hoặc kiểm tra chi tiết).

Năm bước cơ bản trong phân tích dữ liệu theo Bản hướng dẫn bao gồm: Xác định mục tiêu và mục đích của phân tích dữ liệu, thiết kế việc phân tích dữ liệu, thu thập và tìm hiểu dữ liệu cơ bản, thực hiện phân tích dữ liệu, đánh giá kết quả phân tích dữ liệu.

quy-trinh-5-buoc-phan-tich-du-lieu-trong-kiem-toan-bao-cao-tai-chinh(1).png

Sáu là, tài liệu, hồ sơ kiểm toán

Ngoài các yêu cầu chung về hồ sơ, tài liệu được quy định trong các chuẩn mực tương ứng, KTV phải xem xét việc lập tài liệu về các nội dung sau đây khi sử dụng phân tích dữ liệu: Mục tiêu của phân tích dữ liệu; nguồn của dữ liệu cơ bản được sử dụng trong phân tích (bao gồm các tiêu chí chiết xuất quan trọng và/hoặc các bộ lọc quan trọng nếu có);

Các thủ tục được thực hiện để xác định sự phù hợp và độ tin cậy của dữ liệu cơ bản; thiết kế của phân tích và cách thức phân tích đáp ứng mục tiêu; các công cụ được sử dụng để thực hiện phân tích dữ liệu; các thủ tục được thực hiện để xác định độ tin cậy của các công cụ (nếu có);

Kết quả phân tích dữ liệu, có thể bao gồm ảnh chụp màn hình của dữ liệu được thể hiện bằng hình ảnh trực quan (nếu có); phân tích kết quả bao gồm đánh giá các ngoại lệ và dị biệt và kết luận cuối cùng.

Bảy là, các ví dụ thực tế về cách thức phân tích dữ liệu có thể được sử dụng hiệu quả trong các giai đoạn khác nhau của cuộc kiểm toán theo chuẩn mực kiểm toán

Phụ lục của Bản hướng dẫn đưa ra 5 ví dụ minh họa về phân tích dữ liệu trong thủ tục đánh giá rủi ro và thử nghiệm cơ bản của cuộc kiểm toán BCTC.

Theo đó, Phụ lục A đưa ra các ví dụ về việc sử dụng phân tích dữ liệu trong thực hiện các thủ tục đánh giá rủi ro: Phân tích lợi nhuận gộp sử dụng phương pháp kết hợp (thống kê và phi thống kê), phân tích số dư tài khoản trên sổ kế toán tổng hợp bằng việc sử dụng phương pháp phi thống kê.

Phụ lục B đưa ra các ví dụ về phân tích dữ liệu được sử dụng trong thử nghiệm cơ bản gồm: Thủ tục phân tích cơ bản - tính toán lại doanh thu, kiểm tra chi tiết - chi phí lương, kiểm tra chi tiết - đối chiếu 3 chiều việc mua sắm.

Bản hướng dẫn phù hợp và hữu ích giúp KTV thích nghi và tận dụng cơ hội do sự thay đổi của môi trường công nghệ và ứng dụng công nghệ như là công cụ phân tích dữ liệu. Đồng thời, Bản hướng dẫn có thể được sử dụng để đào tạo, cập nhật kiến thức cho KTV nhằm nâng cao hiểu biết và ứng dụng của KTV về phân tích dữ liệu trong kiểm toán BCTC cũng như để từ đó nâng cao chất lượng kiểm toán trong môi trường công nghệ mới, giúp các cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu hiểu sâu hơn về thủ tục kiểm toán - phân tích dữ liệu trong kiểm toán BCTC khi thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng kiểm toán.

Thời gian qua, VACPA đã ban hành nhiều sản phẩm chuyên môn có giá trị để cung cấp các cơ sở lý luận cơ bản, quan trọng được công nhận rộng rãi trên thế giới và các hướng dẫn thực hành đầy đủ, chi tiết giúp hội viên, KTV và DNKiT thực hiện cuộc kiểm toán tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp.

Cùng với đó, VACPA cũng hoàn thành nhiều sản phẩm chuyên môn để hỗ trợ Bộ Tài chính trong việc nắm bắt đầy đủ, kịp thời quy định, thông lệ quốc tế, tham khảo hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm toán độc lập tại Việt Nam. Các sản phẩm chuyên môn này đang được áp dụng tại nhiều DNKiT và trong quá trình quản lý, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước cũng như trong hoạt động đào tạo tại Việt Nam.

Đồng thời, tôi đánh giá cao ISCA đã hợp tác, hỗ trợ, cung cấp cho VACPA các tài liệu quan trọng như “Chương trình kiểm toán mẫu báo cáo tài chính Singapore cho các đơn vị là công ty riêng (không thuộc tập đoàn)”, “Chương trình kiểm toán mẫu kiểm toán báo cáo tài chính tập đoàn Singapore”… để VACPA tham khảo xây dựng các tài liệu liên quan của Việt Nam, cũng như ISCA và ACRA đã phối hợp xây dựng tài liệu hữu ích này và tin rằng việc VACPA biên dịch, phát hành tài liệu về phân tích dữ liệu trong kiểm toán này sẽ hỗ trợ nâng cao hiệu quả công việc của KTV tại Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. “Hướng dẫn kiểm toán số 13 - Phân tích dữ liệu trong kiểm toán báo cáo tài chính - Audit guidance statement 13 - Data Analytics in a Financial Statements Audit” của ISCA và ACRA phát hành.

2. Chuẩn mực kiểm toán Singapore số 520.

3. Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 520.

4. Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 520.

Cùng chuyên mục
Vận dụng hướng dẫn quốc tế vào phân tích dữ liệu trong kiểm toán báo cáo tài chính tại Việt Nam