Thực tế cho thấy, khi xây dựng kế hoạch kiểm toán, các KTV cố gắng sửa đổi để kế hoạch mỗi năm sẽ khác nhau. Tuy nhiên, sự thay đổi lại không nhiều như kỳ vọng bởi các KTV có xu hướng chuyển sang vùng an toàn và lên kế hoạch cho các cuộc kiểm toán mà họ đã biết cách thực hiện. Trong khi đó, bối cảnh kinh doanh lại thay đổi nhanh chóng khiến mục tiêu và chiến lược của doanh nghiệp (DN) phải thay đổi theo.
Không chỉ vậy, sự bất ổn do đại dịch Covid-19, xung đột chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng hay sở thích và hành vi của người tiêu dùng thay đổi cũng tác động mạnh đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của DN. Điều này đòi hỏi KTNB phải có chiến lược dài hạn dựa trên rủi ro và cả những dự báo về tương lai.
Không thể phủ nhận rằng việc đánh giá rủi ro giúp KTV tập trung vào những vấn đề quan trọng, nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất để KTNB phát huy hết giá trị của mình. Theo các chuyên gia KTNB của Hiệp hội Kế toán Công chứng Australia, bên cạnh việc đánh giá rủi ro, một số lĩnh vực trọng tâm khác như: Lịch sử hoạt động của DN, chiến lược kinh doanh, năng lực cốt lõi, danh mục sản phẩm, quản trị... cũng cần được KTNB đánh giá để tư vấn và đưa ra kiến nghị phù hợp với tầm nhìn dài hạn cũng như định hướng chặng đường phát triển phía trước cho DN.
Kết quả hoạt động trong quá khứ của tổ chức
KTNB cần đánh giá việc tổ chức đang tận dụng năng lực cốt lõi, nguồn lực sẵn có và các mối quan hệ với bên thứ ba như thế nào để đạt được các mục tiêu của mình. Nhìn vào các dữ liệu hoạt động trong quá khứ, KTV có thể dự đoán hiệu quả hoạt động và lợi nhuận trong tương lai của công ty, đồng thời thiết lập ngân sách chi tiêu trong tương lai và xác định giá trị thực của tài sản. Hơn nữa, việc xem xét các hoạt động trong quá khứ cũng là một bước quan trọng để KTV đánh giá quy trình kế toán và quản lý tài chính, từ đó phát hiện ra gian lận.
Chiến lược kinh doanh hiện tại và hoạt động hằng ngày
Việc đánh giá chiến lược nếu được thực hiện đúng cách sẽ giúp KTNB có thêm những phát hiện mới về cơ hội mới và những thách thức tiềm ẩn đối với DN. Ngoài ra, những đánh giá liên tục về hoạt động hằng ngày như: Văn hóa làm việc, sự năng động, mức độ hợp tác, phương pháp hoạt động, quy trình tuyển dụng và đào tạo, quy trình bán hàng và tiếp thị, chi phí thu hút khách hàng... có thể mang đến cho KTV một tổ hợp dữ liệu hữu ích để phân tích và tiếp cận từng lĩnh vực theo nhiều hướng khác nhau.
Năng lực cốt lõi của doanh nghiệp
DN có thể gặp nhiều khó khăn khi định vị vị trí và sức mạnh của mình trên thị trường. Vì vậy, KTNB phải đánh giá năng lực cốt lõi của DN để tránh trường hợp DN mất đi lợi thế và cơ hội cạnh tranh. Điều này đòi hỏi KTV phải có tư duy phản biện để cung cấp cái nhìn sâu sắc và toàn diện về các năng lực cốt lõi của DN cũng như tầm nhìn đối với thị trường.
Giảm thiểu rủi ro
Rủi ro là điều không thể tránh khỏi trong bất kỳ loại hình kinh doanh nào và sự chuẩn bị sẵn sàng là cách duy nhất để tránh tổn thất, giảm thiểu rủi ro với chi phí thấp nhất. KTV hoàn toàn có thể định lượng được rủi ro thông qua kiểm toán chiến lược, phân tích báo cáo tài chính, quy trình hằng ngày và đạo đức làm việc... từ đó đề xuất các sáng kiến giải quyết hiệu quả. Rủi ro kiểm soát, rủi ro phát hiện và rủi ro cố hữu là một số ý tưởng mà KTV có thể cân nhắc.
Danh mục đầu tư
Được coi là sơ yếu lý lịch của DN, danh mục đầu tư minh họa tất cả những thành tích và điểm mạnh của công ty. Do đó, danh mục đầu tư đóng vai trò như một công cụ tiềm năng để thu hút các nhà đầu tư. Các khoản đầu tư, rủi ro và lợi nhuận của DN là một phần của danh mục đầu tư để xác định xem những khoản đầu tư này đang hoạt động như thế nào. Nhiệm vụ của KTNB là đánh giá rủi ro và lợi nhuận từ các khoản đầu tư, nhận biết liệu chúng hoạt động tốt hay kém hiệu quả.
Xây dựng thương hiệu
Cần hiểu rằng, KTNB giúp xây dựng thương hiệu cho tổ chức một cách gián tiếp. Việc xây dựng thương hiệu không chỉ có tên gọi mà là sự nhất quán trong tất cả các bước, bao gồm sản phẩm, dịch vụ khách hàng, thông điệp, các giá trị, sứ mệnh và văn hóa của tổ chức. KTNB thông qua lăng kính xây dựng thương hiệu sẽ giúp DN phát hiện sự không nhất quán và thúc đẩy nhóm các bộ phận khác tập trung vào những yếu tố cần duy trì giá trị theo thời gian.
Những thách thức đối với tăng trưởng
KTNB phải phát huy tính sáng tạo và linh hoạt trong việc ứng phó với các tình huống khác nhau. DN sẽ không thể tránh khỏi những thách thức trong quá trình thực hiện chiến lược làm cho kế hoạch tăng trưởng bị trì trệ. Sau một mốc thời gian cụ thể, KTNB cần trao đổi với các quản lý cấp cao để đánh giá lại mức tăng trưởng và lập kế hoạch thực hiện. KTNB cần phải đi đầu trong việc thích ứng với những thay đổi và có tầm nhìn dài hạn để hỗ trợ lãnh đạo DN trong việc ra quyết định tốt hơn./.
Theo các chuyên gia của Hiệp hội Kế toán Công chứng Australia, KTV cần hiểu biết toàn diện về hoạt động bên trong của tổ chức, nắm bắt đầy đủ kế hoạch, chiến lược và tầm nhìn, từ đó phân tích, định hướng cho chặng đường phía trước và cung cấp cái nhìn sâu sắc về lộ trình cho tổ chức. Trong quá trình này, KTV cũng xác định những rủi ro có thể xảy ra và lợi ích lâu dài của việc ra quyết định tương ứng với các rủi ro đó. |