Kiểm toán Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý giai đoạn 2020-2023

(BKTO) - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã ký ban hành Quyết định số 500/QĐ-KTNN kèm theo Đề cương kiểm toán chuyên đề Việc quản lý, sử dụng Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý giai đoạn 2020-2023 (Đề cương).

606f277d2d45d.jpg
Ảnh minh họa

Đề cương trích dẫn Báo cáo số 556/BC-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2023 và dự kiến kế hoạch tài chính năm 2024 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách (TCNNS) do Trung ương (TƯ) quản lý.

Cụ thể: 20 quỹ đã đi vào hoạt động là: Quỹ bảo hiểm xã hội; Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; Quỹ bảo hiểm y tế;  Quỹ tích lũy trả nợ; Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam; Quỹ quốc gia về việc làm; Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam; Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước; Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá; Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo; Quỹ phòng chống tội phạm trung ương; Quỹ hỗ trợ nông dân trung ương; Quỹ đền ơn đáp nghĩa; Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam; Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 và Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.

Trong đó, 9 quỹ có quy mô vốn, nguồn thu và nhiệm vụ chi lớn; các quỹ còn lại quy mô nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp.

Trong năm 2023, các Bộ, cơ quan TƯ quản lý quỹ tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động các quỹ. Theo đó, có 6 quỹ đã và đang hoàn thiện trình cấp thẩm quyền xem xét điều chỉnh văn bản pháp luật quy định việc quản lý, sử dụng quỹ.

Tổng số dư đầu năm 2023 của các quỹ khoảng 1.326,1 nghìn tỷ đồng, trong đó chủ yếu là số dư của 3 quỹ do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam quản lý (chiếm 90,5% tổng số dư các quỹ); Quỹ tích lũy trả nợ (chiếm 8%); các quỹ còn lại chiếm tỷ trọng nhỏ, dưới 2%, như: Quỹ dịch vụ viễn thông công ích (chiếm 0,54%), Quỹ quốc gia về việc làm (chiếm 0,34%), Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 (chiếm 0,23%), Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (chiếm 0,13%)...

Giai đoạn 2015-2020, KTNN đã thực hiện kiểm toán 19 quỹ TCNNS trong đó có 15 quỹ do TƯ quản lý và 4 quỹ do địa phương quản lý.

Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý 5.443.897 triệu đồng, trong đó, tăng thu NSNN 850.822 triệu đồng; tăng thu, giảm chi các quỹ ngoài ngân sách 3.902.421 triệu đồng; xử lý tài chính khác 690.654 triệu đồng.

Các đơn vị đã thực hiện kiến nghị kiểm toán 314.274 triệu đồng, trong đó: Tăng thu NSNN 246.050 triệu đồng; tăng thu, giảm chi các quỹ ngoài ngân sách 44.707 triệu đồng; xử lý tài chính khác 23.517 triệu đồng.

Đồng thời, KTNN kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hàng chục văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; phát hiện và kiến nghị xử lý, chấn chỉnh nhiều sai phạm, tồn tại trong công tác quản lý và sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách.

Công tác kiểm toán đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công của các Quỹ; qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, giúp minh bạch và lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia.

Mục tiêu của cuộc kiểm toán chuyên đề Việc quản lý, sử dụng Quỹ TCNNS do TƯ quản lý giai đoạn đoạn 2020-2023 nhằm đánh giá việc tuân thủ pháp luật, chế độ, chính sách và các quy định nội bộ trong việc quản lý, sử dụng các Quỹ TCNNS do TƯ quản lý.

Đánh giá tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công tại các Quỹ TCNNS do TƯ quản lý.

Thông qua kiểm toán, KTNN phát hiện các hành vi tham nhũng, lãng phí và sai phạm trong quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để kiến nghị với cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định; kiến nghị xử lý tài chính, tài sản phát hiện sai sót; chỉ ra các sai phạm, hạn chế trong quản lý và kiến nghị với đơn vị được kiểm toán và cấp trên trực tiếp quản lý đơn vị được kiểm toán có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh công tác quản lý nội bộ.

Đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét về tổ chức một số quỹ hoạt động kém hoặc không có hiệu quả; kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách và pháp luật nhằm bảo đảm các nguồn lực tài chính, tài sản công được sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả.

KTNN sẽ thực hiện một số nội dung kiểm toán như: Kiểm toán việc thực hiện sứ mệnh, mục tiêu của quỹ; kiểm toán nguồn hình thành quỹ; kiểm toán việc quản lý, sử dụng quỹ; kiểm toán công tác kế toán và chế độ báo cáo quỹ; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, công khai minh bạch; đánh giá hiệu lực, hiệu quả của quỹ.

KTNN sẽ thực hiện kiểm toán các Quỹ TCNNS do TƯ quản lý; các cơ quan quản lý Quỹ TCNNS ở TƯ giai đoạn 2020-2023 và các thời kỳ trước, sau có liên quan.

Danh mục đầu mối, đơn vị được kiểm toán xác định sau khi khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán tổng quát của cuộc kiểm toán.

KTNN chỉ kiểm toán việc quản lý, sử dụng quỹ TCNNS được lựa chọn kiểm toán, không kiểm tra, đối chiếu đến các bên liên quan (trường hợp cần thiết phải đối chiếu thì báo cáo lãnh đạo KTNN cho phép và thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1536/QĐ-KTNN ngày 12/12/2023 của Tổng Kiểm toán nhà nước).

Không thực hiện kiểm toán tại Bộ Tài chính, chỉ phối hợp với Bộ Tài chính để thu thập thông tin về số liệu, tình hình quản lý, sử dụng quỹ TCNNS.

Đối với các đơn vị đã có KTNN, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra TƯ, cơ quan điều tra thực hiện thì không thực hiện kiểm toán đối với những nội dung mà KTNN và các cơ quan này đã thực hiện (ghi nhận kết quả theo báo cáo kiểm toán đã được phát hành công khai), chỉ thực hiện thêm các nội dung theo Đề cương, kế hoạch kiểm toán khi các cơ quan trên chưa thực hiện.../.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý giai đoạn 2020-2023