Kiểm toán quản lý, sử dụng quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách

(BKTO) - Trong những năm qua, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách đã có những đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo một số mục tiêu xã hội cụ thể, huy động thêm các nguồn tài chính để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, quá trình hoạt động của các quỹ cho thấy vẫn còn những hạn chế nhất định, đòi hỏi cần có giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các quỹ.

quy.jpeg
Các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhằm huy động thêm các nguồn tài chính để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh minh họa: S.T

Tồn tại nhiều bất cập trong công tác quản lý, sử dụng các quỹ

Năm 2023, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã triển khai toàn Ngành cuộc kiểm toán chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do địa phương quản lý giai đoạn 2020-2022” tại 20 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đến nay, các đơn vị KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực đã hoàn thành cuộc kiểm toán chuyên đề trên và qua kết quả kiểm toán cho thấy còn một số bất cập, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Hiện nay, có khoảng trên 40 quỹ/loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được thành lập ở Trung ương và địa phương.

Số liệu Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, tại các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý theo kế hoạch năm 2019, tổng số thu là 502,2 nghìn tỷ đồng, tổng số chi là 434,1 nghìn tỷ đồng, chênh lệch thu - chi trong năm là 68 nghìn tỷ đồng; kết dư cuối năm 2019 khoảng 907,2 nghìn tỷ đồng.

Tại các quỹ do địa phương quản lý, tổng số dư các quỹ hằng năm từ năm 2013 đến năm 2018 tương ứng là: 8.074 tỷ đồng, 9.862 tỷ đồng, 13.569 tỷ đồng, 14.880 tỷ đồng, 17.198 tỷ đồng, 18.268 tỷ đồng.

Phân tích cụ thể những hạn chế, tại Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do địa phương quản lý giai đoạn 2020-2022 tại các địa phương và kiểm toán việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng” do KTNN mới tổ chức, ông Nguyễn Quang Huy - KTNN khu vực I cho biết, về cấp vốn điều lệ, huy động vốn, đối với các quỹ do ngân sách nhà nước cấp vốn điều lệ, còn tình trạng vốn điều lệ do ủy ban nhân dân tỉnh thực cấp vượt so với nghị quyết của hội đồng nhân dân hoặc vượt so với điều lệ tổ chức và hoạt động của quỹ, cấp bổ sung vốn điều lệ chưa phù hợp với nhu cầu của quỹ.

Đối với các quỹ có chức năng huy động vốn để cho vay lại, còn tình trạng huy động vốn trong khi vẫn còn vốn điều lệ nhàn rỗi, việc huy động vốn không phải xuất phát từ việc thiếu vốn để cho vay dẫn đến tăng chi phí và làm giảm hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước cấp.

Đối với các quỹ hình thành từ nguồn thu của các tổ chức, cá nhân như Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ Phòng chống thiên tai…, nhiều đơn vị chậm nộp tiền ký quỹ phục hồi môi trường, có đơn vị chậm nộp kéo dài từ năm 2015.

mr-huy.jpg
Ông Nguyễn Quang Huy - KTNN khu vực I trao đổi tại Tọa đàm. Ảnh: T.THIỆN

Bên cạnh đó, việc phối kết hợp giữa các cơ quan liên quan đến công tác lập kế hoạch thu và tổ chức thu quỹ phòng chống thiên tai còn hạn chế, dẫn đến kế hoạch thu xây dựng hàng năm chưa sát với thực tế, số thu chưa đạt kế hoạch, còn nhiều đơn vị chưa nộp.

Về vấn đề quản lý, sử dụng vốn nhàn rỗi, theo ông Huy, hiện nay, chủ yếu số tiền nhàn rỗi của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được gửi tại Kho bạc nhà nước, một số ít quỹ gửi tại các ngân hàng thương mại. Qua kiểm toán cho thấy, lãi suất của các hợp đồng tiền gửi tại các ngân hàng khác nhau trong cùng một thời điểm với kỳ hạn, số tiền gửi tương đương.

Tuy nhiên, các quỹ chưa chỉ ra được nguyên tắc, cơ sở lựa chọn ngân hàng gửi tiền, kỳ hạn gửi tiền phù hợp với kế hoạch sử dụng vốn điều lệ. Điều này tiềm ẩn rủi ro giảm nguồn thu tiền lãi, giảm hiệu quả sử dụng vốn điều lệ nhàn rỗi của các quỹ.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng kế hoạch còn bị động, chưa sát thực tế, chưa dự báo được nhu cầu sử dụng vốn, dẫn đến nhiều trường hợp vốn điều lệ nhàn rỗi lớn nhưng chỉ gửi được kỳ hạn ngắn với lãi suất thấp.

Đối với công tác thu hồi vốn, tại một số quỹ, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ, số lãi vay chưa thu được trên tổng vốn điều lệ đã cấp lớn. Cùng với đó, việc đối chiếu các khoản dư nợ cho vay đầu tư, vay bảo lãnh chưa đầy đủ theo quy định; tỷ lệ khách hàng có đối chiếu nợ cuối năm thấp…

Cần xây dựng lộ trình cơ cấu lại các quỹ

Trước những bất cập, hạn chế trên, đưa khuyến nghị để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, ông Nguyễn Văn Thảo - KTNN khu vực IX cho rằng, đối với Quốc hội, cần xem xét, ban hành Luật quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, theo đó quy định rõ thẩm quyền thành lập quỹ, nguồn thu, nhiệm vụ chi, cơ cấu hoạt động, cơ chế tài chính... Đồng thời, xem xét bãi bỏ một số quỹ hoạt động không hiệu quả hoặc không triển khai được trong thực tiễn quy định tại các luật.

mr-thao.jpg
Ông Nguyễn Văn Thảo - KTNN khu vực IX thảo luận tại Tọa đàm. Ảnh: T.THIỆN

Bên cạnh đó, khi ban hành các luật chuyên ngành, cần xem xét, cân nhắc một cách thận trọng việc thành lập mới các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; việc thành lập mới các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách phải đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước, tránh trường hợp thành lập quá nhiều quỹ theo quy định của các luật.

Về phía Chính phủ, cần xây dựng lộ trình cơ cấu lại đối với các quỹ hoạt động không hiệu quả, không đúng mục tiêu đề ra hoặc không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội; trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ hoặc không có khả năng độc lập về tài chính, trùng lặp nguồn thu, nhiệm vụ chi với Ngân sách nhà nước thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Đồng thời, cần rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, nhằm đảm bảo đồng bộ, thống nhất và phù hợp với thực tế và hệ thống pháp luật.

Đặc biệt, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh các sai phạm và khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, cũng như xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm làm thất thoát, sử dụng kém hiệm quả nguồn lực Nhà nước tại các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Đối với ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, ông Nguyễn Đức Minh - KTNN khu vực IV cho rằng, lãnh đạo các địa phương cần chỉ đạo các đơn vi thực hiện xử lý thu hồi các khoản chi sai quy định; tạm ứng, cho vay không đúng đối tượng; hoàn trả các khoản nhận ủy thác cho vay đã thu hồi nhưng chưa hoàn trả; kinh phí thừa không còn nhiệm vụ chi.

mr-minh.jpg
Ông Nguyễn Đức Minh - KTNN khu vực IV trao đổi tại Tọa đàm. Ảnh: T.THIỆN

Song song với đó, cần chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; thực hiện công tác thanh, kiểm tra đối với các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách theo điều lệ tổ chức và hoạt động của các quỹ; kiện toàn tổ chức và hoạt động tại các quỹ…

Cùng chuyên mục
Kiểm toán quản lý, sử dụng quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách